Còn sức sẽ cố để sân khấu sáng đèn vì lẽ sống của cuộc đời

ANTD.VN - Nghệ sĩ Ái Như sinh ra tại Huế, trong một gia đình thương gia khá giả. Mẹ chị là một phụ nữ giỏi kinh doanh và dạy con rất nghiêm khắc. Khi bị trắng tay vì thời cuộc, bà đã đưa các con vào TP.HCM và một mình bươn chải nuôi dạy. Ái Như bước vào đời trong khốn khó, có lúc phải ra vỉa hè bán thuốc lá mưu sinh, nhưng rồi số phận đưa đẩy được bén duyên với sân khấu và chị chợt nhận ra đây là lẽ sống của cuộc đời. 

Nghệ sĩ Ái Như

Thử thách cùng sân khấu 

Khi cô gái Huế nhỏ nhắn 18 tuổi Ái Như quyết định đi theo con đường nghệ thuật, cũng là lúc gia đình chị chuẩn bị đi định cư ở nước ngoài nhưng chị quyết định ở lại Việt Nam.

Đã thi đỗ và học trường nghệ thuật rồi nhưng dường như số phận vẫn mang đến cho chị những thử thách mới. Ái Như dở dang việc học một lần nữa, cho đến mấy năm sau, khi lập gia đình chị lại vừa làm vừa đi học. Sau đó chị bắt đầu sống với nghề một cách thực thụ và cũng qua một thời tuổi trẻ chật vật. Khởi nghiệp với vai trò diễn viên tại nhiều sân khấu kịch, đến nay, chị đã có hàng trăm vai diễn, viết hàng chục kịch bản, đạo diễn gần 40 vở kịch. Cuối năm 1990, Ái Như tốt nghiệp khóa đạo diễn hạng ưu với vở “Khúc nhạc lòng của vị mục sư”. 

Không có lợi thế về sắc vóc, song tài năng của Ái Như vẫn được biết đến qua nhiều vở kịch tâm lý xã hội về thân phận con người trên Sân khấu kịch 5B, Idecaf như “Sân ga tình người”; “Người khách bất ngờ”; “Giải độc đắc”; “Một cuộc đời bị đánh cắp”; “Một câu chuyện đời”; “Người điên trong ngôi nhà cổ”… Không lạ khi Ái Như dễ lấy được nước mắt khán giả, một điều vô cùng hiếm tại thị trường sân khấu TP.HCM mà công chúng vốn chuộng loại kịch hài sinh hoạt dễ dàng gây cười. 

“Với nghề, tôi lúc nào cũng muốn là chính bản thân mình. Tôi rất quan trọng việc lắng nghe góp ý và góp nhặt kinh nghiệm thực tế từ đồng nghiệp, khán giả trong quá trình làm nghề. Nhưng nếu có sự thay đổi, tôi muốn sự thay đổi đó phải xuất phát từ rung động của chính mình với vấn đề để không bị mất bản sắc’ - chị thổ lộ.

“Trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ tôi muốn mình là số 1 và tôi cũng chưa bao giờ dạy học trò chứng tỏ mình là số 1. Nếu ví tôi với một con số, thì tôi muốn là số 0. Số 0 không có nghĩa là không có gì, mà nó sẽ có giá trị khi nằm sau những con số nào đó và nó làm tăng giá trị của những con số kia. Nghề này là nghề của tập thể, anh có cái của anh thì tôi có cái của tôi”.

Nghệ sĩ Ái Như

Trong sự nghiệp sân khấu của mình, Ái Như không chỉ giỏi ở vai trò đạo diễn với nhiều vở diễn. Gần như ở bất cứ vai trò nào, Ái Như cũng đốt cháy bản thân để làm một cách tốt nhất có thể. Trên sân khấu, chị có thể tung hứng hài hước cùng các nhân vật, cũng có thể khiến khán giả rơi nước mắt vì những vai diễn xúc động. Khi chị vào vai đào thương, khán giả khóc hết nước mắt với Út Trâm trong “Chuyện bây giờ mới kể”; cô vợ nhỏ trong “Bao giờ sông cạn”; cô giáo trong “29 anh về”. 

Khi chị diễn vai ác, khán giả ghét cay đắng bà thủ kho trong “Hãy khóc đi em”; bà mẹ trong “Nửa đời ngơ ngác”; bà vợ phản trắc trong “Rau răm ở lại”. Khi chị đóng vai hài, khán già cười ngất với “Oan tình ai thấu”; “Ngôi nhà của những linh hồn”. 

Từ khi còn làm việc ở sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần đến khi về gây dựng sân khấu Hoàng Thái Thanh, vở diễn, vai diễn nào của Ái Như cũng khiến người xem phải nhớ. Năm 2010, hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội cùng nhau bắt tay xây dựng sân khấu Hoàng Thái Thanh. Dù rất mới, nhưng chỉ vài năm, Hoàng Thái Thanh đã là cái tên quen thuộc với khán giả. Làm bầu sân khấu Hoàng Thái Thanh, Ái Như nói không với hài nhảm, với kịch ma thời thượng, nói không với sự qua loa dễ dãi. 

Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như trong vở “Mơ trăng bóng nước”

Nỗi niềm của “bà bầu” Ái Như

Chị và nghệ sĩ Thành Hội gồng mình đi trên con đường làm kịch nghệ thuật, kịch đảm bảo chất lượng, tập dượt nghiêm túc, chỉn chu trong cơn lốc giải trí ăn xổi, xô bồ. Để có một thương hiệu Hoàng Thái Thanh như bây giờ, thật không thể kể hết những khó khăn, vất vả suốt chặng đường dài, chẳng có gì ngoài một niềm đam mê được làm một thứ sân khấu tử tế. 

Trong những vở kịch của Hoàng Thái Thanh, Ái Như và Thành Hội không chỉ là “ông, bà bầu” dốc tiền túi ra dựng vở, trả tiền cát-sê cho diễn viên mà còn lăn xả với các vai trò như tác giả, đạo diễn, diễn viên chính, thứ, phụ. Xem sân khấu như đứa con ruột, nơi gửi gắm đam mê trọn vẹn của mình, suốt 9 năm qua, để  Hoàng Thái Thanh sáng đèn hàng tuần, Ái Như và Thành Hội phải vượt bao khó khăn, thử thách trong bối cảnh khán giả đến với sân khấu không còn đông như trước. 

Cái giá phải trả cho sự kiên định tinh thần và xem sân khấu là “thánh đường” khi luôn giữ vững sự tử tế trong nghệ thuật đã khiến Ái Như và bạn đồng hành Thành Hội chưa lấy lại được số vốn bỏ ra. Chị tâm sự: “Tôi không lo sợ vì bản thân biết và chấp nhận điều đó từ khi thành lập sân khấu. Chúng tôi đã nghĩ đến sự thất bại khi mới bắt đầu. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ vì yêu thích dòng kịch này, thích ánh đèn sân khấu và muốn được làm nghề. Tôi thường tự nhủ, bao giờ tôi còn có thể làm được, vẫn còn sức khỏe, kiên nhẫn và bao giờ tôi còn có thể gồng gánh được thì tôi vẫn đi theo đam mê của mình”.

Chị chia sẻ từ những ngày đầu tiên đến giờ, Hoàng Thái Thanh gần như vẫn phải bù lỗ hằng tháng, doanh số chưa bao giờ là điều chị và êkip của mình dám mơ ước, chỉ biết cố gắng hết sức trong khả năng có thể để phục vụ khán giả. Mà đã làm là phải làm trọn vẹn tấm lòng, với khán giả và với nghệ thuật. Dẫu biết cơm áo không đùa với khách thơ nhưng Ái Như nói làm nghệ thuật nếu chỉ chăm chăm chuyện lời lỗ, rồi chỉ mãi suy tư tới tiền bạc thì tâm trí đâu cho nghệ thuật chắp cánh. 

Chị bộc bạch, cảm thấy mình giống như trẻ con, thấy mình mỗi ngày mỗi lớn. Và càng lớn thì càng phải có trách nhiệm với nghề. Do đó, khi tìm một tác phẩm mới, một chất liệu mới, chị luôn tự nhắc bản thân có trách nhiệm với con đường đã đi và đảm bảo tiêu chí nghệ thuật đã đề ra.

Quan điểm của chị về nghệ thuật: “Trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ tôi muốn mình là số 1 và tôi cũng chưa bao giờ dạy học trò chứng tỏ mình là số 1. Nếu ví tôi với một con số, thì tôi muốn là số 0. Số 0 không có nghĩa là không có gì, mà nó sẽ có giá trị khi nằm sau những con số nào đó và nó làm tăng giá trị của những con số kia. Nghề này là nghề của tập thể, anh có cái của anh thì tôi có cái của tôi”.