Giải tỏa “điểm nghẽn”

(ANTĐ) - Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và đầu tư về việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ lo ngại về tiến độ của hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thủ tướng băn khoăn khi một lượng lớn vốn đổ vào để giải tỏa các “điểm nghẽn” hạ tầng lại đang có nguy cơ bị ách tắc bởi những “điểm nghẽn” từ cơ chế, thủ tục.

Giải tỏa “điểm nghẽn”

(ANTĐ) - Tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và đầu tư về việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ lo ngại về tiến độ của hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thủ tướng băn khoăn khi một lượng lớn vốn đổ vào để giải tỏa các “điểm nghẽn” hạ tầng lại đang có nguy cơ bị ách tắc bởi những “điểm nghẽn” từ cơ chế, thủ tục.

Những “điểm nghẽn” hạ tầng là gì? Đó là dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được khởi công, sau những cam kết của các đối tác về nguồn vốn, song đến nay vẫn tắc nghẽn về giải phóng mặt bằng. Đó là dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng chưa nhúc nhích được bao nhiêu mặc dù nguồn vốn đã được thu xếp xong. Dự án đường cao tốc Thái Nguyên-Hà Nội thì vốn phải đợi thủ tục đấu thầu suốt một năm trời cũng chỉ vừa được khởi công.

Vừa qua, Chính phủ đã thu xếp được nguồn vốn của Nhật Bản cho dự án Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, bao gồm cả đoạn đường cao tốc từ sân bay về tới cầu Nhật Tân để rút ngắn thời gian từ trung tâm Hà Nội đi Nội Bài. Thế nhưng, dự án này lại đang vướng mắc do việc giải phóng mặt bằng của dự án cầu Nhật Tân. Có thể nói, nhìn đâu, động đến đâu cũng gặp những “điểm nghẽn” cơ sở hạ tầng. Một khi hạ tầng đã tắc nghẽn có nghĩa là kinh tế tắc nghẽn, tăng trưởng “tắc nghẽn”.

Người đứng đầu Chính phủ không thể không lo ngại, vì tổng vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay chiếm khoảng 42% GDP, thì phần vốn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ chiếm tới 23%. Phần vốn này lại chủ yếu dành để “rót” vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, cung cấp điện, nước vào lĩnh vực tạo công ăn, việc làm tức là tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, chính nguồn vốn này sẽ tập trung nhằm giải tỏa những “điểm nghẽn” tăng trưởng mà nhiều năm nay nền kinh tế nước ta đang vướng mắc.

Cũng cần nói thêm rằng, phần lớn nguồn vốn được thu xếp cho các dự án hạ tầng quy mô lớn lại là vốn vay. Do vậy, bất cứ sự chậm trễ, ách tắc nào, dù nhỏ nhất về tiến độ giải ngân cũng ảnh hưởng lớn tới hiệu quả dự án. Trong khi đó, cả một lượng vốn đồ sộ đổ vào để giải tỏa các “điểm nghẽn” hạ tầng nói trên lại có nguy cơ bị tắc nghẽn bởi những “điểm nghẽn” được ví như những “điểm đen” trong cơ chế và thủ tục. Thủ tướng tỏ ra hết sức bức xúc: “Xây dựng cơ chế, thủ tục là chức năng của Nhà nước, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu chúng ta không làm được tốt chức năng này thì không thể giải tỏa được các điểm tắc nghẽn”. Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ: “Một dự án mà mất tới 3-4 năm cho các thủ tục đầu tư là trách nhiệm của Chính phủ, của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các địa phương”. Bàn về những điểm tắc nghẽn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, trong một khảo sát mới nhất của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản với 10.000 doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài về địa điểm đầu tư hấp dẫn trong năm 2010, Việt Nam vẫn giữ ngôi vị thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy vậy, điều đáng nói là cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và nguồn nhân lực vẫn là ba “điểm nghẽn”, điểm yếu cố hữu của Việt Nam. Đặt vấn đề này trong bối cảnh “hậu” suy thoái và khủng hoảng thế giới, khi mà nền kinh tế các nước đang ráo riết bước vào giai đoạn tái cơ cấu để thích ứng và phù hợp với những thay đổi của tình hình thế giới, càng thấy rõ hậu quả nặng nề của những “điểm nghẽn” của nước ta.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ có nói tới niềm tin của giới đầu tư, của các nhà tài trợ đối với môi trường kinh doanh và chất lượng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nếu như không giữ được niềm tin, sẽ khó có được những cam kết về tài trợ vốn ODA và khó có được những khoản vay ưu đãi. Năm 2010 và những năm tiếp theo liệu có thể hy vọng giải tỏa được một trong ba “điểm nghẽn” rất cũ đó không?

Đan Thanh