Bích họa đường phố: Muốn đẹp, không thể tùy hứng

ANTD.VN - Hà Nội đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn những phố bích họa, và gần đây nhất là phố Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, điều làm dư luận quan tâm là việc vẽ lên tường các tòa nhà, các trường học, các trụ sở làm việc có làm đẹp hơn cho thành phố và đó có phải là cách làm đáng hoan nghênh để nâng cao chất lượng sống lần mỹ quan đô thị cho người dân Hà Nội? 

Bích họa đường phố: Muốn đẹp, không thể tùy hứng ảnh 1Phố bích họa Phan Đình Phùng

Lời khen - tiếng chê 

Phố bích họa Phan Đình Phùng chưa kịp hoàn thành đã nhận được những lời bàn ra tán vào. Người ủng hộ vì các tác phẩm “Hà Nội xưa và nay” của nhóm họa sĩ vốn là cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng đã thay đổi bộ mặt của con phố vốn rất quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội. Những mảng sơn tươi mới ít nhiều đã thu hút được con mắt tò mò của những người vẫn thường xuyên đi qua con phố và ngay với chính những người dân phố Phan Đình Phùng.

Thế nhưng, đã xuất hiện không ít ý kiến trái chiều cho rằng, dự án này của nhóm các họa sĩ đã làm phá đi cảnh quan vốn có của một trong những con phố đẹp nhất Hà Nội. Dụng ý tốt của các cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng dường như đang mang lại tác dụng ngược, một hiệu quả thẩm mỹ không cần thiết. 

“Ở Mỹ, một dự án bích họa thường do thành phố “đặt hàng” các nghệ sĩ. Và dự án “Bích họa Phùng Hưng”, TP Hà Nội cũng đã làm theo cách này và hiệu quả mang lại rõ ràng rất đáng trân trọng. Nghệ sĩ mong muốn, cách làm việc bài bản này sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai để Thủ đô có thêm những con phố đẹp và văn minh”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn

Đặc biệt, các ý kiến trái chiều còn nhấn mạnh tới việc không phải cứ bích họa sẽ làm đẹp cho con phố. Việc vẽ cần được tính toán để làm thay đổi, che lấp đi bộ mặt nhếch nhác cho con phố, như phố Phùng Hưng trước đây giờ đã thực sự đẹp và ý nghĩa hơn với sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật có nội dung và tư tưởng rõ ràng. Còn với những con phố đã rất đẹp như Phan Đình Phùng thì việc thêm vào các bức tường được tô vẽ là thừa thãi, nếu không muốn nói là đang phá vỡ đi cảnh quan chung. 

Trước những lời khen tiếng chê này, họa sĩ Trần Nhật Thăng, thành viên dự án bích họa “Hà Nội xưa và nay” đã lên tiếng. Anh cho biết, mục tiêu đề ra của dự án là làm đẹp cho trường Phan Đình Phùng và Hà Nội. Vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên anh đã tập trung tâm sức làm tốt nhất các bức vẽ trên bức tường của trường Phan Đình Phùng. Dự án nhận được sự chấp thuận từ phía Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và sự đồng tình của cả chính quyền địa phương. Họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ, anh không vấp phải bất cứ rào cản nào khi bắt tay vào thực hiện dự án. “Chỉ có một số ít chê, còn có cả trăm người khen” - họa sĩ Trần Nhật Thăng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, họa sĩ Trần Nhật Thăng cũng cho rằng, có thể dự án của anh đã vượt ra khỏi phạm vi của trường Phan Đình Phùng, mang tầm thành phố nên các bức vẽ trên tường của anh và các đồng nghiệp đã trở thành đề tài bàn luận. Họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ, nếu mọi người có dịp đến với bức tường bích họa này vào các buổi đêm và sáng sớm để chứng kiến cảnh những người Hà Nội tới đây hỏi họa sĩ, xem tranh mới thấy hết sự xúc động và ý nghĩa mà dự án đã tạo ra với người dân Thủ đô. Và vì đã được cấp phép nên anh và các họa sĩ khác trong dự án sẽ tiếp tục bắt tay vào hoàn thành các bức tranh trên tường này. 

Đúng như lời họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ, từ khi biết phố Phan Đình Phùng có thêm một đoạn tường bích họa vẽ những khung cảnh của Hà Nội xưa và nay, mỗi ngày, nơi đây đã đón hàng trăm lượt người tới tham quan và chụp ảnh. Cho dù dự án chưa hoàn thành, các bức vẽ chưa thực sự đạt tới độ nhuần nhuyễn nhưng điều đó cho thấy hiệu quả tích cực của dự án mang lại cho người dân Hà Nội và du khách tới với Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi. Hay đúng hơn, nhờ có dự án này, Hà Nội có thêm một địa điểm để giới trẻ lui tới, thêm một địa chỉ cho người già tới thưởng thức. 

Không thể tùy đâu vẽ đấy!

Thời gian qua, Hà Nội đã có thêm nhiều những con ngõ, góc phố được tô điểm bằng bích họa. Bên cạnh mặt tích cực mà nghệ thuật đường phố mang lại cho cuộc sống của người dân, cũng phải thừa nhận những hạn chế trong quá trình phát triển của bích họa tại Việt Nam. Điều đó có thể chỉ ra ở sự tùy tiện trong chọn lựa nội dung và cách thể hiện các bức vẽ.

Nhiều người khi đi qua trường THPT Phú Thượng, phường Phú Thượng, Tây Hồ đã không khỏi ngạc nhiên và bức xúc với trình độ tay nghề của người thực hiện các bức vẽ bích họa. Nhìn vào các tác phẩm này, một người không được học về họa cũng hiểu, tay nghề còn non yếu của người vẽ. Tranh vẽ lãnh tụ nhưng không giống lãnh tụ. Màu sắc hòa phối không được đẹp mắt…

Trước đó, tại không ít các con ngõ nhỏ của Hà Nội đã xuất hiện các bức tranh tô vẽ theo lối trang trí cho không gian sống của cư dân. Nhưng theo nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, vẽ bích họa không thể tùy tiện như vậy được, không thể đưa các bạn sinh viên chỉ biết vẽ trên tường của các quán cà phê, các quán karaoke để ra đường vẽ tranh. Người thực hiện các dự án bích họa bắt buộc phải là người có nghề. Và tranh bích họa cũng phải có mục đích rõ ràng là để kết nối cộng đồng và tạo ra các không gian sống ý nghĩa và lành mạnh hơn cho người dân. Bằng không, đó chỉ có thể coi là vẽ bậy.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn đã lấy ví dụ là phố bích họa Phùng Hưng để minh chứng cho vai trò của loại hình nghệ thuật công cộng. Dự án nghệ thuật này đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhếch nhác của con phố trước kia để tạo ra một không gian gắn kết cộng đồng và kết nối với các không gian khác. Chưa kể, các tác phẩm ở đây đều mang tính độc lập và là một tác phẩm hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Ở đó có cả nghệ thuật đương đại, hội họa truyền thống trong cùng một tác phẩm. “Nghệ thuật nếu không có chắt lọc, tinh tế sẽ trở nên dễ dãi” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn chia sẻ. 

Như vậy, mục đích của các dự án bích họa là làm đẹp cho thành phố. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nếu cẩu thả, tùy tiện sẽ dễ dẫn đến sự thất bại ngay từ hình thức biểu hiện của tác phẩm. Hay nói cách khác, làm nghệ thuật là phải chuyên nghiệp. Độ chuyên nghiệp ấy được tạo ra từ ý tưởng, cách phối hợp với cảnh quan xung quanh và độ điêu luyện với nghề trong từng nét vẽ. 

Bích họa đường phố: Muốn đẹp, không thể tùy hứng ảnh 3Dự án bích họa Phùng Hưng đã tạo ra hiệu quả thẩm mỹ tích cực

“Mục tiêu đề ra của dự án là làm đẹp cho trường Phan Đình Phùng và Hà Nội. Vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên tôi đã tập trung tâm sức làm tốt nhất các bức vẽ trên bức tường của trường Phan Đình Phùng. Dự án nhận được sự chấp thuận từ phía Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và sự đồng tình của cả chính quyền địa phương. Tôi không vấp phải bất cứ rào cản nào khi bắt tay vào thực hiện dự án. Chỉ có một số ít chê, còn có cả trăm người khen”. 

Họa sĩ Trần Nhật Thăng 

Tin cùng chuyên mục