Bộ phim điện ảnh "Vòng eo 56": Có gì mà "ném đá"?

ANTĐ - Phim chỉ hay khi có nhân vật hay. Thế nên ai đến rạp xem “Vòng eo 56” - bộ phim làm về cuộc đời của “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh  - mà thất vọng cũng là chuyện bình thường!

Bộ phim điện ảnh "Vòng eo 56": Có gì mà "ném đá"? ảnh 1   Với “Vòng eo 56”, Ngọc Trinh đã ít nhiều cho thấy mình có thể đóng phim

“Hot” dù không có chiêu trò

Ngọc Trình thừa nhận “Vòng eo 56” chỉ có 70% sự thật về cuộc đời mình, còn lại là thêm thắt hư cấu để thành một tác phẩm điện ảnh. Dù thế  cũng đủ khiến người ta tò mò muốn mua vé đến rạp để xem. Và nữa là xem Ngọc Trinh lần đầu đóng phim, liệu có gì “hot” như khi cô diện nội y chụp ảnh quảng cáo hay trình diễn trên sàn catwalk hay không.

Trong khi chiến dịch PR mà các bộ phim thường sử dụng trước khi ra rạp là tạo “scandal” hòng gây chú ý dư luận, thì “Vòng eo 56” của Ngọc Trinh lại tuyệt đối không dùng chiêu trò. Thậm chí Ngọc Trinh còn chọn cách chẳng để “scandal” nào xảy ra từ khi phim bấm máy đến khi ra rạp, dù chỉ là một phát ngôn gây “sốc” và điều này càng khiến khán giả tò mò hơn.

Ngọc Trinh nói thẳng, ai xem “Vòng eo 56” mà khen chê gì cô cũng nhận tất. Mới chỉ ra mắt 1 ngày mà “Vòng eo 56” đã nhận về không ít “gạch đá”, nào là nhạt nhẽo, rồi phi lý, siêu thực, sống sượng… Lý giải cho phản ứng này chỉ có thể là vì họ quá kỳ vọng vào Ngọc Trinh, cụ thể là cũng phải lắm tai tiếng thị phi như người ta vẫn nghe, vẫn thấy, thế nó mới thật. Nhưng hoàn toàn trái lại, Ngọc Trinh trong “Vòng eo 56” lại quá ngoan, quá hiền lành thánh thiện, đúng như lời thoại của một nhân vật trong phim khi nói về Ngọc Trinh rằng, cô “ngoan và thật thà nhất showbiz”. Vậy nên nhiều người cứ khăng khăng điều đó là khó tin, khó chấp nhận nên đương nhiên không thích. 

Cái tài của đạo diễn

Đứng ở góc độ một bộ phim giải trí bình thường thì “Vòng eo 56” không đến nỗi quá tệ như nhiều người “ném đá”. Phần đầu phim nói về gia cảnh khốn khó của Ngọc Trinh khi còn ở quê, phụ bưng bê quán bún, bán vé số để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ đã gây xúc động mạnh cho người xem. Cứ tưởng xem phim về Ngọc Trinh có gì mà phải rơi nước mắt, thế mà có! Đó là hình ảnh ông bố Ngọc Trinh ngồi co ro trú mưa ở khu nhà ổ chuột, chờ tạnh để tiếp tục đi bán vé số kiếm tiền, Ngọc Trinh bưng mẹt bún cho khách đi qua, thấy vậy bê bát bún lại một mực thuyết phục bố ăn, còn mình đội mưa cầm xấp vé số đi bán nốt.

Đó là cảnh bố cô dù bị đánh đập, siết nợ khoản tiền mà ông vay để trang trải cuộc sống cho gia đình nhưng vẫn dứt khoát không cho hai cô con gái sang Đài Loan lấy chồng. Cảnh mưa lặp lại nhiều trong trường đoạn này như chủ ý của đạo diễn, bởi không chỉ mưu sinh vất vả dưới trời mưa mà cả gia đình Ngọc Trinh cũng khốn khổ với mưa mỗi khi đang ngủ mà mưa ào ào dội xuống qua căn nhà dột nát.

Cái tài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn ở chỗ đặt những phát ngôn gây “sốc” từng khiến Ngọc Trinh bị “ném đá” tơi tả vào hoàn cảnh khác trong phim, khiến nó trở thành một câu nói vô thưởng vô phạt. Như phát ngôn gây “bão” của cô rằng “không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”, trong phim được Ngọc Trinh nói lái sang một nghĩa khác: “Không đi làm kiếm tiền thì cạp đất mà ăn à”.

Nhiều tình tiết hài hước để nói lên cái sự thật như đếm của Ngọc Trinh cũng được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đan cài khéo léo trên phim khá hiệu quả, dù chỉ là hiệu quả gây cười, như việc Ngọc Trinh trả lời ứng xử ở cuộc thi “Hoa hậu Đất đỏ”, khi được hỏi: “Có nghĩ mình là người đẹp nhất cuộc thi không?”, cô đã hồn nhiên trả lời rất thật rằng: “Có, nếu không nghĩ thì đã không đi thi làm gì, đi thi tốn tiền tốn sức lắm, nên phải nhắm có giải thì mới đi, không có mà đổ nợ”. Ý đồ của Vũ Ngọc Đãng quá rõ: anh muốn “phù phép” Ngọc Trinh từ một cô người mẫu nội y nổi tiếng nhờ “scandal” thành con gái nhà lành biết gánh vác chuyện gia đình và không dễ bán mình cho đại gia. Về điều này thì khỏi phải bàn, anh đã thành công.

Không kỳ vọng sẽ không thất vọng

Nếu xét về yếu tố kịch bản thì Ngọc Trinh không phải là một nhân vật đủ hay để cho ra kịch bản có tầm. Chắc chắn nếu không phải là Ngọc Trinh tự bỏ tiền ra làm thì cũng chẳng có nhà sản xuất nào bỏ ra 1 tỷ chứ chưa nói đến cả chục tỷ đồng để làm phim về cuộc đời cô. Vốn dĩ, nhân vật Ngọc Trinh trên phim và ngoài đời “vênh” nhau khá rõ, mà phàm cái gì thiếu chân thật thì là siêu thực, mà đã siêu thực về một con người có thật thì ít khi thuyết phục.

Ý đồ bỏ tiền ra làm phim của Ngọc Trinh cũng quá rõ, từ đầu đến cuối cô muốn dùng phim ảnh để tuyên bố với mọi người rằng mình đi lên từ người mẫu hạng C nhưng chưa bao giờ “làm gái”, rằng cô yêu bạn trai đại gia rồi mới biết anh đã có gia đình và đó là mối tình cảm hoàn toàn không vụ lợi, rằng cô làm người mẫu nội y không phải vì tiền mà vì yêu nghề, rằng không phải ai trong giới người mẫu cũng đều bán mình để kiếm tiền nuôi thân.

Vốn dĩ thế nên đừng đòi hỏi phim của Ngọc Trinh phải có tính nghệ thuật, phải nhân văn, chân thực hay có tính sáng tạo. Nghĩ đơn thuần, xem Ngọc Trinh đã tiêu hết chục tỷ đồng để làm phim thế nào và xem xong có thể nhìn thấy cái tài khác của cô người mẫu này, tài diễn xuất chẳng hạn.