Giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, văn minh, tránh rơi vào chiếc "bẫy" xung đột quân sự

ANTD.VN - Trung Quốc có một loạt động thái mới ở Biển Đông giữa thời kỳ cả thế giới đang tập trung vào chống dịch Covid-19, điều đó chứng tỏ họ đã toan tính rất kỹ. Việt Nam cần làm gì để đối phó với những toan tính đó và ngăn chặn những bước đi nghiêm trọng hơn? Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ đã chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô về vấn đề này.

Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình theo phương châm vừa đấu tranh vừa hợp tác, kiên quyết nhưng phải kiên trì

Các “lớp lang” dựng sẵn

- Phóng viên: Gần đây, Trung Quốc đã bị Mỹ nhiều lần cáo buộc lợi dụng thế giới đang xảy ra đại dịch Covid-19 để “bắt nạt” các nước trong khu vực. Nhất là việc Trung Quốc công bố quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” (trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam) đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông có bình luận gì về hành động này?

-  Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ: Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho nhân loại bao đau khổ, khó khăn, chết chóc. Lợi dụng tình cảnh này, Trung Quốc đã và đang tiến hành một loạt động thái gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông, khiến dư luận hết sức quan ngại và phẫn nộ lên án. Theo nhận xét, đánh giá của nhiều học giả, chính trị gia, chuyên gia quân sự, pháp lý… thì những động thái này đều đã được Trung Quốc trù tính từ trước, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và rất nguy hiểm. Vào thời điểm hiện tại, chỉ riêng việc Trung Quốc công bố quyết định nâng cấp đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” cũng cho thấy các “lớp lang” được Trung Quốc dàn dựng một cách chủ động, bài bản mà mục đích của họ là nhằm để:

Thứ nhất, bổ sung vào hồ sơ pháp lý có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng pháp lý nào để chứng minh Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền lịch sử của mình ở đây như thế nào, ngoại trừ những ghi chép khiên cưỡng, vô căn cứ trong các sử sách, bản đồ lịch sử do họ công khai trích dẫn. Trung Quốc thiếu bằng chứng chứng minh, nên giờ họ đang bổ sung khoảng trống, điểm đen trong hồ sơ pháp lý, tiếp tục củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ. 

Thứ hai, cố tình tạo cơ sở pháp lý bằng việc ban bố các quyết định hành chính, nhằm chống lưng cho những hành động phạm pháp của họ trên thực tế, như: ngăn cấm, cản trở, bắt bớ, gây tổn hại về tài sản, tính mạng… đối với mọi hoạt động hợp pháp của cộng đồng khu vực và quốc tế trong Biển Đông;

Thứ ba, bằng những quyết định hành chính này, cùng với việc họ đã đầu tư cải tạo các thực thể địa lý ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nhân tạo rất lớn, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng các thể địa lý ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn không phải là những đảo thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng, trở thành những thực thể địa lý có đủ điều kiện để mở rộng các vùng biển phụ cận và liền kề có chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý (tính từ hệ thống đường cơ sở của 2 quần đảo này) theo cách “giải thích và áp dụng” của Trung Quốc sai với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Việc Trung Quốc ra quyết định thành lập trái phép các đơn vị hành chính đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là mưu đồ họ theo đuổi từ lâu, được họ đẩy mạnh ngay sau khi dùng vũ  lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974  và chiếm các đảo thuộc Trường Sa năm 1988. Họ muốn hợp thức hóa những hành động vũ lực đó bằng các biện pháp hành chính, dân sự, pháp lý. Thực tế, họ đã thành lập các đơn vị hành chính ở đây từ những năm 1990 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành chiếm đóng bằng quân sự ở hai quần đảo này.

Năm 2012, sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, thì Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và  Trung Sa (bãi Macclesfield) như một hành động trả đũa. Tháng 9-2017, họ đưa ra chiến thuật mới mang tên “Tứ Sa”, cho rằng Trung Quốc có chủ quyền với 4 nhóm đảo gồm 3 nhóm trên và thêm Đông Sa (quần đảo Pratas hiện do Đài Loan quản lý), để đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh 4 nhóm này.

Đó là một vài mốc trong chuỗi hành động của họ. Mỗi lần như vậy, Việt Nam đều có công hàm phản đối mạnh mẽ. Lần này, họ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, công bố phê duyệt thành lập đơn vị hành chính cấp quận, nâng cấp đơn vị hành chính để thay mặt nhà nước Trung Quốc quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Tập Atlas Thế giới của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen (1795-1869) thành viên Hội địa lý Paris, được xuất bản năm 1827 khẳng định ranh giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam

Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

- Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy, một lần nữa ông hãy giải thích rõ hơn quan điểm pháp lý của chúng ta trong vấn đề chủ quyền này?

- Dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, Việt Nam, với những chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý, đã chứng minh rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của Công pháp quốc tế. Đây là nguyên tắc hiện hành trong đời sống quốc tế. Hiện nay, rất nhiều cơ quan luật pháp quốc tế xử lý các tranh chấp giữa các bên, nhất là các vùng hải đảo đều dựa vào nguyên tắc chiếm hữu thực sự để xem xét. 

Rất nhiều người khi nhắc đến Biển Đông đều thể hiện nguyện vọng làm sao cản trở, kiềm chế được tham vọng độc chiếm của Trung Quốc. Đó là tham vọng bất hợp pháp, trái với nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như giữa Trung Quốc với Việt Nam.

 Tiến sĩ Trần Công Trục

Trong khi đó, người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã từng tuyên bố công khai với quốc tế rằng, tổ tiên của người Trung Quốc để lại cái mà họ gọi là “quần đảo Tây Sa” và “quần đảo Nam Sa” cho người Trung Quốc và họ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ tiên để lại. Trung Quốc xưa nay luôn lập luận rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo này.

Họ dùng tất cả tài liệu lịch sử có được để nói người Trung Quốc đã phát hiện, khai phá, quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngay từ trước công nguyên.

Nhưng thật ra, họ chưa đưa ra được một bằng chứng pháp lý nào có liên quan đến việc nhà nước Trung Quốc trước đây đã tổ chức các đơn vị hành chính ở đây. Tư liệu lịch sử và bản đồ của người Trung Quốc xuất bản chính thức không thể hiện được điều đó. Các tư liệu của Trung Quốc cho đến nay cho thấy bản đồ Trung Quốc chỉ vẽ cực Nam nước này chỉ là đến đảo Hải Nam.  

Ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc 

- Quan điểm pháp lý về nguyên tắc chiếm hữu thật sự của Việt Nam rất rõ ràng, nhưng trên thực tế còn khó khăn do Trung Quốc cố tình theo đuổi quan điểm riêng mà quốc tế không công nhận. Vậy chúng ta đã có biện pháp gì để bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

- Biện pháp thì rất nhiều, bởi Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm đến điều này. Trước tiên là xây dựng các lực lượng về hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, để làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền, bảo vệ các quyền hợp pháp ở các vùng biển, đảo, trong Biển Đông. Việt Nam đã xây dựng các khu dân cư, trường học, trạm nghiên cứu trên các đảo và bảo vệ các đảo đó một cách vững chắc. Việt Nam cũng đã sưu tầm nhiều tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý để hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhằm phục vụ cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Trên lĩnh vực truyền thông, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền về biển, đảo, mang lại hiệu quả tích cực. Có thể nói, thời gian gần đây, tôi đánh giá nhận thức, ý thức của người dân đã tiến một bước rất xa. Trước đây, phản ứng của người dân có tính chất tự phát, nhưng theo tôi, bây giờ họ đã chuyển sang tự giác hơn. Và nhân dân Trung Quốc, bạn bè quốc tế đã hiểu rõ hơn lập trường nhất quán và rõ ràng của Việt Nam. Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình một cách cương quyết, nhưng cũng rất kiên trì, mềm mỏng, không để Trung Quốc lợi dụng, kiếm cớ gây xung đột, chiến tranh. Việt Nam thực hiện phương châm “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, kiên quyết nhưng phải kiên trì. 

Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng trên biển

Đưa ra tòa phân xử, đó là các ứng xử văn minh

- Mặc dù vậy, vẫn khó ngăn cản Trung Quốc tiếp tục thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Việt Nam cần làm gì để ngăn chặn tham vọng ấy và giữ gìn hòa bình ổn định trong khu vực Biển Đông?

- Rất nhiều người khi nhắc đến Biển Đông đều thể hiện nguyện vọng làm sao cản trở, kiềm chế được tham vọng độc chiếm của Trung Quốc. Đó là tham vọng bất hợp pháp, trái với nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như giữa Trung Quốc với Việt Nam. Chúng ta phải có trách nhiệm không để tình trạng sai trái đó tiếp tục gây nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình khu vực, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hiện giờ, để ngăn cản điều nguy hiểm có thể xảy ra đó, trước hết chúng ta phải đoàn kết. Muốn đoàn kết thì phải trên cơ sở tư duy thống nhất, hiểu rõ các quyền hợp pháp của chúng ta đối với các vùng biển, đảo đến đâu, quy chế pháp lý như thế nào… Về pháp lý, chúng ta phải chuẩn bị các phương án đấu tranh ngoại giao cao hơn, kể cả việc kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Vì đó là biện pháp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, văn minh. Anh em trong nhà mà xảy ra chuyện với nhau, có thể đưa ra tòa, nhưng vẫn là anh em, đó là một cách ứng xử sòng phẳng, văn minh và hiện đại…

- Vậy chúng ta đã tính đến phương án đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế chưa, thưa ông?

- Chúng ta không phải là không tính đến phương án đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Nhưng kiện cái gì, thủ tục kiện như thế nào cho phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế, hiệu quả đến đâu... là những điều cần cân nhắc, tính toán thấu đáo. Mặt khác, chúng ta đã chuẩn bị về lực lượng tại chỗ như cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng khác, nhưng nên nhớ rằng phải hiểu rõ thủ tục pháp lý trong xử lý các hành vi sai phạm trên Biển Đông, chứ không phải lúc nào cũng dùng đến lực lượng quân sự được.

Nếu không xử lý khéo, chúng ta đang ở thế thượng tôn pháp luật chính nghĩa, cuối cùng lại trở thành nạn nhân. Trung Quốc đang tính toán những bước đi ngang ngược, nếu chúng ta không biết kiềm chế thì rất có thể mắc vào bẫy và lợi bất cập hại. Không thể để Trung Quốc lợi dụng gây ra xung đột quân sự, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Thời kỳ hậu Covid-19 này, thế giới lao đao và suy thoái kinh tế, thế nên chúng ta càng cần phải lưu ý và cảnh giác.