Giải pháp chống hàng lậu: Xử lý cửa hàng bày bán công khai

ANTĐ - Những tháng cuối năm, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trốn thuế, hàng lậu đang cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước bằng mức giá rẻ hơn nhiều lần.

Không thể thờ ơ với chất lượng hàng nhập lậu
(Ảnh minh họa)

Mua hàng lậu không khó

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay: “Ở đâu cũng có thể mua được hàng lậu, hàng kém chất lượng, từ các mặt hàng giá trị nhỏ như băng đĩa nhạc, đến giày dép, quần áo, điện thoại thông minh, xăng dầu rồi gỗ…. Đáng chú ý là người bán rất công khai mà rất hiếm khi bị xử lý”.

Trên thực tế, càng về cuối năm, việc kinh doanh hàng lậu lại càng nhộn nhịp. Tại nhiều tuyến phố như: Lê Văn Lương kéo dài, Hoàng Minh Giám, đường Láng… rất nhiều hàng giày dép không nhãn mác, chủ yếu là hàng Trung Quốc được bày bán. Tương tự, tại một số chợ lớn, được coi là “thủ phủ” của hàng lậu như chợ: Ninh Hiệp, Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, Đồng Xuân… các loại túi xách, giày dép, quần áo, thực phẩm, dụng cụ gia đình… phục vụ cho đủ mọi lứa tuổi, nhu cầu đều bày bán công khai, chưa kể đến một khối lượng hàng không nhỏ được phân phối bởi các gánh hàng rong, đến từng ngóc ngách của khu dân cư. 

Trốn thuế, hàng lậu đang có ưu thế về giá so với hàng sản xuất trong nước. Có thể so sánh, cùng một chiếc áo phao cho trẻ em 2 tuổi, nếu là hàng Made in Vietnam, giá bán sẽ từ 200.000 đồng/chiếc đến 350.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, áo phao dáng dài của Trung Quốc chỉ có giá 130.000 đồng/chiếc. Cùng với giá rẻ, màu sắc sặc sỡ, hoa văn nổi bật, kiểu dáng cầu kỳ và tính thời trang là các yếu tố khiến hàng lậu được không ít người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình trở xuống hay người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước.

Chặn ở đầu ra?

Chiếm 20% thị phần, thuốc lá là một trong những mặt hàng bị hàng lậu cạnh tranh khốc liệt nhất. Ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chia sẻ: “Thuốc lá không được khuyến khích sản xuất vì ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn phải sản xuất để phục vụ những người nghiện thuốc. Nếu không sản xuất, mỗi năm đất nước sẽ phải bỏ ra khoảng 5 tỷ USD để nhập khẩu thuốc lá. Còn nếu không nhập khẩu, thì buôn lậu thuốc lá lên đến 1 tỷ USD/năm”. Theo ông Vũ Văn Cường, với khoảng 1 tỷ bao thuốc lá lậu có mặt trên thị trường Việt Nam hiện nay (chiếm 20% thị phần), mỗi năm Nhà nước thất thu thuế trên 4.000 tỷ đồng. Thuốc lá sản xuất trong nước không thể cạnh tranh bởi thuốc lá lậu nghiễm nhiên trốn được khoản thuế tiêu thụ đặc biệt (65%) và thuế VAT (10%), đem lại siêu lợi nhuận cho đối tượng buôn lậu. Nếu Nhà nước càng tăng thuế suất thì lợi nhuận từ buôn lậu càng tăng, và thu ngân sách càng giảm vì sản xuất trong nước sẽ giảm.

Kiến nghị biện pháp phòng chống buôn lậu, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng: “Hiện nay nước ta đang “chống” từ đầu vào, ở các cửa khẩu, biên giới, nhưng biên giới của nước ta rất dài, nhiều lối mòn, ngăn chặn rất khó. Theo tôi, nên chặn ở đầu ra, tức là ở phía người bán lẻ, người mua. Mạnh tay xử lý các cửa hàng bày bán công khai, “đầu ra” giảm thì đầu vào tự khắc sẽ giảm”.

Một kẽ hở khác nữa là chính sách biên mậu đang cho phép cư dân biên giới được phép mang qua biên giới hàng trị giá không quá 2 triệu đồng/ngày nhưng cư dân lách bằng cách mượn chứng minh thư để “tải” hàng. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị thu hẹp số lượng mặt hàng cư dân được mang qua biên giới. Bên cạnh đó, thu mua hàng của cư dân biên giới cũng phải chịu thuế. “Nhưng quan trọng hơn, biện pháp căn cơ vẫn là phải tạo việc làm cho cư dân biên giới”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.