Văn hóa Thăng Long- Xứ Đoài: Cùng nhìn lại và đi tới

Bài 3: Ký ức đẹp ngày sơ tán và những điều không thể mất

ANTD.VN - Chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi nhưng câu chuyện về những ngày gian khổ mà “thần thánh” đó đối với mẹ tôi chưa bao giờ dứt cả. Suốt cả tuổi thơ tôi là câu chuyện mẹ kể, về những ngày mẹ và hai dì được đưa về sơ tán ở Đông Lao- một địa danh mà mẹ tôi khi đó mới chỉ hơn 13-14 tuổi không biết mà cũng chả cần biết nó thuộc địa giới hành chính của huyện nào của Hà Tây (cũ) cả. 

Trẻ con thời chiến đội mũ rơm đến trường

Khát vọng tình người chưa xa

Trong câu chuyện đó, vợ chồng bác chủ nhà hiện lên như một vị thánh, tốt bụng, hiền hậu, nhường cơm sẻ áo và bao dung đối với bất cứ trò nghịch ngợm tai quái nào của lũ trẻ thành phố vừa mới chân ướt chân ráo về ở nhà mình. Đó là những lần dì tôi nghịch ngợm, đu lên cành cam, cây cam gần tới mùa thu hoạch trĩu trịt quả bỗng gãy.

Dì tôi sợ hãi trốn vào một góc trong vườn khiến cả nhà đi tìm đến tối mịt vẫn chưa thấy đâu. Bác chủ nhà lo lắng đi tìm rồi òa khóc khi thấy dì tôi nằm ngủ ngon lành trong góc vườn. Chẳng có trừng phạt nào xảy ra như dì tôi tưởng, chỉ có bác chủ nhà vỗ về rủ rỉ, lần sau không được trèo cây nhỡ ngã thì làm sao, lần sau có làm gì sai thì cứ về nhận lỗi, sẽ chẳng có ai trách phạt cả không được trốn đi, người lớn lo lắng đi tìm…

Bà ngoại tôi khi đó đang làm công nhân Xí nghiệp may Chiến Thắng, cuối tuần mới tất bật chở gạo, mỳ, mắm muối… về thăm đàn con rồi lại quẩy quả đi. Mọi sự dạy dỗ, đùm bọc và yêu thương, hai vợ chồng bác chủ nhà ở Đông Lao ngày ấy đã thay bà tôi mà giúp cả… Ngày đó không chỉ Hà Tây. Tất cả người dân các địa phương đều đùm bọc người Hà Nội về sơ tán. Gọi đúng từ là chia nhà sẻ cửa. 

Hình ảnh quen thuộc  những ngày Hà Nội sơ tán

Nhà văn Bình Ca, tác giả cuốn sách gây tiếng vang “Quân khu Nam Đồng” cũng có thời gian dài sơ tán ở Phụng Thượng, đó là một địa danh cách Hà Nội tầm 32km, giữa Nhổn và Thị xã Sơn Tây. Anh kể, cho tới giờ, những đứa trẻ sơ tán ngày ấy đều đã lên ông lên bà, nhưng vẫn nhớ và biết ơn các ông bà chủ ngày xưa và anh cùng những người bạn cùng lứa khi đó vẫn thường xuyên về thăm nơi sơ tán.

Còn ký ức thời sơ tán của nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn là một vùng quê yên ả bên bờ con sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ bây giờ. Những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh, từng qua vài lần sơ tán, chẳng còn lạ lẫm gì với nông thôn nhưng con sông Bùi ấy vẫn còn những điều mới mẻ, câu cá, bẫy chim, nằm dài trên cành sung ven sông… Nói theo chữ của Đỗ Phấn thì “vùng đất nhớ nhung” ấy bền chặt trong ký ức của lũ trẻ sơ tán. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lý giải về cái sự nhớ nhung ấy là vì dù cho chiến tranh đã cướp mất tuổi thơ kiểu thành thị của trẻ con Hà Nội nhưng bù lại các làng quê nơi đây đã mang lại tuổi thơ với biết bao điều mới lạ và thú vị: “Cuộc sống thời chiến vốn đã khó khăn nay lại phải bỏ cửa, dời nhà thì khó khăn lại tăng gấp bội. Con cái một nơi, cha mẹ một nơi trong khi lương thực, thực phẩm, chất  đốt  trông chờ cả vào tiêu chuẩn Nhà nước cung cấp.

Một lạng thịt phải chia hai, chai nước mắm cũng vậy, lại còn phải chờ ngày nghỉ mới đi tiếp tế được. Mà có khi ngày nghỉ cũng không thể đi được vì phải tham gia trực chiến. Không chỉ lo miếng ăn mà còn lo con cái học hành thế nào, sống ra sao và cái lo lớn nhất là có an toàn không khi các làng quê xa cầu cống cơ sở quân sự vẫn bị máy bay Mỹ ném bom. Thế nhưng trong biết bao nhiêu mối lo ấy, họ lại nhận được sự giúp đỡ vô tư, chân thành của các gia đình đã  cho con cái họ ở nhờ. Hết gạo họ cho vay gạo, hết dầu, củi họ cho rơm rạ nấu ăn. Không còn tiền mua rau họ cho rau”.

Năm 2008, để Hà Nội có dư địa phát triển, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội. Thoắt đã 10 năm trôi qua. Cái tên Hà Tây không còn, nhưng các địa danh làng, xã, huyện nơi lứa tuổi 5X, 6X sơ tán vẫn nguyên vẹn và dù có thay đổi thì ký ức về những miền quê yêu dấu vẫn không thể mất và không bao giờ mất.

Một lớp học thời sơ tán

Cổ tích chưa xa

Khác với Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến hay Bình Ca, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở ven dòng sông Đáy. Những năm tháng Hà Nội sơ tán đó, ngôi làng của anh đã đón, đã bao bọc biết bao đứa trẻ thành phố. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo rằng, điều thần thánh nhất khi đó ấy là người Hà Nội đã mang về miền quê một thứ rất “ghê gớm” ấy là sách. Nó là một điều kỳ diệu, một phép tiên, mà ở đó, khi mỗi tối, những cô bé cậu bé thành phố ở nhờ nhà mình, những đứa trẻ nông thôn mới dám rón rén đến bên bàn học đặt tay lên những cuốn sách và đọc trộm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chính những cuốn sách đó nó đã dẫn những đứa trẻ vốn chưa ra khỏi làng quê của mình đi đến một thế giới khác.

Đó là thời mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi là có thể cuộc sống đơn giản mộc mạc, nhưng nổi lên là những phong tục văn hóa làng quê và những ứng xử đẹp. Và trong ký ức của nhà thơ vẫn in đậm hình ảnh, khi chiến tranh kết thúc, những người sơ tán rời làng quê và trở về thành phố. Thi thoảng, người ở quê lại đạp xe ra phố, phía sau chở thêm giỏ cá mà gia đình vừa tát ao bắt được lên cho và ngày cuối tuần, những người thành phố lại men theo bờ sông Đáy trở về nơi sơ tán xưa, trên xe nào chở theo chút ít mỳ sợi, đường, nước mắm biếu lại người ở quê. Đó là những giao kết đẹp. Và bây giờ, mấy chục năm chiến tranh qua đi tại sao chúng ta vẫn cứ nhớ thương và cả tiếc thương cái thời khốn khó đó và chưa bao giờ nguôi khát vọng được trở lại cái thời tình người được trân trọng hơn bất cứ thứ vật chất nào khác.

Và Hà Nội hôm nay với thế và lực mới

Chúng ta, bây giờ, chẳng thể nào chối bỏ được sự thật rằng, sự thờ ơ vô cảm ở đâu đó đã lên ngôi. Nghe lại chuyện xưa lũ trẻ bây giờ nhiều khi tưởng là “cổ tích” mà cổ tích đó đâu đã xa xôi cả trăm năm, cả nghìn năm đâu, mới chỉ có vài chục năm thôi mà. 

Thời bây giờ là thời công nghiệp hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo sử dụng không đúng, không thấu, quy hoạch không đúng sẽ phá vỡ môi trường thiên nhiên, phá vỡ môi trường văn hóa, và từ đó phá vỡ trực tiếp môi trường tâm hồn trong mỗi con người.

Đừng bao giờ nghĩ rằng những thứ đó không liên quan, bởi vì, khi chúng ta có mức thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng hay là 10 triệu đồng/người/tháng, đời sống vật chất cũng sẽ không khiến chúng ta quá khổ đau nhưng nó sẽ thay đổi những điều chúng ta không lý giải nổi đó là sự thay đổi về bản chất tâm hồn, đức hạnh, tình cảm con người với nhau bị phá vỡ. Và sự thật là, có những vùng giờ đây đã vỡ tan hoang. Một sự thiệt thòi vô tận. Nếu chúng ta có một ngôi nhà cao cả trăm tầng. Nếu bị đập đi, có thể xây lại trong vòng 5-6 năm, nhưng nếu một vùng văn hóa bị đập đi, thì nhiều đời sau có thể vẫn vất vả phục dựng lại mà chưa được.

Mới mấy chục năm thôi mà, đâu đã xa!

Chúng ta, bây giờ, chẳng thể nào chối bỏ được sự thật rằng, sự thờ ơ vô cảm ở đâu đó vẫn còn. Nhưng rồi chúng ta vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng, những câu chuyện như là cổ tích ấy vẫn hiển hiện đâu đó trong từng con người, từng nếp nhà, từng góc phố. Những tầng giá trị, những hồn cốt Thăng Long, những nét văn hóa Xứ Đoài vẫn ngày ngày thẩm thấu và bồi đắp để giá trị văn hóa của Thủ đô mãi trường tồn.