Bắt đầu khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan

ANTD.VN -Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa cho biết, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định cho phép đơn vị phối hợp cùng với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Bắt đầu khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan ảnh 1Di tích Hải Vân Quan

Cụ thể, thời gian tiến hành khai quật từ nay cho đến hết ngày 3-9-2018, diện tích khai quật là 600m2. 

Quyết định cũng nêu rõ, trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết quả chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất phương án phân chia hiện vật, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 3 tháng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận Thị trấn Lăng Cô, (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - năm 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Công trình được xây dựng ở độ cao 490 m so với mực nước biển, là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công. Dưới thời Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía nam. 

Được biết, ngày 14-4-2017, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng là Di tích quốc gia đối với công trình này. Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau nhiều năm không được trùng tu, Hải Vân Quan hiện xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Việc công trình được xếp hạng là di tích cấp quốc gia là cơ sở để địa phương bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của di tích.