Có một Hà Nội ngát hương sen

ANTD.VN - Thật kỳ lạ, ngay cả khi tàn lụi, những thân sen gục xuống một màu xám buồn thì nó vẫn mang đến một vẻ đẹp kỳ lạ. Sự tàn lụi của sen chỉ là phút nghỉ ngơi, để rồi ấp ủ trong bùn là những chồi biếc, chờ ngày hạ sang thì đua nhau đâm chồi và ngát hương.

Có một Hà Nội ngát hương sen ảnh 1Những đóa sen được hái từ lúc trời còn chưa sáng, người làm trà nhẹ nhàng tách gạo sen, đem sảy sàng, chỉ lấy gạo sen - đó là túi trữ hương của bông sen. Gạo sen đem ướp trà, ảnh: Vân Quế

Hồ Tây bây giờ chẳng còn nhiều sen như ngày xưa nữa, sự tồn tại của những đầm sen vô hình trung như “cổ tích” giữa phố phường chen nhau bê tông cao ốc và khói bụi. Vừa tồn tại vừa lo, lo đến một ngày, diện tích mặt nước đó cũng biến thành những tòa nhà triệu đô với kính sáng choang.

Hồ Tây bây giờ dù chả còn mấy sen nữa, nhưng chừng đó thôi, cũng đủ cho những người dân Quảng An duy trì một nghề đặc biệt, nghề ướp trà sen. Một thứ đặc sản thượng hạng của đất Hà thành. Mỗi mùa sen, khi mặt trời còn chưa ló rạng, những người làm trà đã phải trở dậy ra đầm hái sen. Thứ hoa này, cứ phải hái vào lúc sáng sớm khi còn hàm tiếu hương mới ngát, mới ướp được trà. Sen thì ở nhiều nơi cũng có, nhưng chắc là do thiên nhiên ưu đãi, chỉ có sen trồng ở hồ Tây mới thắm, mới ngát và mới ướp được trà.

Sen vốn dễ tính, chỉ cần có chỗ sinh sôi thôi là được, chả cần chăm bẵm, chẳng cần thuốc bảo vệ thực vật hay kích thích tăng trưởng, sen cứ thế mà ngát hương. Những hồ sen mạn Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên hay Nhật Tân… sống thuận theo tự nhiên, những hạt, những lá, những đài sen khi tàn rụng xuống mặt nước vô tình trở thành một lớp mùn hỗ trợ dinh dưỡng cho lứa sen mùa sau.

Sen ở Tây Hồ là loại sen trăm cánh - sen bách diệp. Dân ở đây chẳng ai dạy ai nhưng đều biết cách phân biệt rạch ròi giữa bách diệp và sen quỳ. Quỳ thì trồng ở đầm nào cũng được, người ta đa phần trồng để bán cắm chơi hay lấy hạt. Chỉ có giống sen bách diệp ở hồ Tây mới để dành ướp trà. Những nhà ướp trà chuyên nghiệp không dùng sen quỳ để ướp bao giờ.

Có một Hà Nội ngát hương sen ảnh 2Hồ Tây bây giờ vẫn còn sen và vì thế vẫn còn thứ trà ướp hương hảo hạng

Nghề ướp trà cũng lắm công phu và để có được 1kg trà phải qua rất nhiều công đoạn cùng những bí quyết nhà nghề không phải ai cũng biết được. Sen phải hái vào lúc sáng sớm. Chọn những bông hàm tiếu. Cả bông sen, phần ngậm hương nhất và chỉ dùng phần đó để ướp trà là những hạt trắng nhỏ li ti nằm trên đài hoa - người ta gọi đó là “túi hương” hay “gạo sen”. 

Người làm trà nhẹ nhàng gỡ gạo sen ra khỏi bông sen rồi đựng trong chiếc lá sen bánh tẻ. Cứ 1.400 bông hoa sen thì mới đủ để ướp và cho ra thành phẩm là 1kg trà sen. Trà dùng để ướp sen cũng phải là loại trà mộc, chuẩn Thái Nguyên.

Trước khi vào “gạo”, phải ướp trà với cánh hoa sen trước, vừa đảm bảo độ ẩm cần thiết, vừa là loại bỏ những tạp chất còn ở trong trà. Lúc vào “gạo” mới chính là lúc công phu nhất. Công đoạn này các nghệ nhân làng Quảng Bá thường tự tay làm, quy trình chung thì cứ rải một lớp trà, một lớp “gạo” sen. Ướp đủ 7 lần, mỗi lần 3 ngày, rồi thì sàng sảy, rồi thì sấy, nhà thì dùng than hoa, có nhà lại sấy bằng hơi nước, tùy theo bí quyết riêng mà thành đặc sản. 

Giá 1 kg trà sen giờ dao động khoảng 8-9 triệu đồng/kg. Một thứ đặc sản đắt đỏ, không phải ai cũng mua mà uống được. Thế nhưng đắt thì đắt vẫn có một lượng khách nhất định tìm mua. Nhiều khách ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp… uống một lần rồi cứ nhớ đặt mua. Trà sen Quảng Bá cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các quán trà Việt ở quận 5, Paris - Pháp.

Bây giờ, nếu ai đó dạo một vòng quanh những đầm sen ở hồ Tây chắc sẽ không khỏi chạnh lòng. Những đầm sen ven hồ Tây đang dần co hẹp lại, có những đầm đã vĩnh viễn biến mất. Toàn bộ hoa sen bán ngoài chợ Quảng Bá mỗi khi vào mùa đều là sen từ các huyện ngoại thành chuyển tới. Người Hà Nội giờ ít được thưởng sen hương, loại sen trăm cánh của hồ Tây.

Có một Hà Nội ngát hương sen ảnh 3Ở Quảng An vẫn còn có nhiều hộ gia đình  sống với nghề trồng sen và làm trà ướp hương sen 

Người Hà Nội sẽ thế nào nếu một ngày, sen hồ Tây không còn nữa? Loại trà ướp hương sen trứ danh mà nhiều người mới chỉ nghe nói, chưa một lần được thưởng thức liệu có còn không? Những người vẫn giữ nghề ở làng Quảng An sẽ thế nào? Dinh đào Nhật Tân là một bài học.

Những người trồng sen, những người yêu sen và vẫn còn giữ nghề trà, khi được hỏi về số phận các đầm sen ven hồ Tây thì đều thở dài và hy vọng vào sự lãng mạn của các nhà quản lý.

Hồ Tây còn, những đầm sen ngát hương ven hồ còn, Hà Nội vẫn còn những khoảng xanh lãng mạn, còn có nơi để lưu giữ và bảo tồn về một loài hoa gắn liền với huyền thoại hồ Tây, gắn liền với tiềm thức của biết bao thế hệ người Hà Nội và nghề làm trà cũng vì thế mà tồn tại.