Chỉ có nhóm thiểu số tự hào vì "bún mắng, cháo chửi, phở quát" rất đặc biệt

ANTD.VN - Cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo xây dựng Dự thảo “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”. Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội là đơn vị thường trực xây dựng và Viện Xã hội học ứng dụng là đơn vị tư vấn thực hiện bộ Quy chế để làm chuẩn mực cho các đơn vị kinh doanh thực hiện, đảm bảo một môi trường văn minh, thanh lịch ở Thủ đô Hà Nội. 

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng về những tác động của bộ Quy chế đối với người dân khi được ban hành.

Chỉ có nhóm thiểu số tự hào vì "bún mắng, cháo chửi, phở quát" rất đặc biệt ảnh 1TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng

Đánh động cho mọi người cùng chú ý

- PV: Ông có thể chia sẻ tiến độ thực hiện Dự thảo “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” cho đến thời điểm này?

- TS. Nhạc Phan Linh: Việc xây dựng bộ Quy chế được tiến hành từ đầu năm 2017, chúng tôi vừa trình dự thảo lần thứ 7. Theo ý kiến của Sở VH-TT Hà Nội, bản dự thảo lần 7 sẽ được sử dụng để gửi đi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…; lấy ý kiến đánh giá của người dân. Trên cơ cở các ý kiến sau khi thu thập về, Sở VH-TT và Viện Xã hội học ứng dụng sẽ có những điều chỉnh cơ bản và sau đó sẽ chính thức trình lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt.

- Viện Xã hội học ứng dụng đã dựa trên căn cứ, cơ sở gì để xây dựng bộ Quy chế?

- Bám vào tên bộ “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” đã thấy bao gồm rất nhiều mảng. Chúng tôi căn cứ vào tất cả các quy định pháp luật liên quan đến chủ đề, trong đó, có những mảng như: điều kiện kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), giao tiếp ứng xử giữa người bán và người mua hàng…

Kết cấu của bộ Quy chế gồm 2 phần: Phần 1 là điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, gồm: điều kiện về VSATTP, điều kiện về quản lý trật tự đô thị, điều kiện về dụng cụ trang thiết bị phục vụ… Phần 2 là phần giao tiếp ứng xử giữa người bán và người mua. Phần 2 nghiêng hẳn về mảng giao tiếp ứng xử, trong đó có các điều về người bán với người mua cần chú ý những điểm gì, giao tiếp giữa khách hàng với chủ. Tại đây, chúng tôi đưa vào cả những nội dung chưa xuất hiện trong những văn bản nào, ví như những nhắc nhở về ý thức phục vụ tiếp đón khách như thế nào, thái độ phục vụ tiếp đón khách ra sao, không được quát mắng khách, không được thể hiện sự khó chịu khi khách hỏi thăm, mặc cả, mua bán… Quy chế này điều chỉnh tất cả những người tham gia vào dịch vụ ăn uống, người bán, người mua, thậm chí người cung cấp đồ ăn. 

- Khi thực hiện bộ Quy chế, Viện Xã hội học ứng dụng đã gặp phải những thuận lợi và khó khăn gì?

- Có rất nhiều khó khăn, song chúng tôi thấy khó khi phải tạo nên đặc trưng của quy chế là sự gần gũi, tính ứng dụng cao. Người dân lâu nay đối với văn bản quy phạm pháp luật nói chung thường ngần ngại, cho rằng khó hiểu, khó nắm bắt. Ngôn ngữ chúng tôi sử dụng được mềm hóa, văn phong mềm hóa và thiết kế tương đối gần dễ hiểu, cố gắng tránh những từ mang tính khoa học sâu hoặc pháp lý cao quá. Sẽ sử dụng giống như những bảng quy định, quy tắc chúng ta sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Đặc biệt sẽ tập trung vào văn hóa giao tiếp ứng xử, đây mới là những cái hiện nay đang rất nổi cộm.

Quy chế không copy toàn bộ các quy định liên quan tới chủ đề, mà chỉ nhắc lại một số nội dung cơ bản. Chúng tôi chọn ra và trích lại những nội dung hay bị vi phạm nhất và cần phải được chấn chỉnh nhiều nhất.

Chỉ có nhóm thiểu số tự hào vì "bún mắng, cháo chửi, phở quát" rất đặc biệt ảnh 2Dự thảo “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” sẽ là điểm nhấn để Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế

Chính sách phải đi vào cuộc sống

- Tính thực tế của Quy chế được thể hiện như thế nào để khi ban hành sẽ “sát sườn” với đời sống, thưa ông?

- Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 thực khách, 500 cửa hàng. Tháng 4-2017, chúng tôi đã làm xong và có kết quả khảo sát, báo cáo đánh giá về thực trạng sử dụng dịch vụ ăn uống trong thành phố, nhu cầu của người dân, những điểm phải chấn chỉnh, những nguyện vọng… Đó là cơ sở để chúng tôi đảm bảo nội dung đưa vào Quy chế không mang tính chủ quan của riêng ai mà dựa trên cơ sở khoa học. Những điều khoản của nó cũng được xây dựng dựa trên những quan sát và theo dõi thường xuyên của chúng tôi từ khi tiếp quản công việc này, những vụ việc, vấn đề mới.

- Theo ông, khi Quy chế được ban hành sẽ tác động tới người dân ra sao?

- Tôi chắc chắn Quy chế sẽ tác động tích cực đến người dân. Lâu nay chúng ta đi các cửa hàng ăn uống bị quát mắng thì không có cơ sở nào để phản ánh. Khi ban hành Quy chế, người dân toàn thành phố đều nắm được, đi ăn uống đều có thể giám sát các cửa hàng trên tiêu chí mà họ đã biết. Bản thân các cửa hàng khi ấy đều đã biết tất cả những cái liên quan đến giao tiếp ứng xử có trong Quy chế để điều chỉnh, nếu làm sai thì sẽ bị các cơ quan chức năng nhắc nhở, treo giấy phép hoặc có những hình thức xử lý.

- Ông có thể chia sẻ thêm một vài điểm của Quy chế sẽ khiến người dân thực sự phải quan tâm?

- Trong Quy chế sẽ nhắc về giao tiếp ứng xử của người kinh doanh. Hiện nay có tình trạng là nhiều hàng ăn, quán xá có loa di động, hát, nhạc, Quy chế quy định không sử dụng âm thanh ánh sáng mạnh hay những hình thức quảng bá gây sốc, người mẫu ăn mặc nhảy múa phản cảm để thu hút khách hàng, cái đó thì chưa có một văn bản nào có. Quy chế cũng sẽ đề cập đến chuyện không to tiếng, không được tính thừa số lượng món ăn, suất ăn, số tiền sai lệch… Chủ cửa hàng, nhân viên, hướng dẫn khách bỏ rác đúng nơi quy định, đi vệ sinh đúng nơi quy định.

- “Bún mắng, cháo chửi, phở quát” - nhiều người cho rằng đây là vô văn hóa; người lại tự hào vì… rất đặc biệt? Ông có thể nêu quan điểm của mình?

- Quan điểm, suy nghĩ, trình độ nhận thức của mỗi người khác nhau, xã hội là tổng hòa của sự đa dạng. Tôi đang nói về góc độ xã hội học, trong xã hội không bao giờ toàn những người nói tốt, toàn những người nói một chiều. Làm được điều tốt, tích cực đến mấy vẫn có sự không hài lòng của một nhóm đối tượng. Nhóm người lại tự hào vì “bún mắng - cháo chửi - phở quát”… rất đặc biệt, chúng ta phải ghi nhận đó là nhóm thiểu số. Không ai tự hào về việc thiếu đạo đức và không văn minh. Phải có sức ép dư luận xã hội, truyền thông tốt, kỷ cương thắt chặt, giám sát và phạt thật nặng những vi phạm thì đương nhiên nó sẽ dần hình thành nếp sống văn minh. 

- Xin cảm ơn ông!