Giải thưởng VinFuture: Khoa học tạo ra sự khác biệt cho hàng triệu người trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giáo sư Sir Richard Henry Friend- Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture cho hay, ở phương Tây, nhiều khi có sự tách biệt giữa khoa học và cuộc sống. Tuy nhiên, giải thưởng VinFuture do Tập đoàn VinGroup trao tặng cho thấy, khoa học phải hướng đến con người.
Hội đồng giải thưởng VinFuture giao lưu trong chương trình "Chào Việt Nam" sáng 18-1

Hội đồng giải thưởng VinFuture giao lưu trong chương trình "Chào Việt Nam"

sáng 18-1

Sáng nay (18-1), Hội đồng giả thưởng và Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture đã có buổi giao lưu tại Hà Nội.

Ngày 20-12-2020, tại Hà Nội, Việt Nam, vào đúng Ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại, Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt Quỹ VinFuture. Đây là Quỹ được thành lập để tổ chức Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới.

Người sáng lập Giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương.

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD- là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới. Ngoài ra còn có 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Đây là điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.

Giá trị lớn nhất của giải thưởng là nhằm thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Với Việt Nam, giải thưởng VinFuture không chỉ góp phần nâng tầm vị thế của đất nước trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu, mà còn là cầu nối với cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao.

Bày tỏ sự vui mừng vì được tham gia giải thưởng, Giáo sư Sir Richard Henry Friend Đại học Cambridge, Giải Millennium Vật lý năm 2010 cho biết: “Chúng ta cần thực sự tôn vinh hành trình kết nối của các nhà khoa học, các phát kiến tuyệt vời trên trên thế giới. Ở phương Tây, giữa khoa học và cuộc sống nhiều khi có sự tách biệt, khoa học chỉ là khoa học thôi, nhưng như thế chưa đủ, chúng ta cần biết sự kết nối đó ý nghĩa như thế nào”? Theo ông Friend, sự kết nối giữa khoa học và con ngwfi là nhân văn.

Theo Giáo sư Đặng Văn Chí- Giám đốc Khoa học, Viện nghiên cứu ung thư Ludwig, Hoa Kỳ, VinFuture gợi nhắc nhà khoa học cần tôn vinh cả giá trị khoa học và giá trị con người. “Chúng ta mạnh mẽ, tiên phong khởi xướng giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt khi ghi nhận những phát minh tạo ra sự khác biệt to to lớn cho hàng triệu người. Đặc biệt nhất, giải thưởng này đến từ Việt Nam”- Giáo sư Đặng Văn Chí nói.

Lễ trao giải thưởng VinFuture sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 20-1-2022 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture nhận được hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 viện nghiên cứu nổi tiếng, và 42 viện hàn lâm khoa học quốc gia uy tín toàn cầu. Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize…

VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh Châu âu chiếm một tỷ trọng lớn 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án.