Giải pháp hứa hẹn khi dùng kết hợp vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một nghiên cứu mới của Anh cho thấy sự kết hợp giữa vaccine Covid-19 AstraZeneca và BioNTech kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với 2 liều AstraZeneca. Hiện các nhà khoa học chưa giải thích được hiện tượng này nhưng đây được coi là một phương cách đầy hứa hẹn để tăng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Hàng loạt nghiên cứu ở Anh, Đức, Tây Ban Nha cho thấy vaccine Covid-19 khi dùng kết hợp sẽ tăng khả năng miễn dịch cao hơn

Hàng loạt nghiên cứu ở Anh, Đức, Tây Ban Nha cho thấy vaccine Covid-19 khi dùng kết hợp sẽ tăng khả năng miễn dịch cao hơn

Kết quả bất ngờ và khá tương đồng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh phát hiện những bệnh nhân được tiêm một liều AstraZeneca, sau đó 4 tuần tiêm tiếp vaccine BioNTech-Pfizer có số lượng kháng thể cao hơn những người đã được tiêm 2 mũi AstraZeneca. Nghiên cứu về kết hợp vaccine được thực hiện ở 830 tình nguyện viên trên 50 tuổi. Kết quả, số lượng kháng thể cao nhất được ghi nhận ở những người được tiêm 2 mũi BioNTech, tiếp theo là những người đã tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên và mũi thứ hai BioNTech. Thứ tự ngược lại vẫn mang lại nhiều kháng thể hơn so với người tiêm 2 mũi AstraZeneca. Mặc dù vậy, trưởng nhóm nghiên cứu Matthew Snape, Giáo sư nhi khoa và tiêm chủng cho rằng: “Bất kỳ 2 mũi tiêm tiêu chuẩn nào cũng đều rất hiệu quả để tránh nguy cơ bị bệnh nặng, bao gồm cả chống lại biến thể Delta”.

Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland ở miền Tây nước Đức cũng phát hiện những người có mũi tiêm đầu tiên là AstraZeneca và mũi thứ hai là BioNTech-Pfizer có phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với những bệnh nhân đã tiêm 2 liều vaccine giống nhau.

Nhưng liệu đã đến lúc thay đổi sang phương cách tiêm chủng kết hợp cho tất cả mọi người? Chưa hoàn toàn như vậy, bởi các kết quả nghiên cứu ở Anh chưa trải qua quá trình bình duyệt, tức là được các nhà khoa học độc lập đánh giá. Trong khi, các phát hiện đến từ Đại học Saarland của Đức cũng chỉ là sơ bộ và chưa được đánh giá đầy đủ về mặt khoa học.

Tuy nhiên, nhóm thực hiện nghiên cứu đã rất ngạc nhiên trước kết quả đó. Ông Martina Sester, giáo sư miễn dịch học cấy ghép và nhiễm trùng tại Đại học Saarland, cho biết: “Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn chia sẻ kết quả của mình ngay bây giờ chứ không đợi quá trình đánh giá khoa học hoàn tất”.

Trùng hợp là, thử nghiệm CombivacS của Tây Ban Nha, được thực hiện với 663 người tham gia tại Viện Y tế Carlos III ở Madrid cũng đã đưa ra kết luận tương tự trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học Nature. Dù nghiên cứu chưa được đánh giá ngang hàng nhưng kết quả cũng rất đáng xem xét. Ông Magdalena Campins, một nhà điều tra trong nghiên cứu CombivacS tại Bệnh viện Đại học Vall d'Hebron ở Barcelona cho biết, những người đã tiêm vaccine kết hợp tạo ra lượng kháng thể cao hơn nhiều sau lần tiêm thứ hai và những kháng thể này đã có thể nhận ra và vô hiệu hóa SARS-CoV-2 trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Đáng tiếc, nghiên cứu ở Tây Ban Nha không bao gồm một nhóm đối chứng gồm những người đã tiêm 2 mũi vaccine giống nhau, vì vậy không có thể so sánh trực tiếp giữa hai nhóm.

Kết hợp vaccine - cần được xem xét nghiêm túc

Mặc dù kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo không nên kết hợp vaccine. Phát ngôn viên của WHO, bà Margaret Harris cho biết, vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá liệu đây có phải là một cách tiếp cận an toàn hay không.

Ở Đức, ai cũng được coi là đã tiêm chủng đầy đủ nếu đã tiêm 2 mũi vaccine, dù cùng loại vaccine hay vaccine hỗn hợp. Chính phủ Đức thực hiện theo hướng dẫn của Viện Paul Ehrlich (PEI). Điều này cũng khác nhau, tùy theo quy định ở mỗi quốc gia. Canada chấp thuận cho tiêm chủng kết hợp trong khi ở Mỹ, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.

Theo như kết quả ban đầu, sự kết hợp giữa AstraZeneca và BioNTech-Pfizer dường như là một cách đầy hứa hẹn để tăng miễn dịch cho mọi người chống lại virus SARS-CoV-2. Đáng nói, đây là đại diện cho 2 loại vaccine Covid-19 hiện có trên thị trường. AstraZeneca là vaccine vector truyền thống. Nó sử dụng một phiên bản vô hại của một loại virus để cung cấp các chỉ dẫn cho các tế bào của con người, từ đó tạo ra các kháng thể chống lại virus. Trong khi BioNTech là vaccine mRNA, một phương pháp chủng ngừa mới. Về bản chất, MRNA dạy các tế bào của con người cách tạo ra một loại protein tăng đột biến, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch và sản sinh kháng thể.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa có đủ thông tin để biết tại sao sự kết hợp của 2 loại vaccine này có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Giáo sư Sester của Đại học Saarland cho biết, bà rất mong được thấy nhiều nghiên cứu hơn về việc kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau và cách chúng tương tác với nhau. “Chúng tôi tin rằng nếu các nhóm nghiên cứu khác đưa ra kết luận tương tự như chúng tôi, thì việc kết hợp vaccine vector và mRNA nên được xem xét nghiêm túc”, Giáo sư Sester nêu ý kiến.

Các nghiên cứu mới cho thấy, việc kết hợp 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau không chỉ là giải pháp khẩn cấp mà kết quả còn ngoài mong đợi. Nhưng giới khoa học vẫn chưa có đủ thông tin để biết tại sao sự kết hợp vaccine có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch.