Chiều Mátxcơva

ANTD.VN - Tôi đứng tựa lưng trên thành lan can trông xuống dòng Mátxcơva uốn lượn quanh thành phố, nước sông xanh loáng như hổ phách. Nhìn về phía bên kia, những chấm bụi vàng li ti trong hoàng hôn bao lấy mắt tôi, trong đầu tôi vang lên bản nhạc mơ hồ của “Chiều Mátxcơva”.

Lúc chờ đợi ở sân ga Saint Peterburg, tôi nhẩn nha ngồi uống vài li ca-vát rót từ chiếc chai mang theo. Nước ca-vát là món đồ uống ưa thích của tôi trong suốt những ngày lưu lại trên đất Nga. Đây là một loại lúa mạch lên men, màu sắc giống Coca, uống ngon và có tác dụng giải khát. Người Nga còn tự hào về món trứng cá muối và súp váng sữa trộn củ cải đỏ. Món ăn Nga dễ chịu hơn thực đơn của các nước Bắc Âu. Ở xứ sở băng giá này, một ly rượu Vodka và đĩa trứng cá muối được coi là cực kỳ thịnh soạn, sẽ làm cho cơ thể ấm lên và hưng phấn hơn lúc nào hết. Tôi đi tàu đêm, tờ mờ sáng hôm sau đã đến nơi.

Chuyện khách sạn ở Mátxcơva

Khách sạn ở Mátxcơva cũng có hình dáng giống hệt khách sạn tôi ở ngày hôm trước: cao, rộng, khổng lồ. Mátxcơva nắng chang chang. Nhiệt độ lên tới 36 độ C, cũng là chuyện hy hữu ở đất nước này. Như tất cả các khách sạn khác ở châu Âu, khách sạn Nga không có máy lạnh, quạt lại càng không, vì thời tiết đâu có nóng bao giờ.

Để đảm bảo an toàn, cửa sổ phòng khách sạn chỉ có thể mở hé độ 30 phân. Khi đêm đến, tôi gần như phát điên trên cái giường đệm bông, đành ngồi trên bàn sát cửa sổ hứng chút gió trời, mồ hôi túa ra như tắm. Người Nga nói rằng họ chưa trải qua cái nóng thế này bao giờ, nên cũng rất khó chịu. Quả nhiên, ba hôm sau khi tôi đáp máy bay về Hà Nội, xem tin tức trên truyền hình thấy quay cảnh Mátxcơva cháy rừng, khói tuôn mù mịt khắp thành phố. Bầu trời Mátxcơva trở nên đen kịt. 

Những người Việt đến Mátxcơva thường hay cảnh giác trước tình hình an ninh xứ này. Theo như lời đồn đại của các Việt kiều ở đây, cảnh sát Nga hễ thấy người Việt đi lại trên phố là sẽ bất thần kiểm tra giấy tờ, hộ chiếu, rồi cứ tạm đưa về trụ sở vài tiếng đã. Nhà văn Mai Thục trước có sang Nga trong Tuần lễ Văn hóa Hà Nội ở Mátxcơva tường thuật lại trong các bài ký sự rằng bà cùng vài cán bộ khác đã bị cảnh sát hạch sách kiểm tra giấy tờ không khác gì dân lưu vong.

Thậm chí khi qua cửa khẩu hàng không của Nga, chúng tôi cũng phải khai đầy đủ số tiền và đồ trang sức mang theo, từ chiếc đồng hồ rẻ tiền cho đến chiếc nhẫn cưới, điều khác biệt ở cửa khẩu những quốc gia khác (khi họ chỉ quy định giá trị tiền vàng mang theo đến ngưỡng nào mới phải khai báo), vì người có kinh nghiệm nói rằng, nếu khai không chính xác rất dễ bị hải quan tịch thu những món đồ không có trong danh sách.

Các mafia Nga cũng là nỗi khiếp sợ của nhiều người Việt. Tôi thường được người quen ở đây nhắc nhở rằng chớ có đi lại lung tung, đặc biệt ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe điện ngầm, siêu thị… Người Việt mình thường có thói quen mang theo tiền mặt chứ không dùng thẻ tín dụng, thường là món mồi ngon cho đạo tặc.

Nhiều người bị mất oan cả hộ chiếu và vé máy bay, đành lên cầu cứu đại sứ quán. Các khách sạn Nga vì vậy thường cố gắng đảm bảo an toàn tối đa cho khách. Ngoài chìa khóa phòng riêng, khách còn có chìa khóa cầu thang riêng (Mỗi tầng có một cửa ngăn cách với cầu thang máy, luôn được khóa kín. Khách ở tầng nào có khóa từ của tầng ấy. Mỗi ngày mã số từ được thay một lần để đảm bảo an toàn). Thấy vậy tôi cũng hãi, phần lớn thời gian ngồi trong khách sạn, giải khuây với chiếc máy đánh bạc dưới sảnh để rồi thua mất vài trăm rúp.

Đến nước Nga phải có một món hổ phách trong vali

Cạnh khách sạn có khu chợ trời rất thú vị. Trước cổng chợ, người ta dựng túp lều chân gà, làm đúng theo truyền thuyết về ngôi nhà của phù thủy Babayaga. Trong chợ bán nhiều đồ lưu niệm, chủ yếu là búp bê bằng vải, khăn choàng, mũ lông kiểu Nga, tem, tiền cổ, những cô Marusca bằng gỗ, “cô” nào càng xinh đẹp và càng “đẻ” được nhiều con giá càng đắt.

Nhưng nhiều nhất vẫn là những viên hổ phách đủ màu sắc vô cùng tinh xảo. Hổ phách là một sản vật truyền thống quý giá của người Nga. Đi đâu tôi cũng nhìn thấy hổ phách. Hổ phách có màu xanh lá cây, đỏ, cam, vàng, nâu… được khảm thành tranh hoặc nạm bạc làm đồ trang sức: dây chuyền, vòng, nhẫn.

Những bức tranh hổ phách rất độc đáo nhưng đắt, đặc tả các cánh rừng bạch dương và gỗ thông vươn mình trên những dòng suối lững lờ. Giờ thì tôi đã biết một cô gái có đôi mắt màu hổ phách là như thế nào.

Hổ phách là một thứ trang sức giản dị, bề mặt không óng ánh mà trong suốt như đôi mắt trong veo của người thiếu nữ. Chẳng ai đến nước Nga mà lại không có một món hổ phách trong vali. Tôi cũng mua một chiếc nhẫn hổ phách xanh nạm bạc với giá 20 USD. Còn một sợi dây chuyền hổ phách có thể lên tới vài trăm USD.

“Sao mà vua chúa của họ sướng thế”

Một trong những điểm đáng đến tham quan ở Mátxcơva là các bến xe điện ngầm. Bến xe điện ngầm ở Nga đặc biệt đẹp, rộng rãi và sầm uất (vì có nhiều cửa hàng, quầy chơi điện tử). Những năm có chiến tranh, bến xe điện ngầm còn là nơi trú ẩn tốt nhất cho người Mátxcơva. Tôi cũng xuống một trung tâm thương mại ngầm dưới đất.

Plaza này có nhiều tầng, khách muốn xuống tầng dưới phải đáp sâu hơn xuống lòng đất bằng cầu thang máy. Đây là một plaza khổng lồ với các shop thời trang, mỹ phẩm, rồi những điểm ăn nhanh, quán cà phê và quán kem đông đúc. Lại một điều thú vị nữa về kiến trúc Nga, song vẫn là nỗi ngạc nhiên cũ: Người Nga thừa đất, vậy mà vẫn cứ thích xây cao ốc và hầm sâu dưới lòng đất.   

Ngày cuối cùng, tôi đến thăm điện Kremlin. Kiến trúc Nga rất đặc trưng với những chóp mái tròn, màu sắc rực rỡ như được ốp vàng. Trong bảo tàng ở điện, người ta trưng bày rất nhiều hiện vật có từ các triều đại Nga hoàng. Đấy là những vương miện của Vua và Hoàng hậu nạm ngọc lục bảo, saphire, hồng ngọc, kim cương.

Đấy là những bộ váy áo dát chỉ vàng, chỉ bạc óng ánh. Đấy là những cỗ xe ngựa của Sa hoàng và công chúa, trông hệt những cỗ xe thần thánh. Đấy là những sở hữu của vương triều mà tôi vẫn hình dung trong trí tưởng tượng qua từng trang sách cổ tích. Qua bao cuộc bể dâu, bao thăng trầm chính trị, những món đồ hoàng bảo vẫn được lưu giữ nguyên vẹn hàng vài thế kỷ, thực đáng khâm phục. Một người đi cùng tôi thở dài “Sao mà vua chúa của họ sướng thế”. 

Chiều Mátxcơva ảnh 2Điện Kremlin là biểu tượng của nước Nga xinh đẹp

“Chiều Mátxcơva”…

Đồi Lenin là điểm đến cuối cùng trong ngày, trước khi ra sân bay. Tôi vẫn có hình dung về đồi Lenin rất lạ, trong những bài hát ru của mẹ tôi ngày thơ bé có câu “nhìn trên đỉnh cao của Lenin”, ắt nó là một ngọn đồi cao có đỉnh nhọn. Nhưng đường lên đồi thoai thoải, không có cảm giác là đồi. Trên đồi Lenin, đại học Lômônôxốp đứng kiêu hãnh trong ánh vàng chiều muộn. Đây chắc hẳn là nơi gắn nhiều kỷ niệm với những lưu học sinh người Việt. 

Người Mỹ có Harvard, người Anh có Oxford, người Pháp có Sorbonne và người Nga thì có Lômônôxốp. Tôi đứng tựa lưng trên thành lan can trông xuống dòng Mátxcơva uốn lượn quanh thành phố, nước sông xanh loáng như hổ phách. Nhìn về phía bên kia, những chấm bụi vàng li ti trong hoàng hôn bao lấy mắt tôi, khiến trường đại học lừng danh chỉ còn là hình khối.

Trong đầu tôi vang lên bản nhạc mơ hồ của “Chiều Mátxcơva”. Tôi buột miệng: “Này Maria, cô sẽ hát bài Chiều Mátxcơva trước khi chúng tôi ra sân bay chứ”. Maria nhún vai tỏ vẻ không hiểu, mãi lâu sau cô mới nói rằng, từ lúc sinh ra, cô chưa từng nghe thấy bài hát này bao giờ.

Tin cùng chuyên mục