Cơ hội mang lại lợi ích cho du khách Việt

ANTD.VN - Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa đưa ra một bảng tóm tắt các giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, trong đó nhấn mạnh yếu tố, đây là “cơ hội mang lại lợi ích” cho người Việt Nam để khám phá vẻ đẹp Việt Nam. 

Theo đó, cần thúc đẩy truyền thông về dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn về dịch bệnh và an ninh để giải tỏa tâm lý e dè của du khách. Chương trình kích cầu cần sự liên kết giữa các đối tác để tạo giá trị gia tăng dịch vụ, như các hãng hàng không liên kết với các khách sạn, công ty lữ hành. Cùng với đó, khuyến khích cơ cấu lại ngành du lịch với các yếu tố như cơ cấu lại sản phẩm du lịch: du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch thiên nhiên… Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch: thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), đại lý bán sản phẩm du lịch cho các doanh nghiệp lớn, quảng bá du lịch qua e-marketing, mạng xã hội…

Tiếp tục thực hiện nghiêm QĐ473 và QĐ474 của Tổng cục Du lịch về Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Các địa phương chủ động xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần; điều tiết giá kích cầu thông qua miễn, giảm các loại phí, lệ phí. Ví dụ: Phí tham quan sẽ miễn trong 1-2 tháng đầu, sau đó giảm 50% đến hết năm 2020. Các điểm đến du lịch cần chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn an ninh cho khách du lịch, cập nhật tiêu chí an toàn.

Các Sở VH-TT&DL điều chỉnh kế hoạch, tập trung vào xúc tiến quảng bá điểm đến. Tổ chức các chuyến FAM trip, Presstrip, mời các KOL, nhà báo trải nghiệm các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bộ VH-TT&DL - Tổng cục Du lịch xây dựng lại Chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch lại các vùng trọng điểm du lịch.

Bộ VH-TT&DL cần đề xuất với Bộ Giáo dục và đào tạo kéo dài kỳ nghỉ hè để kích cầu du lịch; đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH để sắp xếp lại các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ kéo dài hơn, cắt giảm chi phí hội họp ở nước ngoài, điều chỉnh thành hội họp trong nước. Như vậy sẽ thúc đẩy du lịch nội địa.

Chính phủ cần chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay với các thị trường an toàn, ưu tiên, phục hồi thương mại, du lịch... Với nguyên tắc vì sức khỏe và sự an toàn dịch bệnh của người dân song song với việc phát triển kinh tế Việt Nam. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL... nhằm xây dựng các kịch bản, giải pháp, lộ trình và thông tin cụ thể liên quan tới tiêu chí an toàn đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.