Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018:"Bão táp một vương triều" đoạt HCV

ANTD.VN - Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã khép lại, sau 2 tuần diễn ra sôi nổi. 6 vở diễn đã đoạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi gồm: Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Kiếp tằm (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Tổ quốc nơi cuối con đường (Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh), Hiu hiu gió bấc (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Cuộc đời của mẹ (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Bão táp một vương triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai).

Lễ bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 vừa diễn ra vào tối ngày 19-9 tại sân khấu Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An.

Đánh giá về chất lượng của liên hoan, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: Do không khống chế nên đề tài và nội dung của 32 vở diễn khá đa dạng, bao gồm đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài về những vấn đề xã hội và gia đình, xây dựng Đảng, đề tài nông nghiệp nông thôn, đề tài về thân phận buồn thương; đề tài tôn giáo…

Dường như nhiều mặt của cuộc sống từ xa xưa đến hôm nay được hiện diện trên sân khấu của 32 vở diễn với những góc nhìn và phương thức tiếp cận khác nhau, nhưng không dừng lại chỉ ở “duy cảm” tự thân cải lương, mà đã có sự cân nhắc của lý trí và hướng đến cái đẹp cho nghệ sĩ và khán giả. 

Ban Tổ chức trao giải Huy chương Vàng cho các vở diễn.

Ở liên hoan lần này, một số vở diễn đã dùng màn hình led để mở rộng không gian, tăng thêm yếu tố minh họa; trang trí mỹ thuật đa dạng về phong cách.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công, NSƯT Lê Chức cũng thẳng thắn chỉ ra ở liên hoan lần này chưa có nhiều kịch bản mới sáng tác, hoặc viết trực tiếp cho loại hình, vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ khá lâu, được chuyển thể. Số lượng các vở diễn phục dựng lại chiếm số lượng không nhỏ. Thiếu vắng trên sân khấu những kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay. 

Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ.

Đặc biệt, NSƯT Lê Chức nhấn mạnh, sân khấu cải lương cần nhiều hơn, cấp thiết hơn sự xuất hiện và khẳng định mình của lực lượng đạo diễn chuyên ngành có kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, có tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp để có sự bứt phá trong tư duy đổi mới cách tân, kịp với sự phát triển tâm lý con người trong đời sống và sinh hoạt hôm nay.  

Ban Tổ chức đã trao 49 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc cho cá nhân các nghệ sĩ; trao Huy chương Vàng cho 6 vở diễn, trao Huy chương Bạc cho 7 vở diễn.

Bên cạnh đó, Liên hoan cũng vinh danh các cá nhân đoạt giải xuất sắc dành cho các thành phần sáng tạo. Tác giả xuất sắc đã thuộc về Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên với vở diễn Cuộc đời của mẹ (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An). Đạo diễn xuất sắc đã thuộc về NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở diễn Chiếc áo thiên nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Nhạc sĩ xuất sắc đã thuộc về nhạc sĩ Minh Tâm với vở diễn "Hiu hiu gió bấc"  (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Họa sĩ xuất sắc đã thuộc về họa sĩ Trần Hồng Vân với vở diễn Tình yêu thời chiến  (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). 

Hình ảnh chương trình nghệ thuật “Tài danh hội tụ” gồm các tiết mục ca cổ, tân cổ giao duyên đặc sắc

Liên hoan có sự tham gia của 25 đoàn, nhà hát với 32 vở diễn (8 vở của các đơn vị ngoài công lập). 

Điểm nhấn của Lễ bế mạc liên hoan là chương trình nghệ thuật “Tài danh hội tụ” gồm các tiết mục ca cổ, tân cổ giao duyên đặc sắc do nhiều nghệ sĩ các thế hệ của cả hai miền Nam – Bắc thể hiện: NSND Thanh Hương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Hồng Thắm… nhằm vinh danh các thế hệ nghệ sĩ cải lương và đưa nghệ thuật cải lương đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.