Bỏ phố lên rừng vì trót "say" hồng treo gió Đà Lạt

ANTD.VN - Vì yêu và một phần cũng vì cơ duyên, chị đã dũng cảm từ bỏ công việc an nhàn ở một cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gắn mình với nghiệp “làm hồng treo gió Đà Lạt để xuất khẩu đi Nhật Bản và nhiều nước”.

Chị Nguyễn Châu Ly quyết tâm lên Đà Lạt để sản xuất những trái hồng treo gió Green Inside hiện nay

Gặp chị trong một buổi chiều đầu đông miền Bắc, khi bầu trời xám xịt với những cơn gió lạnh đầu mùa luồn qua khe cửa sổ nhỏ, nhưng ánh mắt lấp lánh của chị khi tâm sự về quyết định táo bạo, “bỏ phố lên rừng” của mình, lại khiến không gian nhỏ tươi sáng, bừng lên một bầu nhiệt huyết.

Bỏ việc đến với giấc mơ hồng treo gió

Nguyễn Châu Ly (SN 1977), một người phụ nữ có vóc người khá nhỏ nhắn, sinh trưởng trong một gia đình giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ nhỏ, chị đã được gia đình dạy dỗ theo đúng truyền thống và lễ giáo của người Hà Nội, nên đến nay, cốt cách ấy đã ăn sâu, ngấm vào con người, để rồi, khi tâm sự về quyết định “bán nhà phố Hà Nội” để theo đuổi giấc mơ “làm nông sản Việt” mà giọng chị vẫn nhỏ nhẹ như kể về một câu chuyện bình thường trong cuộc đời mình. 

Tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Châu Ly được gia đình hướng tới và thi đỗ trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Học xong, chị lại khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp và học thêm trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Tháng 11-2005, chị trở về Hà Nội và trúng tuyển vào Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và làm việc tại đó. Đáng nói, quá trình làm việc tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chị có nhiều cơ hội đi học tập tại các quốc gia như Mỹ, Thụy Sỹ, Hàn Quốc… công việc rất thuận lợi, những tưởng cứ vậy trôi đi. 

Tuy nhiên, vì một cơ duyên, trong khoảng thời gian năm 2016-2017, chị hay đưa hai con nhỏ lên Đà Lạt nghỉ ngơi. Cũng tại đây, chị gặp gỡ với thầy Thích Huệ Đăng (người đã tìm ra sâm Ngọc Linh ở Việt Nam và là người đầu tiên được thế giới công nhận là Giáo sư Khoa học Phật giáo của Việt Nam) được nói chuyện với thầy và được biết đến những sản vật lâu đời của Đà Lạt, trong đó có trái hồng vừa giòn, vừa ngọt trong rừng hồng cổ ở Cầu Đất, Đà Lạt.

“Trước đó, tôi đã được biết đến món hồng treo gió của Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng được biết vào cuối năm 2011 đã có một nhóm kỹ sư nông nghiệp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và những người nông dân làm hồng sấy Hoshigaki từ Nhật Bản đã đến Đà Lạt và mở lớp truyền nghề cho bà con nên tôi đã nảy ra ý tưởng, chấm dứt công  việc hiện tại và lên Đà Lạt tìm nơi trồng, làm hồng treo gió với tham vọng xuất khẩu đi nhiều thị trường” - chị Châu Ly tâm sự. 

Tuy vậy, tại thời điểm đó, giá quả hồng tươi rất thấp, chỉ từ 2.000-5.000 đồng/kg, người dân ở Cầu Đất và các huyện lân cận của TP Đà Lạt đốn bỏ cây hồng rất nhiều. Cũng bởi vậy, trong buổi các chuyên gia Nhật hướng dẫn, nhiều bà con đã bỏ về vì họ không tin cây hồng sẽ làm nên món đặc sản được ưa chuộng như hiện nay. “Tôi khá tò mò, tìm mua ăn thử những trái hồng mà bà con Đà Lạt thời điểm ấy sấy khô bằng cách cắt thành từng lát thì thấy đúng là không có gì hấp dẫn.

Tôi đã mày mò tìm hiểu cách mà người Nhật và Hàn đã làm ra hồng treo gió và mang hồng Đà Lạt về treo thử trên sân thượng nhà mình (có làm lưới trên sân và sử dụng thêm máy hút ẩm và máy lọc không khí). Tôi đã mày mò, thử nghiệm sản phẩm trong 10 ngày, rồi 20 ngày, 30 ngày và thấy rằng ở số thời gian bao nhiêu lâu thì trái hồng đạt chuẩn theo công thức riêng mà sau này Green Inside (thị trấn Xanh) áp dụng.

Tất cả là cơ duyên để lựa chọn đúng đắn

Khi mình yêu một điều gì và say mê vì nó thì đúng là cơ duyên sẽ tới. Cùng thời điểm đó, tôi có cơ duyên gặp một nhóm chuyên gia Nhật trong một lần tham dự hội nghị ở mảng công việc khác, tôi chia sẻ về trái hồng treo gió và tham khảo cách mà người Nhật làm, với vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng may mắn thay mình lại hiểu những gì họ chia sẻ (về bí kíp trong quá trình sản xuất) do trước đó đã đọc và dịch rất nhiều tài liệu, từ đó tôi quyết tâm lên Đà Lạt để sản xuất những trái hồng treo gió Green Inside hiện nay” - chị Châu Ly nhớ lại.

Đến nay, chị Châu Ly đã gắn bó với mùa Hồng treo gió Đà Lạt thứ ba nhưng những bước đi đầu tiên vẫn khó khăn đến nhường nào. Ban đầu, chị cũng loay hoay, tự lượng sức và thấy rằng quá khó khi mình không thể nào thuyết phục được bà con làm trong khi mình cũng chỉ là thử nghiệm, chưa có nghiên cứu thực sự để ra sản phẩm, rồi sản phẩm làm ra đăng ký chất lượng như thế nào, quy trình ra sao và sản phẩm làm ra sẽ phân phối thị trường như thế nào? Không có cam kết đầu ra, ai nghe mình?

Theo chị Châu Ly, khó khăn thứ nhất là trái hồng chỉ có theo mùa (vụ mùa ra trái là từ tháng 8 âm lịch, đến cuối tháng 9 trái hồng mới chín đạt chuẩn để mang đi treo, từ lúc có sản phẩm đến Tết Nguyên đán chỉ có hơn 1 tháng để phân phối). 

Khó khăn nữa cạnh tranh về giá, thị trường ngắn hạn lại rơi đúng vào dịp Tết, lượng người tiêu dùng đông nhưng thị trường hồng treo gió Đà Lạt lại lẫn lộn thật giả và chất lượng. Nên sản phẩm hồng treo gió Đà Lạt chuẩn vẫn miệt mài cạnh tranh với các sản phẩm hồng sấy khác. “Nhiều lúc tôi cũng nghĩ hay là bỏ cuộc giữa chừng, bỏ lại Đà Lạt để trở về Hà Nội nhưng rồi những ý nghĩ ấy cũng chỉ xuất hiện trong những phút giây mệt mỏi rồi tự biến mất. Tôi quyết định bán ngôi nhà ở Hà Nội để tiếp tục đầu tư, theo đuổi.

Đồng thời, tôi đã mở rộng sản xuất, từ một sản phẩm hồng treo gió thời vụ, tôi quyết định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực rau sạch. Vì muốn làm sạch theo đúng nghĩa nên Green Inside đầu tư làm sạch từ đất theo công nghệ và phân bón hữu cơ kết hợp với chuyên gia nông nghiệp trên 30 năm làm việc tại Đức. Lúc đó, bạn bè người thân ai cũng mắng tôi “điên mới bán nhà Hà Nội lên núi làm nông nghiệp”- chị Châu Ly cho hay.

Nhưng lại một lần nữa, chị không lường hết được sự khó khăn của thị trường, khi mà nhà nhà bán, người người bán rau sạch, online cũng đầy rau sạch trong khi đâu phải cứ  sản phẩm từ Đà Lạt là tự động sạch. 

Dù đến nay đã gắn bó với trái hồng treo gió Đà Lạt và nông sản Đà Lạt được 3 mùa nhưng khi nhớ lại về quyết định táo bạo của mình vào năm 2016, chị vẫn như chưa tin đó là sự thực.