Các vụ phá hủy tác phẩm nghệ thuật gây chấn động dư luận tại Việt Nam

ANTD.VN - Tại Việt Nam, những vụ phá hủy tác phẩm nghệ thuật trị giá cả tỷ đồng, gây chấn động dư luận đã diễn ra theo những cách rất khó lý giải. Mỗi tác phẩm bị phá hủy theo những cách khác nhau. Mỗi tác phẩm bị phá hủy đều để lại những nỗi đau khác biệt. Nhưng có một sắc thái chung là sự phẫn nộ khó kìm nén của cộng đồng. 

Kiệt tác hội họa "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí

Nhắc đến bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" là nhắc đến nỗi đau của giới hội họa Việt Nam khi một kiệt tác bị phá hủy tan tành, chỉ vì mắc lỗi sơ đẳng trong bảo quản và tu sửa tác phẩm. Bức tranh do danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện trong 20 năm khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989. “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là tác phẩm tinh túy nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bởi trong tác phẩm mọi thành tựu trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy về sơn mài đều được ông gửi gắm vào đây.

Bức tranh đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mua vào năm 1991, với số tiền 600.000.000 đồng khi đó. Đến ngày nay, giá trị cứng của bức tranh rơi vào quãng gần 40 tỷ đồng. Chưa nói, bức tranh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, với giá trị văn hóa và tinh thần dường như độc nhất vô nhị của nó.

Linh hồn của bức tranh đã không còn nữa, sau lần vệ sinh bề mặt bằng chất tẩy công nghiệp

Thế nhưng, linh hồn của tác phẩm đã thật sự biến mất sau quá trình làm sạch bề mặt do Bảo tàng TP.HCM thực hiện. Công việc này đã được giao cho một thợ sửa chữa sơn mài. Và người thợ này đã dùng sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức lên bề mặt tranh. Sau khi Bộ VH-TT&DL đưa ra kết luận về mức độ hư tổn của tác phẩm, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã sửa sai bằng cách, tổ chức hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia để trả lại tinh thần của tác phẩm. Nhưng mọi sự đã an bài, những chất tẩy công nghiệp cực mạnh đã đánh bay những lớp vàng, lớp bạc lấp lánh và cuốn đi cả những bí quyết nhà nghề của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Giờ đây, bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" vẫn còn đó nhưng đó là một tác phẩm đã chết, linh hồn đã thoát xác sau cuộc tẩy rửa mà không ai lý giải nổi, tại sao một bảo tàng hàng đầu lại có thể ứng xử như vậy đối với một báu vật của mỹ thuật Việt. 

Công trình nghệ thuật công cộng mà ngỡ nhà vệ sinh

Công trình nghệ thuật công cộng "Tháp" do họa sĩ Mai Thu Vân và các cộng sự thực hiện bên bờ Hồ Gươm lại có một cách phá hủy tác phẩm rất nực cười và không ai ngờ tới. Đó là câu chuyện đau lòng khi một tác phẩm nghệ thuật đã bất đắc dĩ trở thành nhà vệ sinh cho du khách phóng uế. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi công trình nghệ thuật này không chỉ có "sắc" mà còn có cả "hương".

Những ai đi qua khu vực này đều phải bịt tay che mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những người dũng cảm lắm cũng chỉ đi được một đoạn trong lòng tháp lại phải vội quay ra hít thở khí trời. Đáng buồn và xấu hổ khi ai đó đã phải nguệch ngoạc ghi dòng cảnh báo: “Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh”.

Các vụ phá hủy tác phẩm nghệ thuật gây chấn động dư luận tại Việt Nam ảnh 2

Công trình nghệ thuật buộc phải tháo dỡ vì bốc mùi xú uế

Trong khi đó, "Tháp" từng là công trình thu hút rất đông người tới tham quan. Những ngày đầu tiên mới đưa vào sử dụng, du khách đã phải xếp hàng để chờ tới lượt. Hơn thế, đây là công trình mang nhiều tâm huyết của đội ngũ tác giả với mong muốn nhắc lại lịch sử của hồ Gươm, nơi có nhiều ngọn tháp xuất hiện như: tháp Hòa Phong, tháp Rùa... bằng ngôn ngữ hiện đại. 

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân chia sẻ, chị thấy đau lòng khi đứa con cưng của mình bị người dân vô tư phóng uế. Dù đây không phải là lần đầu tiên, chị rơi vào hoàn cảnh này. Trước đấy, cũng một công trình khác ở khu vực Bờ Hồ đã bị những người thiếu ý thức trèo lên mà méo mó và hư hỏng nặng. 

Cực chẳng đã, sau đó, công trình "Tháp" của nhóm tác giả Mai Thu Vân đã phải dỡ bỏ chỉ vì sự thiếu ý thức của một số ít người. 

Vô tư ký tên lên tranh 

Trong một sự kiện gây quỹ từ thiện cho các nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương, Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên cùng nhiều ca sĩ khác đã ký tên lên tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Hành động này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội của nhiều người trong giới mỹ thuật. Nhiều họa sĩ cho biết, bức tranh này là tác phẩm của họa sĩ Hứa Thanh Bình, một tên tuổi nổi tiếng của giới hội họa TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, được công chúng yêu tranh trong nước và ngoài nước biết đến. Với giới hội họa, các tác phẩm của ông có giá trị lớn và đáng trân trọng.

Việc nhiều người cùng ký tên lên tranh, không khác nào hành động giết chết tác phẩm. Và phông nền văn hóa của những người mạnh dạn đứng ra ký tên lên tranh ấy đang ở đâu? Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM viết trên trang cá nhân: "Các nghệ sĩ showbiz ký tên lưu niệm lên mặt trước một tác phẩm hội họa. Họ đang bán đấu giá bức tranh hay bán đấu giá chữ ký? Thật đau lòng với cách ứng xử văn hóa của các nghệ sĩ làm văn hóa".

Các nghệ sĩ ký tên lên tranh mà không biết mình sai

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) bức xúc chia sẻ: "Chia vui anh Hứa Thanh Bình bán được tranh. Nhưng cũng chia buồn với anh vì tranh của anh chẳng may rơi vào tay những con vẹt thiếu văn hóa".

Dù sau đó, cả Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Lệ Quyên đã lên tiếng xin lỗi vì hành động thiếu văn hóa của mình với thái độ cầu thị, nhưng đây vẫn xem như một trong những vụ phá hủy tác phẩm nghệ thuật gây phẫn nộ nhất tại Việt Nam. 

Theo họa sĩ Hoàng Võ (TP.HCM), sau mỗi sự việc, đều có những lời nhận lỗi và xin lỗi rất thật lòng nhưng không thể nói suông với nhau như thế được. Đằng sau những "tội lỗi hồn nhiên" là sự mất mát những giá trị lớn lao của các kiệt tác nghệ thuật, của các tác phẩm xứng đáng được trân trọng. Và lỗi phần lớn là do kiến thức nền kém (họ làm việc sai nhưng vẫn không biết là sai. Rất khó để chấm dứt được tình trạng đó khi mà Việt Nam đào tạo nhiều thứ cho học sinh, sinh viên nhưng chưa đào tạo người xem, người thưởng lãm.