Thảm cảnh của rừng:

Giải pháp phải kèm theo chế tài

ANTĐ - Chúng ta cùng nhau tìm những giải pháp để khắc phục một cách hiệu quả những tồn tại do nạn phá rừng, chôn rừng và thiếu quy hoạch khoa học về thủy điện, về rừng.

Ruộng bậc thang - công trình  trí tuệ và sáng tạo của đồng bào ta

Trước hết, cũng nên trao đổi qua một khái niệm mà trước nay vẫn xuất hiện trong các báo cáo, các đề án, dự án chương trình về bảo vệ và phát triển rừng.

"... Trong 10 năm qua, chúng ta đã tăng độ che phủ rừng trên cả nước từ 38 - 40% lên 50 - 55%...".

Che phủ rừng cũng là một tiêu chí, nhưng chưa phải là tất cả. Che phủ càng nhiều, lượng điều phối oxy - cabonic và làm trong sạch không khí càng lớn. Nhưng nếu chỉ che phủ bằng màu xanh mà không có khoa học và kế hoạch, thì hầu như không có tác dụng làm giảm dòng chảy khi mưa nhiệt đới đổ về, không ngăn được lũ quét, lũ ống.

Vì, một quả đồi trọc đất đỏ ba zan, nếu chúng ta trồng trên đó cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lấy gỗ như bạch đàn, keo, thông hay các loại cây khác theo phương pháp thẳng hàng, dễ thu hoạch, giảm bớt kinh phí vận chuyển và chăm sóc cây thì thực chất vẫn là đồi trọc đối với các cơn mưa. Bởi vì, khi mưa nước dồn từ đỉnh đồi xuống chân đồi, khe suối, bờ sông có trồng cây hay đồi trọc gần như có thời gian như nhau (tốc độ dòng chảy không thay đổi đáng kể). Tán cây xanh chỉ che phủ phía trên, còn phía dưới vẫn chỉ là sườn đồi thoai thoải nên không có khả năng làm giảm dòng chảy. Cứ như vậy, các dòng nước từ khắp nơi cứ ào ào dồn xuống, hòa nhập lại, tạo thành một dòng lũ hung tợn, có sức mạnh khủng khiếp, có thể cuốn phăng đi những vật cản trên đường...

Chính vì thế, khái niệm che phủ rừng, phải thay đổi thành che phủ bề mặt đất rừng, đồi trọc... và phải có pháp lệnh, hướng dẫn, chế tài trồng rừng cho hợp lý, đúng quy cách khoa học.

Ông cha ta hàng ngàn đời nay, đặc biệt là các dân tộc sống trên vùng đồi núi, cao nguyên, đã tạo nên một công trình kỳ vĩ xét về mọi mặt - đó là ruộng bậc thang.

Ngày nay, ruộng bậc thang trở thành những tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên do con người tạo ra, cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng và thán phục.

Thế nhưng, ruộng bậc thang có một chức năng vĩ đại hơn nhiều bởi mang tính nhân văn cũng như bảo tồn sinh thái, phòng lũ quét trong những mùa mưa gió triền miên!

Ruộng bậc thang - đó là công trình thủy lợi, thủy sinh, công trình của trí tuệ và sự thông minh, cần cù lao động của nhiều thế hệ đồng bào ta.

Chúng ta có đủ căn cứ, cơ sở và thực tế khách quan để đề xuất lên UNESCO công nhận Ruộng bậc thang là công trình văn hóa - thủy lợi và bảo vệ thiên nhiên độc đáo của Việt Nam. (Một số nước cũng có ruộng bậc thang, nhưng không nhiều, không tập trung và mang tính đặc trưng như ở nước ta).

Để phòng lũ có hiệu quả, chúng ta hãy học tập, làm theo tổ tiên ta, phát triển có khoa học mô hình Rừng bậc thang - tức là các loài cây được trồng theo mô hình ruộng bậc thang, trồng theo bình độ, hết bình độ này đến bình độ khác cho đến tận chân khe suối, bờ sông...

Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ phòng lũ cực kỳ hiệu quả mà vẫn phát triển sản xuất, khai thác hiệu quả đất đồi rừng có sự chia sẻ lợi nhuận, lợi ích kinh tế với cộng đồng xã hội và tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho đất nước!

Cho đến lúc này, có thể nói chúng ta đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển hệ thống các nhà máy thủy điện là chưa hợp lý, chưa khoa học và hướng đến sự phát triển toàn diện của nền kinh tế nước nhà!

Ở đâu xây nhà máy thủy điện thì hệ thống đường giao thông quanh vùng đều bị tàn phá, băm nát, cày xới biến dạng do xe chở vật liệt xây dựng: xi măng, đá, cát, sỏi, sắt thép siêu trường, siêu trọng hàng ngày liên tục, dồn dập ầm ầm tràn qua! Tàn phá giao thông ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây bao nhiêu khó khăn, tổn thất cho nhân dân địa phương; gây cản trở và hạn chế đến phát triển của các ngành kinh tế khác vì khó khăn lưu thông hàng hóa, nạn ùn tắc giao thông, tốn kém thời gian, hư hỏng phương tiện, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, làm thiệt hại lớn về kinh tế và con người!

Hàng nghìn tỷ đồng làm lại đường giao thông có lẽ lại đổ lên đầu ngành giao thông, nhà nước và nhân dân!

Lúc này và những năm tới, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải oằn mình ra để khắc phục, hạn chế những hậu quả khôn lường của những quyết định chưa khoa học, không hợp lý và không kinh tế!

Lợi nhuận thì cứ đến với doanh nghiệp! Môi trường bị tàn phá thiệt hại về nhiều mặt thì thuộc về quốc dân! Ta cứ hay biện luận, tuyên truyền: Thủy điện rẻ hơn! Nếu ta nghiên cứu, tính toán chi li, toàn diện và dài lâu thì thủy điện đắt và tiềm ẩn thảm họa! Thủy điện chiếm và tàn phá bao nhiêu đất đồi, lưu vực sông suối, khe núi?

Nước, mà là nước ngọt đâu có là vô tận! Nước là kim cương của ngày mai! Chiến tranh vì đất, vì biển đã diễn ra và rồi chiến tranh vì những dòng sông, nguồn nước ngọt càng khó tránh thoát trong mai kia.

Có nhiều nguồn năng lượng sạch mà vô cùng rẻ: Mặt trời, gió, sóng biển, sinh học...

Có một nguồn năng lượng, hơn 10 năm trước, cũng đã từng được đề cập đến trong một bài báo: Năng lượng dòng chảy!

Nguồn năng lượng này có từ khi Trái đất hình thành và được con người sử dụng từ lâu: Các đàn xe nước, các hệ thống thủy lợi ứng dụng dòng chảy! Dòng chảy, bản thân nó là một năng lượng sạch, không cần đắp đập, ngăn sông, chuyển dòng! Dòng chảy có thể tạo ra điện, tạo ra khí nén, vận hành các máy bơm... phục vụ trực tiếp dân sinh.

Đặc biệt, năng lượng đuôi của những nhà máy thủy điện: dòng nước sau khi đã qua tua bin phát điện hay các đập tràn, cửa xả lũ cực kỳ quý báu cho sản xuất điện công nghiệp.

Nếu chúng ta đi sâu nghiên cứu, chế tạo tổ hợp phát điện bằng nguồn năng lượng này hợp lý thì tổng công suất rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả công trình phát điện chính, bởi nguồn năng lượng này gần như không tuân thủ định luật bảo toàn năng lượng!

Nhiều năm nay, đã có các ý tưởng và phác thảo các đề án khoa học loại này, rất mong được các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hợp tác để biến thành hiện thực.

Đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống thủy điện, ngừng cấp phép xây dựng những nhà máy thủy điện mới. Có quy định chặt chẽ và chế tài cụ thể, nghiêm minh đối với các nhà máy thủy điện vận hành gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đến kinh tế xã hội do nhà máy đó gây ra. Phải kiên quyết và triệt để bắt buộc chủ doanh nghiệp đền bù, chia sẻ khó khăn với nhân dân, các ngành kinh tế khác.

Đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sa khoáng... cũng tàn phá môi trường sinh thái ghê gớm. Dứt khoát các dự án loại này, phải có quy định và chế tài rõ ràng, thậm chí phải có tiền đặt cọc, phí tái tạo môi trường trước khi tiến hành triển khai. Khai thác xong đến đâu, đến địa giới khu vực nào phải lập tức san lấp trả lại mặt bằng, trồng lại rừng theo chỉ dẫn của ngành lâm nghiệp theo mô hình "Rừng bậc thang".