Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -Với Hà Nội, một thành phố bụi vào loại dày đặc của Việt Nam, việc cải thiện chất lượng không khí cho các không gian trong và cả ngoài trời đã trở nên bức thiết. Đặc biệt là chất lượng không khí trong nhà ở, khi mà phần lớn thời gian của người dân dành cho các hoạt động trong nhà chiếm tới 90%, còn lại là các hoạt động ngoài trời và trên các phương tiện giao thông.

Hội thảo quốc tế “Giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tạp chí Kiến trúc tổ chức vừa diễn ra ngày 28-11 tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia về quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư và những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tại hội thảo, chuyên gia và khách mời đã thảo luận 2 vấn đề chính: “Nâng cao chất lượng không khí - Giải pháp quản lý đô thị và môi trường” và “Kiến trúc xanh và các giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong nhà ở đô thị”.

Theo các đại biểu, chất lượng không khí trong nhà bị ảnh hưởng do lưu lượng và chất lượng của không khí sạch cấp vào. Ngoài ra, chất lượng không khí trong nhà còn bị ô nhiễm bởi chính các hoạt động của con người và của các vật liệu được sử dụng trong các công trình như các hoạt động quét dọn, vệ sinh, phát thải một số chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm tẩy rửa dân dụng, từ vật liệu xây dựng và đồ nội thất trong nhà. Hơn thế, do không gian trong nhà nhỏ nên các chất ô nhiễm không khí có nồng độ cao hơn nhiều so với ngoài trời.

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở

Các đại biểu thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở

Theo thống kê năm 2012 của tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm có 4,3 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà, gây ra bởi việc sử dụng không hiệu quả các nhiên liệu rắn trong nấu ăn. Trong những người chết, 12% số người tử vong do viêm phổi, 34% do đột quỵ, 26% do thiếu máu cục bộ cơ tim, 22% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 6% chết vì ung thư phổi.

Trong khi đó, phần lớn thời gian của con người dành cho các hoạt động trong nhà chiếm tới 90%, còn lại là các hoạt động ngoài trời và trên các phương tiện giao thông. Như vậy, chất lượng không khí trong nhà ở ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi thành viên trong gia đình. Để người dân làm việc và sinh sống khỏe mạnh ở không gian trong nhà, các công trình cần đảm bảo các yếu tố như độ tiện nghi, yên tĩnh, đủ ánh sáng, có đủ không khí trong lành, không bị ẩm ướt hay các chất ô nhiễm và không bị gió lùa…

Tuy nhiên, những yêu cầu này lại chưa được đảm bảo tại nhiều công trình nhà ở người dân. Theo kiến trúc sư Trần Huy Oánh, hội thảo là một lần chúng ta nhìn lại và đánh giá cụ thể hơn về chất lượng các công trình nhà ở của người dân. Đó là những vấn đề liên quan tới quan điểm thiết kế và quan điểm về các công trình kỹ thuật cung cấp không khí sạch. Chúng ta không nên chạy theo những con số mà phải lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm đầu. Những giải pháp liên quan tới công nghệ cũng cần được nghĩ tới trong việc nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở nhưng trên hết, chúng ta cần tận dụng những điều kiện tự nhiên như việc thông gió tự nhiên tại các tòa nhà, chiếu sáng tự nhiên, cải tạo chất lượng không khí đô thị….

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, để nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở, điều quan trọng nhất chính là quy hoạch đô thị và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị. Trong đó, quy hoạch đô thị cần đặc biệt chú ý tới xây dựng không gian xanh, không gian mặt nước, đón hướng gió, chiếu sáng tự nhiên… Dù những yếu tố này đang rất khó thực hiện khi mà các tòa chung cư cao vài chục tầng chắn ngay mặt của các hồ nước, các mặt biển… Nhưng thà muộn còn hơn không.

Còn kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Bộ Xây dựng đã bổ sung thêm các biện pháp “cứng rắn” hơn trong việc nâng cao chất lượng không khí nhà ở của người dân. Đó là sự quan tâm của Nhà nước về việc xây dựng các thể chế và thiết chế trong quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó là việc tăng các hình thức xử phạt để người dân có ý thức trong bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường trong các tòa nhà.

Ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân

Ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân

Kiến trúc sư Trần Huy Oánh nhấn mạnh, nhìn ra các nước bên cạnh Việt Nam như Singapore, Trung Quốc đều đã luật hóa các tiêu chuẩn, yêu cầu trong xây dựng, thiết kế các tòa nhà, căn hộ. Mục tiêu cuối cùng cũng là đem lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cải thiện chất lượng không khí giờ đây đã không thể chỉ còn là giải pháp đề xuất tự nhiên, kế thừa truyền thống hay là câu chuyện riêng về thiết kế của người kiến trúc sư. Đó là giải pháp kết hợp tự nhiên-nhân tạo. Mật độ con người, công trình ở-làm việc-sản xuất-hoạt động cộng đồng càng cao, thì tính khả thi giải pháp tự nhiên càng thấp. Giải pháp nhân tạo bổ sung khi đó càng nhất thiết và cần tỉ trọng càng lớn. Tất nhiên, công nghệ nhân tạo cần rẻ, sử dụng ít tốn kém và dễ sử dụng. Điều đó vẫn là câu hỏi lớn cho những hệ thống chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay.