Cải lương: Một thế kỷ thăng trầm (4)

Cải lương vẫy vùng nhưng càng vùng vẫy càng chìm

ANTD.VN - Nghệ thuật cải lương ra đời năm 1918 ở Nam bộ. Trong 100 năm tồn tại và phát triển, bộ môn nghệ thuật này có lúc thăng lúc trầm và có nhiều câu chuyện đáng nói. 

Cải lương vẫy vùng nhưng càng vùng vẫy càng chìm ảnh 1Nghệ sĩ Thanh Nga và Hữu Phước trong vở “Tóc rối người yêu cũ”

Cải lương thuần Việt và cải lương lai căng

Ngay từ khi ra đời cải lương đã chịu ảnh hưởng của hát bội. Rất nhiều vở lấy tuồng tích của hát bội có xuất xứ từ truyện Tầu như: “Phụng Nghi Đình”, “Hoàng Phi Hổ”, “Thôi Tử thí Tề Quân”, “Xử bá đạo Từ Hải Thọ”, “Xử án Bàng Quí Phi”, “Dự Nhượng thích khách”...; Các vở tuồng này đã quá quen thuộc với khán giả mê hát bội. Cùng với lấy của hát bội, các soạn giả, thầy tuồng cũng khai thác nhiều truyện Việt Nam như: “Lục Vân Tiên”, “Truyện Kiều” hay truyền thuyết “Thạch Sanh - Lý Thông”... Dã sử  như: “Trọng Thủy - Mỵ Châu”, “Nữ tướng Trưng vương”, “Lê Lai cứu chúa”... cũng được viết thành vở. Và tất cả những tích đó thì dân Việt Nam nào cũng biết và thay vì  hiểu cốt truyện, khán giả chỉ cần nghe giọng ca diễn viên.   

Trong lần gặp gỡ với soạn giả Thu An năm 1990 thế kỷ trước, ông kể rằng trước thực trạng sân khấu vẫn còn cải lương “chiến tranh”, La Mã, diễm huyền nên ông rất muốn cách tân, thay đổi hình ảnh nhân vật cho có tính dân tộc hơn. Khi cộng tác với đoàn Kim Thanh, ông viết vở “Giải thoát” - vở này thuần Việt, không lai căng. Ông đưa vào kịch bản hình ảnh cô thôn nữ chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, các anh hùng nông dân  mặt  quần bô, áo sồng, xen vào những màn ca là  những câu hò mộc mạc. Đồng nghiệp ai cũng thích, tuy nhiên khi duyệt thì lại bị gặp khó.

Chính vì để tránh sự vặn vẹo và cắt sửa rầy rà, các đoàn hát và soạn giả chọn những đề tài nước ngoài và dã sử cho an toàn, từ kịch Pháp có: “Kiếm hận xe duyên” (Minh Nguyên, phóng tác theo vở Le Cid của Corneille). Dựa theo truyện có: “Hồn trong chân lý” (truyện Ấn Độ, Hoàng Lang phóng tác), “Cát Duy Phương tử” (truyện Nhật Bản), “Phận tình lạc loài” (truyện Pháp do Hoài Ngọc phóng tác), “Khoét mắt Khương hoàng hậu” (truyện Trung Quốc, Giáo Út phóng tác), “Anh hùng lạn tương như” (truyện Trung Quốc, Trúc Hà - Tích Dẫn phóng tác), “Trăng nước Ngũ Hồ” (truyện Trung Quốc, Ngọc Văn phóng tác). Theo phim có “Yêu nữ thần” (tên gốc The Prodigal Nguyễn Ang Ca phóng tác), “Theo cơn gió lốc” (tên gốc César, Hà Triều phóng tác), “Chiến trường đẫm lệ” (tên gốc Phù Tang công chúa, Nguyễn Huỳnh phóng tác)… 

Ngoài ra còn rất nhiều lấy vở lấy cốt này lắp với cốt kia, chắp vào nhau như: “Giọt lệ vương phi”, “Bão dạt hoa trôi” (Viễn Châu), “Dũng sĩ da đỏ”, “Đoạn đầu đài” (Nguyễn Huỳnh), “Tình trong máu lửa” (Quang Phục)... 

Các soạn giả dựa vào truyện, phim vì viết  nhanh hơn đỡ tốn kém hơn. Mặt khác nó là những truyện, phim mà nhiều người đã biết và quan trọng là nó đã được lưu hành nên không lo kiểm duyệt. Trong một lần gặp gỡ trao đổi về kiểm duyệt, diễn viên Kim Cương cho hay” “Không dám nói cái mình muốn nói, không dám làm cái mình muốn làm vì làm sợ bị ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo”. 

Cải lương vẫy vùng nhưng càng vùng vẫy càng chìm ảnh 2Các thế hệ của đoàn cải lương Thanh Minh trong chương trình kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn

Cải lương và sự tồn vong 

Nguyên nhân chiến tranh. Sự có mặt của 50 vạn lính Mỹ ở miền Nam những thập niên 60 của thế kỷ trước đã làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh ngày càng lan rộng ra khắp miền Nam. Ở những nơi diễn ra đánh nhau ác liệt, dân chúng gồng gánh dắt díu chạy về các thành phố và thị xã, nhiều vùng đất trắng dân, đã dẫn đến mảnh đất kiếm sống của cải lương bị thu hẹp. Tại Sài Gòn, từ năm 1965 cho đến năm 1975, lạm phát luôn ở mức cao từ 30-40% khiến giá cả leo thang cuộc sống nghẹt thở cũng tác động lớn đến sân khấu cải lương. Năm 1968, chiến tranh gia tăng, cuộc tổng tiến công của quân giải phóng trong Tết Mậu Thân càng làm cho tình hình xáo trộn. 

Sức ép của truyền hình và trào lưu văn hóa mới. Tháng 2-1966, vô tuyến truyền hình phát sóng buổi đầu tiên. Những năm tiếp theo tầm phủ sóng ngày càng rộng. Theo số liệu còn lưu năm 1970 ở Sài Gòn, tuy giá chiếc tivi cao nhưng trong năm này tính trung bình cứ 50 người có 1 chiếc  tivi và tổng số tivi toàn miền Nam là  350.000 chiếc. Cùng với truyền hình, ca nhạc cũng diễn ra hàng đêm tại các phòng trà, tụ điểm văn hóa, phim ảnh tràn ngập, theo Tuần báo sân khấu truyền hình (chủ bút Lê Văn Lập) số ra ngày 23-8-1972, các rạp diễn cải lương đã thu hẹp, nhiều chủ rạp đã chuyển thành rạp chiếu phim. 

Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Trước nhiều sức ép, các đoàn hát lớn nhỏ đều gặp khó khăn mà các đoàn bé nhỏ yếu thế “sống dở chết dở” hôm qua còn hoạt động rầm rộ hôm nay đã thấy hạ bảng biểu. Lập gánh vào tình thế hiện tại là dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhưng người ta vẫn thích phiêu lưu với số vốn hàng trăm hàng triệu bạc để rồi sau đó đổ nợ giải tán  gánh và phá sản một cách đáng thương. 

Tại những đình, chùa ở nhiều địa phương, các đoàn nhỏ lưu diễn nằm phơi thây giữa cảnh hạn hán khán giả, đào kép diễn ca trong trạng thái mất tinh thần. Vào mùa mưa, cải lương còn đau lòng trước sự thờ ở của khán giả thích một mái nhà ấm cúng hơn 1 khoảng rạp chật hẹp, thiếu vệ sinh. Trên 90% đoàn hát khi đó lâm vào tình cảnh chán chường ấy. Thế nhưng các đoàn lưu diễn nghèo, nhỏ vẫn cố kéo dài sự sống với ít nhiều hy vọng gặp thời may, vận tốt ở một ngày nào đó. Các gánh cứ chuyền tay nhau giữa ông bầu này, bà bầu kia, người này ngã gục, kẻ khác đứng lên tên đoàn hát mới liên tiếp xuất hiện song song với số bảng hiệu được hạ xuống. 

Để cạnh tranh với truyền hình và trào lưu văn hóa mới, năm 1967,  nhiều vở diễn lạm dụng tính tự nhiên chủ nghĩa trong diễn xuất. Nhiều soạn giả nổi tiếng kêu than: “Đào kép thiếu trình độ, diễn xuất kém, mà không chịu tập luyện theo lời chỉ dẫn của đạo  diễn. Bài ca nào cũng nghe như vọng cổ. Đối thoại thì chỗ giận cũng như chỗ hùng kéo dài lê thê mùi mẫn như sắp vọng cổ. Diễn vở nào cũng không chịu thuộc lời, lúc bí là diễn cương”. Các đoàn chú trọng đến giọng ca hơn là diễn xuất miễn là đổ thật mùi là được vì thế diễn viên nổi tiếng là diễn viên ca hay. Ở nhiều đoàn hát, diễn viên chủ yếu mô phỏng động tác ngoài đời, cáu giận thì vung chân vung tay, buồn  thì ủ dột, thất tình thì đưa tay lên tim. Diễn  hài thì thái quá  kiểu hề, chọc cười bằng những thủ pháp không có tính nghệ  thuật.  Năm 1968, Thanh Tâm - giải uy tín ra đời từ năm 1958 đã dừng lại vì nhiều lý do. Cô đào Mộng Tuyền, diễn viên xuất sắc của những năm 1969, 1970 cũng dứt áo ra đi. Năm 1971 chỉ có 1 vở “rửa mặt”  cho sân khấu cải lương là “Chiếc lá giữa dòng” của đoàn Kim Hồng. 

Cũng trong năm 1971, những đại gia lớn như Dạ Lý Hương, Thanh Minh - Thanh Nga cũng đã phải dời Sài Gòn về diễn ở những vùng quê. Kim Chung phải quay lại diễn cải lương kiếm hiệp, các gánh Thái Dương, Dạ Quang Châu, Kim Chưởng, Hương mùa thu chỉ dựng được dăm ba vở. Tuy vẫn diễn nhưng Tuần báo nghệ thuật mới (số 3 năm 1972) viết “Cải lương vẫn sống nhưng thực ra nó đã chết lâm sàng từ năm 1971”. Cải lương giai đoạn 1968-1975 không ai ngó ngàng tới. Mặc dù nó cố vẫy vùng để thoát vũng nước nhưng càng vùng vẫy càng chìm nhanh hơn.  

Tin cùng chuyên mục