Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang:

Chia sẻ giai điệu với khán giả là một tình yêu vô điều kiện

ANTD.VN - Bén duyên với cây đàn piano từ năm 5 tuổi, bằng sự nỗ lực, Lưu Hồng Quang đã trở thành một trong những nghệ sĩ piano trẻ tài năng nhất hiện nay. Từng đạt nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá, trong đó có giải đặc biệt tại Cuộc thi Chopin châu Á tại Nhật Bản và hiện Lưu Hồng Quang đang giảng dạy tại Học viện Âm nhạc và Biểu diễn nghệ thuật Australia (AMPA). 

Trở về từ Australia tham dự đêm hòa nhạc Toyota lần thứ 20 diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 4-11 tới, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đã có buổi trò chuyện với Phóng viên Báo An ninh Thủ đô về con đường nghệ thuật mà anh đang theo đuổi.

Có những lúc tôi cảm thấy nghề đàn thật khó!

- PV: Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước giờ diễn ra đêm nhạc cổ điển Toyata năm 2017?

- Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Được biểu diễn trong chương trình Toyota Classics cùng một dàn nhạc danh tiếng là một niềm vinh hạnh lớn với tôi. Mỗi khi có thể đưa những giai điệu đậm chất nhân văn về tình yêu con người, thiên nhiên, cuộc sống đến với khán giả Thủ đô Hà Nội, tôi đều hân hoan và tràn đầy cảm hứng.

- Trong những tác phẩm được chọn trình diễn tại đêm nhạc, anh ấn tượng nhất với tác phẩm nào?

- Lần này tôi chơi tác phẩm Concerto số 9 của Mozart, những nét nhạc được dệt lên trong trẻo - đó là sự hài hòa giữa những thanh âm dào dạt ấm áp của dàn nhạc và những nốt nhạc ngân nga thánh thót của đàn piano. Bản nhạc như truyền cho tôi một năng lượng của tuổi trẻ, cả những hồn nhiên yêu đời, những hoài bão sôi sục từng hồi trong tim lẫn những lúc suy tư trầm lắng. 

- Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, đó là lợi thế mà anh luôn trân trọng. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn gì khác trên con đường nghệ thuật anh đang đi?

- Có lẽ khó khăn lớn nhất đối với tôi chính là về khía cạnh tinh thần - vượt qua bản thân và không nản chí khi gặp trở ngại. Là một nghệ sĩ dương cầm, nhiều khi trên sân khấu chỉ có một mình tôi mà không diễn cùng với ai. Để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn, tôi luôn cần rất nhiều sự tập trung. Và vì thế, tôi cần cô lập mình trong một khoảng thời gian nhất định.

“Âm nhạc cổ điển là một kho tàng vô giá của nhân loại, ở trong đó là một quyển bách khoa toàn thư về cảm xúc con người, từ những rung cảm thuần khiết đến những nỗi niềm sâu lắng không thể nói ra”.

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang

Đã có những lúc tôi cảm thấy nghề đàn thật khó! Bởi có những lúc tôi diễn không được như mình muốn, hay thi không được như ý, cộng thêm trình độ chung trên thế giới ngày càng cao, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Khi tôi đã có chút ít thành tích, áp lực và trách nhiệm lên mỗi buổi diễn cũng lớn hơn - điều đó đòi hỏi tôi không ngừng nghỉ trau dồi nâng cao để kịp được với thời đại.

Thành công hay thất bại tôi vẫn muốn được chơi đàn

- Để có thể đứng trên sân khấu chơi đàn piano với tất cả trái tim mình cho khán giả thưởng thức, theo anh, yếu tố nào là quan trọng nhất?

- Tôi nghĩ, mình cần lòng can đảm và sự hy sinh khổ luyện. Tôi dùng từ “khổ luyện” vì có lúc chỉ một nét nhạc ngắn nhưng có khi mất hàng tháng trời kiên trì luyện tập, chứ không hề dễ “xơi”! Điều giúp tôi vượt qua các thử thách về tinh thần - đó chính là tình yêu với âm nhạc. Với tôi mỗi khi được chơi đàn, được sống trong những âm thanh và chia sẻ những giai điệu đó với khán giả như là một tình yêu vô điều kiện, bất kể mình có thành công hay thất bại, có lên có xuống... tôi vẫn muốn được chơi đàn.

Để chuẩn bị cho một buổi diễn cần một sự đào sâu về ý nghĩa và phong cách của tác phẩm và tác giả. Điều này đòi hỏi không chỉ luyện tay đàn mà còn cần đọc, nghiền ngẫm các bối cảnh lịch sử, xã hội mà ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác của tác giả. Sau khi đã thấm được phần nào tính chất của bài qua việc nghiên cứu các thông tin, bước tiếp theo là lên hình tác phẩm trong khối óc của mình, tưởng tượng ra các âm thanh sẽ vang lên thế nào.

Và bước sau đó là phần luyện cơ học khi đã biết chính xác mình muốn đàn bản nhạc thế nào, cần kỹ thuật gì để đạt được âm thanh mình mong muốn. Một cách hữu hiệu để kiểm tra âm thanh mình tạo ra một cách khách quan là tự thu lại nghe. Bên cạnh đó, các yếu tố như kinh nghiệm sống, các cung bậc cảm xúc trong cuộc đời, thiên nhiên, con người cũng rất cần thiết để đàn mỗi bản nhạc có hồn hơn.

- Sau mỗi đợt biểu diễn, anh có thói quen gì để giải tỏa căng thẳng?

- À, khi đó tôi sẽ rời khỏi cây đàn một thời gian ngắn, đi dạo, gặp gỡ gia đình bạn bè, đọc sách, xem phim hay vào các viện bảo tàng để cho tâm trí vừa được thanh thản và vừa mở mang cho sự cảm nhận cuộc sống thêm phong phú.

- Kỷ niệm nào bên cây đàn piano mà anh thường nhớ đến?

- Những năm tháng mùa đông tại Montreal, Canada - đây là khoảng thời gian tôi trân trọng vì đã được học với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Tôi vẫn nhớ lúc đó là tháng Giêng, trời lạnh thấu xương, nhưng để chuẩn bị cho một buổi diễn, tôi không ngại đến trường vào 7h sáng để tập đàn, khi đó, cả trường chưa ai đến cả.

Thời tiết khắc nghiệt và lạnh buốt nhưng trong lòng tôi lại rất phấn khởi, lần đó tôi đang luyện tập bản Concerto số 1 của Brahms, những lời trao đổi góp ý về nghệ thuật của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã cho tôi một niềm cảm hứng vô hạn với âm nhạc mà tôi sẽ ghi nhớ mãi.

- Anh đã từng thử sáng tác hay chưa? Mong muốn trong tương lai đối với sự nghiệp âm nhạc của mình là gì?

- Tôi chưa nghĩ về sáng tác, nhưng biết đâu, đó cũng là một ý tưởng thú vị sau này. Hiện nay và trong tương lai tôi vẫn muốn có thể đưa những nội dung âm nhạc và giá trị nghệ thuật đích thực qua mỗi một nốt nhạc mình chơi, mỗi buổi diễn mình đàn. Và cũng tương tự, việc tôi giảng dạy, tìm kiếm hướng đi để gieo mầm những giá trị đích thực của âm nhạc cổ điển cho thế hệ sau. Niềm vui lớn nhất của tôi là có thể làm cho khán giả thêm yêu nhạc cổ điển, vì những ý nghĩa cao quý của âm nhạc cổ điển đến với khán giả một cách chân thành nhất có thể nuôi dưỡng và khiến tâm hồn thêm đẹp đẽ.

- Cảm ơn và chúc anh thành công, luôn hạnh phúc bên tiếng đàn! 

Đêm nhạc cổ điển Toyota Classics 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Truly Classics” (Những giai điệu cổ điển truyền thống), nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang sẽ tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc Royal Philharmonic Concert Orchestra (RPCO) - một trong những dàn nhạc nổi tiếng và lâu đời đến từ Anh quốc, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Anthony Weeden và nghệ sĩ vĩ cầm David Juritz.