Chuyện quanh mộ phần danh sĩ Thần Siêu và những uẩn khúc cuối đời

ANTD.VN - Nguyễn Văn Siêu là một trong những danh sĩ nổi tiếng nhất Hà thành khi xưa, đến nỗi người đương thời phải tôn “Thần Siêu, Thánh Quát” cùng danh sĩ họ Cao. Cả một đời cống hiến giúp vua, đào tạo nhân tài nhưng ít ai biết đến những uẩn khúc cuối đời của một nhân vật tài trí siêu việt.

Bây giờ, ở làng Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, ngôi nhà thờ cổ kính do chính cụ Nguyễn Văn Siêu tạo dựng vẫn còn khá nguyên vẹn. Những dấu tích xưa kia như làm khách lạ thấy hiển hiện bóng dáng của danh sĩ Hà thành; đến nỗi từng viên gạch, từng cách bài trí đến một lối đi qua cổng mòn vết dép cũng nổi bật phẩm chất của đấng hàn Nho.

Cách nhà thờ họ Nguyễn không xa là nơi an nghỉ cuối cùng của Thần Siêu. Mộ phần vẫn còn y nguyên như thời cụ mới nằm xuống. Đấy là người làng bảo vậy, và còn nhiều chuyện nữa mà chỉ người làng mới biết, mới thấu tỏ tường tận về một danh nhân của làng, một đại tài dân tộc.

Ai gọi Thần Siêu?

Về làng Kim Lũ, có lẽ phải gặp thầy giáo Hoàng Đạo Chúc. Thầy Chúc vốn là hậu duệ của những bậc danh nhân Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Đạo Thành nên cơ nghiệp sử làng thầy rất tường tận. Lại là người am hiểu, tâm huyết với lịch sử mà  gây dựng được hội “những người yêu mến Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ” nên những tài liệu sử học thầy có được xếp chặt cả một gian nhà rộng.

Lễ mễ ôm tập tài liệu về Thần Siêu, từ trên gác hai đi xuống, thầy Chúc  nói: “Nói có sách, mách phải có chứng, nhưng nói về cụ Siêu thì mọi chuyện tôi đã thuộc lòng từ bé. Cụ là tấm gương cho cả làng, cả tổng về đức tính thanh bạch và tâm trí giúp việc nước”.

Cụ Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799. Cha mẹ đặt tên là Định, sau đổi thành Siêu, tự là Tốn Ban. Gia đình cụ Siêu có ngôi nhà hình vuông nên lấy hiệu Phương Đình. 20 tuổi Văn Siêu đến tập văn tại trường của cụ Phạm Quí Thích. 26 tuổi, lều chõng đi thi, đỗ Á nguyên, nhưng không ra làm quan, ở nhà đọc sách, tự học và gõ đầu trẻ.

Lúc này, Nguyễn Văn Siêu gặp Cao Bá Quát người làng Phú Thị (Gia Lâm). Tuy hơn kém nhau đến 10 tuổi, nhưng chỉ sau vài câu đối thử tài đã kết giao thân mật. Năm 1838, hai người rủ nhau vào Huế thi Hội. Bá Quát bướng bỉnh, hỏng thi vì lời văn không chịu luồn dưới gầm ghế vương quyền. Văn Siêu nhẽ đỗ đạt cao nhưng vì chữ xấu nên đánh xuống Phó bảng. 

Văn Siêu được bổ làm quan Hàn lâm. Rồi làm chủ sự Bộ Lễ, thăng Viên ngoại lang. Vua Minh Mạng chết, Thiệu Trị nối ngôi. Trọng tài Thần Siêu, vua chuyển ông vào nội các làm Thừa chỉ kiêm Thị giảng, giảng sách cho các Hoàng tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm. Năm 1847, Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu Tự Đức. Năm 1849, Văn Siêu đi sứ nhà Thanh, nhà vua nói: “Khanh học vấn uyên bác, chuyến này đi sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm”.

“Từ khi cụ Nguyễn Văn Siêu kết giao với Cao Bá Quát, thì thơ văn hai người tuôn ra cả bồ. Thiên hạ khi đó không danh sĩ nào sánh kịp nên mới xưng tụng hai cụ là Thần Siêu và Thánh Quát. Vua Tự Đức kính phục tài thơ văn của thầy mình mới so sánh “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, thầy Đạo Chúc cho biết. 

Nhà thờ họ Nguyễn ở Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội do Thần Siêu tạo dựng

Đệ sớ từ quan

Thầy giáo Hoàng Đạo Chúc cho rằng, cụ Nguyễn Văn Siêu là một tài năng, cũng là rường cột quốc gia lúc bấy giờ, nhưng triều đình Tự Đức đương thời mục ruỗng. Thần Siêu là thầy vua, thầy dạy điều hay trị nước chăm dân, vua không nghe thì sái đạo thầy trò, mà nghe thì uy lực ngai vàng không thể hiện được hết. Ngai vàng và nhân nghĩa luôn đối nghịch nhau. Từ đó, Tự Đức tìm cách đưa Thần Siêu ra khỏi cung đình Huế.

Sau khi đi sứ phương Bắc về, năm 1851 Thần Siêu ra làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên. Vùng này hay bị vỡ đê, Văn Siêu gửi về Kinh đô Huế một số điều trần, song không hợp ý vua. Ít lâu sau, ông bị giáng chức. Năm 1854, Thần Siêu đệ sớ xin từ quan, được chấp nhận ngay.

Từ đó đến khi qua đời (năm 1872), non hai chục năm Nguyễn Văn Siêu sống ở Hà Nội, vui dạy học và soạn sách, làm thơ, xây Tháp Bút - Đài Nghiên nổi tiếng cho đến bây giờ. Còn nhiều di tích do chính tay Thần Siêu tạo dựng mà chúng ta ít biết, bởi lẽ lịch sử chẳng ghi chép lại; người xưa cũng không coi việc mình làm đáng để thiên hạ lưu tâm.

Là vị quan nổi tiếng cả tài trí lẫn đức độ, nhưng Nguyễn Văn Siêu lại bị triều đình tìm cớ hết trách phạt đến giáng chức. Sử học không có nhiều bình luận về việc này, nhưng những người am hiểu xưa - nay, cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến Thần Siêu thất sủng chính là Thánh Quát.

Cuộc đời làm quan của Cao Bá Quát nhiều lần bị trách phạt, giam cầm, bị đi phát phối, bị thải về đến đi đầy làm giáo thụ rồi khởi nghĩa chống lại nhà Nguyễn. Với vai trò là quốc sư, cùng các sĩ phu yêu nước và thổ mục như Đinh Công Mỹ, Bạch Công Trân tôn Lê Duy Cự làm minh chủ. Cuộc khởi nghĩa bị tố giác, nghĩa quân bị đàn áp, Cao Bá Quát tử trận. Theo sử nhà Nguyễn, “vua Tự Đức cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi quăng xuống sông”.

“Có lẽ vì lý do Thần Siêu - Thánh Quát là bạn thân nên triều đình có phần e ngại về tư tưởng của Nguyễn Văn Siêu. Vì là danh sĩ nổi tiếng, lại là thầy vua nên Tự Đức không thể một sớm một chiều sa thải, mà chờ cơ hội cho thầy về hưu”, thầy Đạo Chúc nhận định.

Làng Kim Lũ, nơi sinh nhiều người nổi tiếng, như Thần Siêu, Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Đạo Thành, Tản Đà…

Giữa chốn quê nhà

Từ khi treo mũ từ quan cho đến khi qua đời, cụ Nguyễn Văn Siêu có 20 năm sống tại Hà Nội. Theo các cụ làng Kim Lũ, bên dãy số chẵn phố Nguyễn Văn Siêu còn di tích đình Cổ Lương nằm sâu trong ngõ. Đình trước kia vốn có diện tích rộng, là nơi học trò của cụ trọ học. 

Phương Đình chính nhà cũ của Thần Siêu dùng làm trường dạy học, nay có một ngôi nhà tầng cao rộng thay thế. Tuy vậy, vẫn có thể chỉ ra các số nhà 10, 12 chính là khu Trại Găng, nhà cũ của Thần Siêu và ngôi nhà số 20 chính là nơi cụ dạy học trong những năm cuối đời.

Ở làng Kim Lũ, nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn đã được xếp hạng di tích. Tấm biển đen bằng đá vẫn ghi rõ: Do Thần Siêu tạo dựng. Ngôi nhà thờ không rộng, nhưng lối kiến trúc xưa vẫn được gìn giữ. Bên trong, những câu đối cùng bức đại tự đã ngả màu thời gian đủ để hậu thế hiểu gia cảnh bần hàn của một danh sĩ xưa.

Và phía đường cái quan, là nơi an nghỉ cuối cùng của Thần Siêu. Nhà bia còn bảo quản được tấm bia đá do người cùng họ là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp - quan Đệ nhị phụ chính Đại thần, soạn viết.

Người viết chỉ tiếc một điều, chốn an nghỉ của cụ Văn Siêu ồn ào quá, và hình như còn có “mùi thương mại”. Bởi vì, bao quanh mộ Thần Siêu là dày đặc những xe máy của các nhân viên trong một trung tâm kinh doanh bên cạnh. Điều này khiến chúng ta xót xa  bởi đó là một nơi linh thiêng, nơi an nghỉ của một danh nhân nổi tiếng; và bởi đó là một di tích đã xếp hạng. Mà, phàm đã là di tích thì cấm xâm phạm dưới mọi hình thức. 

Theo một một cán bộ UBND phường Đại Kim, phần mộ của danh nhân Nguyễn Văn Siêu hiện do Ban quản lý dự án quận Hoàng Mai và gia đình bảo quản. Cho đến nay, dự án trùng tu vẫn chưa được bàn giao cho địa phương.