Giải thưởng Nhà nước: Sẽ xét tặng bằng… tính điểm

(ANTĐ) - Ngay sau khi danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2011 được Bộ VH-TT&DL công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận mà nguyên nhân bắt nguồn từ những điều khoản không rõ ràng trong tiêu chí xét tặng.

“Sự nhọc nhằn của cát” - bộ phim tài liệu đang gây tranh cãi về việc đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước

“Không phục”
Người đầu tiên bày tỏ quan điểm này là nhạc sĩ Đinh Quang Hợp. Ngày 1-1-2011, ông nhận được thông báo, hồ sơ xin xét duyệt Giải thưởng Nhà nước của mình bị loại. Theo nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, việc thi cử, trúng hay trượt là bình thường. Nhưng cái bất bình nằm ở chỗ, bài làm tốt, đúng theo barem điểm mà trượt thì lại là bất thường. Ngay sau đó, ông đã yêu cầu Hội Nhạc sĩ phải có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng cái mà ông nhận được chỉ là sự im lặng.

Cùng chung nỗi ấm ức trên còn có nhạc sĩ Đoàn Bổng, Ngọc Khuê, Thế Song… những người được khán giả biết đến qua các ca khúc như Tiếng hát sông Lam, Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Nơi đảo xa… Nổi tiếng và “đi cùng năm tháng”, nhưng chính các ca khúc này đã bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên. Trong khi đó, 12 cái tên trong danh sách xét duyệt lần này, nhiều nhạc sĩ còn không thể chỉ ra một tác phẩm mà công chúng biết mặt đặt tên, chứ chưa nói gì đến những cống hiến cho âm nhạc nước nhà.

Trong khi còn chưa có câu trả lời thỏa đáng dành cho các thành viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì mới đây tác giả kịch bản - nhà biên kịch, đạo diễn Phan Huyền Thư và nhà biên kịch Phan Thanh Tú (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đã có đơn gửi Bộ VH-TT&DL, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT 2011 kiến nghị về cụm 3 tác phẩm mang đi ứng cử đợt này của đạo diễn Nguyễn Thước.

Theo nhà biên kịch Phan Huyền Thư, 3 tác phẩm gồm Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @ và Chất xám chị đều tham gia, khi với vai trò tác giả kịch bản”, khi viết lời bình, cá biệt, với “Chất xám” chị vừa là tác giả kịch bản, vừa viết lời bình, những đóng góp này của chị từng được ghi nhận tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVI với Bông sen Vàng dành cho biên kịch xuất sắc nhất…

Từ đó, một vấn đề đặt ra ai sẽ là người đại diện cho tác phẩm điện ảnh để đề nghị xét tặng giải thưởng: đạo diễn, hay biên kịch? Trong khi đó, quy chế xét tặng lại không quy định một cách cụ thể đối với những tác phẩm mà có sự đóng góp của nhiều tác giả. Quá nhiều điều tiếng xung quanh việc các nghệ sĩ, nhạc sĩ khiếu kiện để “đòi lại công bằng”, việc phong tặng danh hiệu, cùng giải thưởng đáng ra là việc vui thì bỗng trở thành chuyện kiện cáo, cãi vã.

Khiếu nại - năm nào cũng có

Ông Tô Văn Động - Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL, Người phát ngôn của Bộ cho biết, chuyện đơn thư khiếu nại gửi đi trước kỳ xét tặng giải thưởng và danh hiệu thì… năm nào cũng có. Vì thế, không nên coi đó là bất thường, mỗi người đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề mà họ quan tâm. Dĩ nhiên, sẽ vui hơn nếu các băn khoăn, thắc mắc được những người có liên quan trực tiếp trao đổi và đồng thuận, tránh đơn từ khiếu nại không cần thiết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên ANTĐ có hay không sự nhập nhèm trong việc xét duyệt tại các Hội cơ sở, ông Động cho biết, không phải kết quả Hội đồng cấp dưới đưa lên là Hội đồng cấp trên đương nhiên công nhận. Hội đồng cấp trên xem xét, đánh giá kết quả đề cử của Hội đồng cấp dưới và có quyền bác kết quả đề cử của Hội đồng cấp dưới khi có đủ thông tin và căn cứ.

Và giải pháp được cho là sẽ chấm dứt những thắc mắc trong suốt nhiều năm qua được Bộ VH-TT&DL đưa ra là xây dựng một văn bản hướng dẫn thi hành Thông tư xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cũng như xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Nói nôm na, thông tư này nhằm “lượng hóa” những cống hiến của các tác giả đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà bằng cách tính điểm. Trước các kỳ giải thưởng, điểm số đó sẽ được cộng vào, rồi cùng với những đóng góp của người nghệ sĩ ấy với sự phát triển của VHNT, Hội đồng xét tặng giải thưởng sẽ tiến hành bỏ phiếu bình chọn. Hiện, dự thảo văn bản này đang được gửi đến một số bộ, ban, ngành để xin ý kiến đóng góp. Nếu không có gì thay đổi, sẽ được thông qua trước kỳ xét tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011, diễn ra vào tháng 8 này. Cũng theo ông Tô Văn Động, “lượng hóa” sẽ rất khó tuy nhiên, Bộ cũng sẽ cố gắng, để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. Song hy vọng “lượng hóa” một cách tuyệt đối thì điều này là… không thể!

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - Lê Khánh Hải: “Mọi việc đều diễn ra minh bạch”

Hiện việc xét tặng vẫn đang được tiến hành thận trọng theo nội dung của Thông tư phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT và Thông tư về phong tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Mỗi cá nhân, hoặc tác phẩm được xét phong tặng đều phải trải qua nhiều cấp xem xét và bỏ phiếu tín nhiệm. Vì thế, mọi việc đều diễn ra công khai, minh bạch.

Nhạc sĩ NSƯT Huyền Thanh: “Quy định không rõ nên mới gây bức xúc!”

Chuyện nhạc sĩ nào được làm hồ sơ, nhạc sĩ nào được xét duyệt, thực ra mà nói đã lọt vào danh sách đề cử thì ai cũng có những cống hiến nhất định, cũng khẳng định được tài năng của mình và đều xứng đáng cả. Mà trong đó, tôi nghĩ việc đánh giá tốt nhất nên dựa vào cả quá trình cống hiến lâu dài lẫn việc có tác phẩm thực sự nổi bật được công chúng biết đến rộng rãi. Tôi thấy có một bất cập khác, tuy trong lĩnh vực âm nhạc không vấp phải nhưng ở các lĩnh vực khác đều gặp, đó là việc đề cử xét tặng giải thưởng cho cá nhân người nghệ sĩ đều dùng chung danh từ “tác giả”.

Trong khi lao động sáng tạo ra những tác phẩm như một bộ phim hay một vở kịch lại là thành quả của nhiều người như: đạo diễn, biên kịch, quay phim... Quy định không rõ nên mới gây hiểu lầm và bức xúc không đáng có. Thế nên quy chế xét tặng giải cũng cần quy định lại sao cho rõ ràng!