NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam:

Chuyển nhượng diễn viên như cầu thủ bóng đá - tại sao không?

ANTD.VN - Nhân Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 đang diễn ra tại Hà Nội, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi về thực trạng của xiếc Việt Nam hiện nay. 

- PV: Nhìn qua danh sách các tiết mục dự thi, có thể nhận thấy, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là đơn vị có số lượng tiết mục tham dự đông đảo nhất và độ hoành tráng của tiết mục cũng đáng kể nhất. Điều này hẳn là có lý do, thưa ông?

- NSND Tạ Duy Ánh: Do liên hoan diễn ra tại Rạp xiếc Trung ương, tại địa điểm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên chúng tôi chủ trương xây dựng các tiết mục có độ hoành tráng và đông người. Điều này trái ngược hẳn với các bạn quốc tế, các đạo cụ đều gọn nhẹ để tiện lợi cho quá trình di chuyển. Thậm chí có nghệ sĩ sang Việt Nam chỉ với chiếc vali quần áo vì tiết mục biểu diễn của họ không sử dụng tới các đạo cụ cồng kềnh hỗ trợ. Lần này, liên đoàn tham gia 9 tiết mục đu bay, thăng bằng, nhào lộn… được đầu tư xây dựng từ ý tưởng tới kỹ thuật và chúng tôi đặt nhiều hy vọng ở các tiết mục này. Trong khi đó, mỗi đoàn quốc tế chỉ mang tới 1 đến 2 tiết mục.

Chuyển nhượng diễn viên như cầu thủ bóng đá - tại sao không? ảnh 1NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

- Liên hoan Xiếc quốc tế lần này có điểm gì khác biệt so với các kỳ liên hoan trước không?

- Đặc biệt liên hoan không tổ chức thi xiếc thú do những yêu cầu kiểm dịch động vật và chi phí cho quá trình di chuyển của nghệ sĩ.  Đây cũng là điều thiệt thòi đối với các huấn luyện viên thú của liên đoàn, dù từ lâu, xiếc thú là món ăn đặc sản của nghệ thuật xiếc Việt. Tuy vậy, một nghệ sĩ hài của liên đoàn sẽ có tiết mục biểu diễn khá ngộ nghĩnh cùng chó con. Điểm độc đáo ở tiết mục này là sự thay đổi trong cách huấn luyện thú làm xiếc. Trước đây, các con thú làm xiếc là do chúng được rèn phản xạ có điều kiện, làm tốt chúng được thưởng bằng thức ăn, nhưng ở tiết mục này lại là những ký hiệu đặc biệt giữa nghệ sĩ và con thú. 

- Khán giả Thủ đô có được chứng kiến màn trình diễn của 2 nghệ sĩ Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp ở liên hoàn xiếc quốc tế 2019, thưa ông?

- Rất tiếc, ở liên hoan lần này, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã không góp mặt. Hiện nay, họ đã là những nghệ sĩ tự do, thay vì trực thuộc Đoàn nghệ thuật phương Nam. Cơ chế xét tuyển công chức chưa thỏa đáng đã làm các nghệ sĩ gắn bó lâu năm trong các đơn vị nghệ thuật công lập gặp thiệt thòi và Quốc Cơ - Quốc Nghiệp không là ngoại lệ. Thời gian vừa qua, ngành xiếc đã gặp phải tình trạng đau lòng là “cốc mò cò xơi”, các đơn vị tư nhân đang hút người tài của công lập về. Bao công sức dạy dỗ và đào tạo một nghệ sĩ xiếc trong nhiều năm, bỗng “trắng tay” chỉ với một chiếc đơn nghỉ việc. Không có cơ chế đặc thù để giữ chân người tài ở lại, và việc họ ra đi là đương nhiên khi các công ty trả lương cho nghệ sỹ cao gấp 10 lần ở Nhà nước. Trường hợp của vở xiếc “Làng tôi” là một ví dụ điển hình. Cả chục diễn viên đã xin ra khỏi liên đoàn để đầu quân cho một đơn vị tư nhân, xiếc công lập chịu sao thấu. 

Chuyển nhượng diễn viên như cầu thủ bóng đá - tại sao không? ảnh 2Một tiết mục tham dự khai mạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 

- Theo ông, để tránh tình trạng này, chúng ta nên có những “cơ chế linh động” để giữ chân những nghệ sĩ tài năng gắn bó lâu dài với các đoàn nghệ thuật công lập?  

 - Khóa xiếc vừa ra trường của Trung cấp nghệ thuật xiếc không một em nào về làm việc trong công lập. Các doanh nghiệp, tập đoàn giờ mở thực cảnh và “sô” diễn nhiều. Họ cần nhiều nhân lực của ngành xiếc. Chính vì thế, các đơn vị nghệ thuật công lập đang rơi vào tình trạng thiếu diễn viên trẻ,  thay thế các nghệ sĩ đã có tuổi. Theo tôi, ngành xiếc nên lập cơ chế chuyển nhượng diễn viên giống như bóng đá. Diễn viên và đơn vị quản lý đều có lợi trong các hợp đồng chuyển nhượng như thế. Bằng không, với đồng lương eo hẹp trả cho nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật công lập sẽ không thể giữ chân người tài ở lại. Mà không cho đi, gây khó dễ cho các em thì cũng tội bởi tuổi đời làm nghề của diễn viên xiếc khá ngắn.

 - So với quốc tế, ông đánh giá như thế nào về trình độ của các diễn viên xiếc Việt Nam? 

- Để biết mình là ai, đang ở đâu cần phải qua các cuộc thi mới biết và đánh giá một cách chính xác, khách quan. Các diễn viên của Việt Nam dự thi quốc tế đã giành được những giải cao, chứng tỏ xiếc Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế. Ở Liên hoan Xiếc quốc tế 2019, khán giả sẽ được chứng kiến các màn biểu diễn thể hiện kỹ thuật điệu nghệ và ở cả khả năng sáng tạo khi lồng ghép trong các tiết mục là bản sắc văn hóa dân tộc. Các tiết mục như thế luôn dễ “ẵm” giải tại các cuộc thi quốc tế và tôi tin tưởng ở những người nghệ sĩ cần cù và yêu nghề của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!