"Chiêu" hút khách du lịch mùa "thấp điểm"

ANTD.VN - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, hầu hết các địa điểm du lịch đều đông nghịt người. Đây là một tín hiệu vừa mừng vừa tồn tại những vấn đề đáng lo ngại. Thực tế đặt ra một câu hỏi cho những người làm công tác du lịch: Làm sao để du lịch hút khách ngay cả mùa “thấp điểm”?

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ lễ từ ngày 2-9 đến 4-9, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 233.866 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã đón trên 66.000 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ. Công suất buồng, phòng khách sạn từ 3-5 sao đạt 75%. Hàng nghìn người chen nhau xuống tắm biển Hạ Long tạo nên cảnh tượng đông đến kinh hoàng.

Lượng khách đến Thanh Hóa đạt tới 150.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1.800 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 120 tỷ đồng, tăng 2,6 % so với cùng kỳ năm 2016. Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tuyến đường dẫn lên Tam Đảo, Mộc Châu, Mẫu Sơn… đều ùn tắc nghiêm trọng.

"Chiêu" hút khách du lịch mùa "thấp điểm" ảnh 1Công tác đào tạo quản lý điểm đến đối với ngành du lịch Việt Nam còn yếu và chưa phổ biến

Không vội mừng khi quá tải du lịch

TS. Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội nhìn nhận: “Không nên vội mừng khi quá tải du khách. Đây chính là vấn đề quản lý điểm đến. Các nhà quản lý du lịch cần phải nắm được sức chứa của điểm đến trong một thời điểm tối đa là bao nhiêu du khách, tránh tình trạng “thất thủ” gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách không trọn vẹn, nảy sinh tâm lý bực mình, thất vọng lần sau không muốn trở lại nữa.

Đồng thời, lượng khách đến quá nhiều có thể làm giảm chất lượng điểm đến, từ đó tiềm tàng nguy cơ suy thoái. Nếu khách đến ào ào như “vỡ trận” thì không nên vội mừng, ngay lập tức cần xem xét khâu quy hoạch về sức chứa, đưa ra biện pháp quản lý phù hợp. Nhất là với các trường hợp “mở cửa” dịp lễ, ví như việc miễn vé hoàn toàn cho du khách người Việt tại các di tích Huế ngày Quốc khánh, riêng trong ngày 2-9 năm nay đã có khoảng 20.000 lượt khách đến thăm các khu di tích thuộc quần thể cố đô Huế.

TS. Vũ An Dân đưa ra giải pháp: “Tránh tình trạng quá tải, tại các điểm đến có bán vé thì nên khuyến khích du khách đặt vé trước, mua vé tham quan theo các khung giờ, nhằm kiểm soát, phân bổ lượng khách. Nếu vé đã bán hết trước đó, các du khách tự đến và tự mua vé sẽ không có. Hầu hết các điểm du lịch có khoảng thời gian thu hút khách như dịp nghỉ lễ, cũng có khoảng thời gian vắng khách, điều này đòi hỏi phải nghiên cứu cụ thể về thị trường khách tiềm năng, cần khai thác các tài nguyên sẵn có, biến tài nguyên tại điểm đến thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, công tác đào tạo quản lý tại Việt Nam còn yếu và chưa phổ biến, nó đòi hỏi rất nhiều công đoạn từ quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, thiết kế sản phẩm bán, đảm bảo chất lượng quy hoạch đến duy trì tính ổn định nhất quán của du lịch...

"Chiêu" hút khách du lịch mùa "thấp điểm" ảnh 2Đến với miền Tây mùa nước nổi, du khách được thưởng thức các loại nông sản, trái cây phong phú

Xóa bỏ tính mùa vụ thế nào?

Thời vụ trong du lịch là quy luật có tính phổ biến ở tất cả các nước và vùng có hoạt động du lịch. Du lịch Việt Nam là một đặc trưng của phát triển du lịch theo mùa vụ. Đối với thị trường khách nội địa thì những tháng cao điểm thường tập trung nhất từ tháng 4 cho đến tháng 9. Thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam lại tập trung từ tháng 10 đến tháng 2, đặc biệt là khách đến từ châu Âu, Mỹ, Nga và các nước Bắc Âu... 

Theo TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Nên tùy từng thị trường khách quốc tế hay nội địa mà có những chính sách kích cầu cụ thể”. TS. Phạm Hồng Long chỉ rõ: “Nếu chú trọng quảng bá xúc tiến thì coi như mới chỉ bắt đầu từ ngọn. Trong khi, phần quan trọng nhất đó là chất lượng các dịch vụ cung ứng cho du khách cũng như chất lượng của nguồn nhân lực”. Bởi lẽ, mùa đông khách nhiều nơi ra sức kiếm lại để bù cho mùa vắng khách, dễ nảy sinh tình trạng chèo kéo, chặt chém, ép khách...

Giải pháp tối ưu nhất là du lịch Việt Nam phải tập trung vào chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng cũng như không ngừng đào tạo, phát huy nguồn nhân lực có chuyên môn. Chú ý hướng phân đoạn thị trường khách đến các điểm, vùng du lịch có những sản phẩm đặc trưng theo mùa. Ví như mùa tháng 10 đến tháng 12 có thể hướng du khách cả nội địa và quốc tế đến thăm khu vực miền núi Tây Bắc. Từ tháng 9 đến tháng 10 là mùa nước nổi ở miền Tây thì có thể hướng thị trường khách đến đó. Điều tiết sản phẩm gắn với thị trường khách. Nên chú trọng phát triển các vùng núi Đông và Tây Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Sapa... - nơi có những phong cảnh đẹp, người dân thân thiện, truyền thống văn hóa lâu đời.

“Nếu chú trọng quảng bá xúc tiến thì coi như mới chỉ bắt đầu từ ngọn. Trong khi, phần quan trọng nhất đó là chất lượng các dịch vụ cung ứng cho du khách cũng như chất lượng của nguồn nhân lực”.

TS. Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Hầu hết các điểm du lịch có khoảng thời gian thu hút khách như dịp nghỉ lễ, cũng có khoảng thời gian vắng khách, điều này đòi hỏi phải nghiên cứu cụ thể về thị trường khách tiềm năng, cần khai thác các tài nguyên sẵn có, biến tài nguyên tại điểm đến thành các sản phẩm du lịch đặc sắc”.

TS. Vũ An Dân (Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội)