Giải pháp vực dậy thị trường du lịch Việt Nam sau dịch bệnh được kiểm soát

ANTD.VN - Kích cầu nội địa, khai thác thị trường trọng điểm, chủ động thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra… là 3 trong số rất nhiều giải pháp được Tổng cục Du lịch đưa ra, nhằm vực dậy thị trường ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 7-2  - Ảnh: Linh Tâm

Đẩy mạnh khai thác thị trường trọng điểm gần, kích cầu nội địa 

Nhằm đánh giá khách quan, đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, đồng thời dự báo mức độ tổn thất và thiệt hại đối với ngành du lịch Việt Nam, đề xuất giải pháp phục hồi ngay sau khi hết dịch bệnh, chiều 6-2, một hội nghị đã được Tổng Cục Du lịch Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp lữ hành.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Kể từ khi dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán bùng phát, Trung Quốc đã hạn chế khách du lịch đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội; các thị trường quốc tế khác e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch...

Giải pháp đưa ra, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng Ấn Độ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sẽ tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh thị trường Mỹ và Canada. Duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Nga, các nước SNG và các nước Đông Âu... Tăng cường các hoạt động quảng bá tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch.

Tổng cục Du lịch cũng đưa ra các giải pháp kích cầu nội địa, hình thành các chương trình du lịch trọn gói giá ưu đãi cho khách du lịch trong nước. Cùng với đó, cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia, ưu tiên kinh phí, tổ chức sớm các thị trường cần thu hút để bù đắp lại thị trường đã mất.

Chủ động thông tin kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh

Tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip từ các thị trường tiềm năng, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương tổ chức các chương trình kích cầu dành cho các thị trường du lịch hàng đầu gửi khách đến Việt Nam ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách.

Dự kiến, tháng 6-2020 triển khai tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Australia, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ…

Lãnh đạo ngành du lịch cho biết, sẽ tiếp tục chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch. Chú trọng truyền thông qua nhiều hình thức tới khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam.

Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch dự kiến đề xuất Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu.

Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ VH-TT&DL ưu tiên bố trí sớm kinh phí và cho phép thay đổi kế hoạch, địa bàn xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát.

Ông Philippe Lovy (Thụy Sĩ): Ấn tượng đẹp với Việt Nam dù dịch bệnh Corona bùng phát

Giải pháp vực dậy thị trường du lịch Việt Nam sau dịch bệnh được kiểm soát ảnh 2

Trước khi sang Việt Nam, tôi và vợ đã nghe thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang hoành hành ở Hồ Bắc (Trung Quốc) và lây lan sang các quốc gia láng giềng. Dù có đôi chút e ngại nhưng chúng tôi vẫn quyết định sẽ tới Việt Nam. Đất nước của các bạn nổi tiếng với các địa điểm du lịch đẹp, giàu truyền thống văn hóa. Con người Việt Nam thân thiện mến khách. Tôi và vợ đã chuẩn bị khẩu trang cho chuyến hành trình của mình nhưng số lượng không đủ, trải dài cho những ngày lưu trú tại Thủ đô.

Vì thế, chúng tôi rất vui và cả bất ngờ khi tới các di tích, danh thắng của Hà Nội lại được phát khẩu trang hoàn toàn miễn phí. Điều đó cho thấy, ngành du lịch của Hà Nội nói riêng và ngành du lịch của Việt Nam nói chung đã chuẩn bị rất tốt để đối phó với dịch bệnh. Là một người nước ngoài từ phương xa tới, tôi rất ấn tượng với sự chu đáo và tận tình của các cán bộ, nhân viên tại các địa điểm du lịch. Đó cũng là hình ảnh đẹp về con người Việt Nam mà tôi và vợ sẽ không thể quên được.

Bà Teresa Gonzalez, (Chile): Tin tưởng dịch bệnh Corona ở Việt Nam sẽ được kiểm soát và dập tắt

Giải pháp vực dậy thị trường du lịch Việt Nam sau dịch bệnh được kiểm soát ảnh 3

Đi trên đường phố của Hà Nội, tôi thấy hầu như người dân ở đây, ai cũng đeo cũng khẩu trang kín mít. Người Hà Nội có ý thức rất cao để phòng tránh virus Corona. Còn cá nhân tôi cũng được các hướng dẫn viên du lịch khuyến cáo nên đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn khi tới Việt Nam vào thời điểm này. Vì thế, tôi cũng sắm ngay cho mình một chiếc khẩu trang để đi tới các nơi đông người. Tôi cảm thấy rất an tâm với chiếc khẩu trang phòng bệnh, sẽ giúp cho cá nhân tôi và cộng đồng không bị lây lan các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nói riêng.

Đây là lần thứ hai tôi trở lại Hà Nội. So với thời điểm đầu tiên tôi đặt chân tới Thủ đô cách đây 10 năm, mảnh đất này đã thay đổi nhiều, ồn ào và náo nhiệt hơn. Hơn thế, lần thứ hai trở lại này, tôi còn được chứng kiến sự nghiêm túc và vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng. Đi tới một số di tích, tôi còn được đọc và được nghe các khuyến cáo dành cho du khách để phòng bệnh. Với cách làm này, tôi hoàn toàn tin tưởng, dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt ở đất nước các bạn.

Chị Sriya Chadalavada (người Mỹ gốc Ấn Độ): Không lo lắng khi đi du lịch ở Hà Nội và Việt Nam

Giải pháp vực dậy thị trường du lịch Việt Nam sau dịch bệnh được kiểm soát ảnh 4

Tôi có một người bạn Việt Nam khá thân. Vì thế, vừa qua Tết, tôi đã có mặt ở Việt Nam và cũng vừa hay, dịch bệnh virus Corona bùng phát. Tôi nghe bạn kể, nhiều trường học đã đóng cửa để phòng bệnh lây lan trong cộng đồng. Còn người dân thì được khuyến cáo nên đeo khẩu trang và hạn chế tới nơi đông người. Tớimột số danh lam của Hà Nội, tôi thấy người dân nơi đây đều đeo khẩu trang rất tự giác. Dù việc đeo khẩu trang khá vướng víu nhưng vì tôn trọng những người xung quanh nên tôi và bạn của mình cũng làm theo cách này khi tới các di tích của Hà Nội.

Điều lạ là, dù dịch bệnh đang bùng phát nhưng các địa điểm du lịch của Hà Nội vẫn có đông du khách nước ngoài tới tham quan. Có thể, họ cũng giống như tôi, đều muốn khi tới với dải đất hình chữ S sẽ có những bức hình lưu lại và được khám phá vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Nên dù đang có dịch, chúng tôi vẫn không thể ngồi ở nhà. Tất nhiên, chúng tôi hiểu, Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng dịch. Vậy thì, có gì phải lo lắng mà không đi du lịch ở Hà Nội và Việt Nam?

Phạm Hương (Thực hiện)