Cấp phép mà chưa xin phép tác giả, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc không sai?

ANTD.VN - Mặc dù đêm “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” đã bị hủy bỏ vào phút chót nhưng ì xèo liên quan đến chương trình này vẫn chưa chấm dứt. Lần này, ồn ào được “xới” lên từ nhạc sĩ Tạ Quang Thắng – tác giả ca khúc “Sống như những đóa hoa”.

Theo đó, trước đêm tôn vinh này, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng bất ngờ đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân về việc anh được biết chương trình kể trên có biểu diễn một ca khúc do mình sáng tác và tiết mục này được cơ quan quản lý cấp phép (Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cấp cho đơn vị tổ chức biểu diễn 2 tiết mục trong chương trình gồm “Sống như những đóa hoa” của Tạ Quang Thắng và “Thương hiệu Việt Nam” của Phạm Đăng Lương – PV).

Chương trình này vốn gây xôn xao dư luận và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc trao tăng danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”. Bản thân tác giả Tạ Quang Thắng khi biết thông tin về việc này đã lập tức lên tiếng khẳng định việc anh không tham gia hát trong chương trình này.

Cùng với đó, tác giả ca khúc “Sống như những đóa hoa” cho biết, có người gửi email xin phép sử dụng bài hát mà anh sáng tác nhưng quản lý của anh cũng đã trả lời không đồng ý. Tạ Quang Thắng nói thêm, sở dĩ anh quyết định lên tiếng để tránh hiểu lầm vì anh thấy có bản chụp công văn cấp phép cho chương trình, trong đó có ghi tên anh.

Cấp phép mà chưa xin phép tác giả, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc không sai? ảnh 1

Tác giả - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng không đồng ý để ca khúc "Sống như những đóa hoa" hát trong đêm "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019"

Để hiểu rõ thêm về việc này, phóng viên Báo ANTĐ đã liên hệ với nhạc sĩ Tạ Quang Thắng nhưng anh từ chối xác nhận cũng như nói rõ hơn về câu chuyện. Phía VCPMC tuy chưa bày tỏ quan điểm về sự việc kể trên song trên website chính thức của mình cũng dẫn lại thông tin liên quan đến việc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cấp phép biểu diễn ca khúc khi chưa hỏi ý kiến tác giả.

Vấn đề đặt ra là việc liệu Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cấp phép biểu diễn bài hát của Tạ Quang Thắng khi chưa được sự đồng ý của anh liệu có sai không? Theo quy định nghệ thuật biểu diễn hiện hành, cụ thể là điều 6 Nghị định 142/2018/NĐ-CP thì “bãi bỏ thành phần hồ sơ gồm 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” (trước đó văn bản này bắt buộc phải có theo quy định tại khoản 5, điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP).

Như vậy, đơn vị tổ chức khi muốn xin cấp phép biểu diễn một chương trình thì trong hồ sơ xin cấp phép không yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (người được ủy quyền, thừa kế quyền tác giả từ tác giả). Điều này cũng có nghĩa Sở VHT&DL Vĩnh Phúc không sai khi cấp phép biểu diễn ca khúc “Sống như những đóa hoa” trong chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019”.

Phía nhạc sĩ – tác giả Tạ Quang Thắng tuy không đồng ý, không thích và từ chối khi nhận được email từ ai đó xin được hát ca khúc này trong chương trình nhưng không có ý kiến phản hồi kịp thời đến cơ quan quản lý văn hóa, cụ thể là nơi cấp phép biểu diễn chương trình (trong trường hợp này là Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc). Vì vậy, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cấp phép biểu diễn “Sống như những đóa hoa” trong đêm “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019” chiểu theo quy định pháp luật hiện hành là đúng theo trình tự và quy định. Bởi trên thực tế, trong hồ sơ xin cấp phép, đơn vị tổ chức chỉ cần cam kết thực thi đầy đủ nghĩa vụ đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến ca khúc.

Việc phải có văn bản được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả được cho là thủ tục khiến nhiều cá nhân, đơn vị tổ chức gặp khó khăn trong vấn đề xin cấp phép vì nhiều lý do: tác giả mất, sinh sống ở nước ngoài, khó liên hệ với người chủ sở hữu quyền tác giả...

Liên quan đến việc này, lật lại Nghị định 142/2018/NĐ-CP ban hành năm 2018 thì việc bãi bỏ quy định phải có văn bản thỏa thuận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi cấp phép về hoạt động biểu diễn, phê duyệt bản ghi…được xem là bước thay đổi nhằm giảm tải thủ tục hành chính theo ý kiến chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ. Nói cách khác, việc này sẽ gỡ bỏ việc hành chính hóa quan hệ dân sự, đồng thời giúp các cá nhân, đơn vị tổ chức bớt được thủ tục rườm rà trong khâu xin cấp phép.

Xung quanh vấn đề trên, theo tìm hiểu của  phóng viên thì việc sửa đổi theo hướng như trên cũng xuất phát từ thực tế quản lý văn hóa cấp địa phương, do thủ tục hành chính rườm rà, nhiều trường hợp hồ sơ xin cấp phép thiếu văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả vì gặp khó khăn khi người này đã mất, hoặc ở nước ngoài, hoặc vì lý do nào đó khó liên hệ… Do vậy, sự ra đời của Nghị định 142/2018/NĐ-CP với việc gỡ bỏ quy định này được cho là “nút mở” tháo gỡ cho cả cơ quan chức năng lẫn cá nhân, đơn vị tổ chức chương trình.

Tuy tháo bỏ quy định phải có văn bản được sự thỏa thuận đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả song tất cả các trường hợp xin cấp phép biểu diễn bất cứ ca khúc nào đều phải thực thi nghĩa vụ tác quyền theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, có phản ánh và chứng cứ cụ thể thì phía cơ quan quản lý sẽ vào cuộc giải quyết.

Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL luôn rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Vì vậy, thời gian này Cục NTDB cũng đang phối hợp với Cục Bản quyền tìm ra phương án hiệu quả để thực hiện tốt việc thực thi các quyền trên, đơn vị nào không thực hiện thì sẽ có cơ chế và biện pháp xử lý kịp thời. Về việc hồ sơ xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật, phê duyệt bản ghi…mà không cần văn bản thoả thuận được sự đồng ý của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, đến nay cơ quan quản lý văn hóa vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ các tác giả.

Tin cùng chuyên mục