Giải Nobel 2012 - những điều thú vị

ANTĐ - Chủ nhân của các giải Nobel 2012 đã lần lượt được xướng tên. Giành giải Nobel là mơ ước của bất cứ nhà khoa học, nhà văn hay bất kỳ chính trị gia nào bởi giải thưởng là sự ghi nhận đóng góp quan trọng của họ cho sự tiến bộ, hòa bình và phát triển của nhân loại. Thế nhưng, khi nhận được thông báo đoạt giải, các chủ nhân không chỉ vui sướng mà còn có những cung bậc cảm xúc khá thú vị.

Nhà khoa học Serge Haroche (Pháp) và David J. Wineland (Mỹ) -  chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2012

Khó chịu vì bị quấy rầy lúc sáng sớm

Giải Nobel Vật lý năm 2012 thuộc về hai nhà khoa học Serge Haroche (Pháp) và David J. Wineland (Mỹ). Cuộc điện thoại ngày 9-10-2012 thông báo cho Giáo sư Serge Haroche việc ông nhận Nobel 2012 Vật lý khá thú vị. Vì khi đó, ông đang đi dạo phố với vợ. Giáo sư Haroche nói rằng suy nghĩ đầu tiên của ông là không hiểu ai ở Thụy Điển gọi cho mình. Và sau khi nhận cú điện thoại này ông mới biết được mình đã để lỡ gần 100 cuộc điện thoại chúc mừng của bạn bè. Ông cũng cho biết hết sức ngạc nhiên và thú vị vì được cùng đứng tên đoạt giải với Giáo sư Wineland, vì trước đó hai ông từng công bố các công trình độc lập và mang tính phản biện nhau.

Nobel Kinh tế 2012 được trao cho hai giáo sư kinh tế học Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley đều của nước Mỹ với nghiên cứu về “Lý thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường”. Giáo sư Alvin E. Roth nhận được cuộc điện thoại thông báo đoạt giải vào lúc sáng sớm khi ông vẫn chưa tỉnh ngủ. Nghe người của Ủy ban Nobel gọi điện ông còn tỏ vẻ hơi khó chịu vì bị quấy rầy lúc sáng sớm và khi nghe thông báo mình đã đoạt giải ông vẫn nói rằng còn sớm quá nên không thể có “phản ứng đàng hoàng” được.

Giáo sư Alvivin E.Roth sinh năm 1951, hiện giảng dạy môn Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tại Đại học Harvard (Mỹ). Ít ai biết rằng ban đầu ông không nghiên cứu về kinh tế học và học vị tiến sỹ của ông là về điều khiển học. 

Ngỡ ngàng vì nghĩ mình “còn quá trẻ”

Giải Nobel Hòa bình năm 2012 đã được trao cho Liên minh châu Âu (EU) vì “hơn sáu thập niên đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền tại châu Âu”. Dù là một chính khách nhiều kinh nghiệm, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso cũng khá bất ngờ khi được thông báo rằng Liên minh Châu Âu đã được trao giải Nobel Hòa bình 2012. Ông cũng thừa nhận rằng EU sẽ còn phải bàn bạc nhiều về việc lựa chọn người đại diện đến Oslo nhận giải gồm một giấy chứng nhận, một huy chương vàng và 8 triệu krona của Thụy Điển (1,2 triệu USD; 930.940 euro). Có một điều thú vị là Na Uy, quê hương của giải Nobel Hòa bình, lại không phải là thành viên của EU và 3/4 dân số của họ phản đối việc gia nhập liên minh này, theo một cuộc thăm dò gần đây. Theo tính toán vui, mỗi công dân của EU sẽ được chia 0,19 euro nếu giải thưởng được chia đều cho mỗi người.

Nhà văn Mạc Ngôn, 57 tuổi là công dân Trung Quốc đầu tiên được tặng giải Nobel Văn học. Dù từng được các giải thưởng như Mao Thuẫn của Trung Quốc và Man Asia tặng cho tác giả châu Á nhưng Mạc Ngôn khá bất ngờ khi ông được vinh danh. Xuất thân từ một gia đình nông dân tại làng Bình An Trang, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, nhà văn có tên thật là Quản Mạc Nghiệp nhưng lấy bút danh là Mạc Ngôn - nghĩa là “im lặng”. 

Khi được thông báo, ông nói  rằng ông rất vui mừng và cũng rất ngạc nhiên khi nghe tin mình được tặng giải Nobel Văn học 2012, vì theo ông có biết bao nhà văn xuất sắc trên thế giới đang xếp hàng cho giải này và không nghĩ một nhà văn “khá trẻ” như ông lại được tôn vinh như vậy. 

2 nhà kinh tế học Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley chia nhau giải Nobel kinh tế

Chủ nhân Nobel Y học từng là  học sinh đội sổ

Giáo sư John Gurdon, người chia sẻ giải Nobel Y học 2012 cùng giáo sư Shinya Yamanaka của Đại học Kyoto, Nhật Bản, là một nhân vật vô cùng đặc biệt. Hội đồng Nobel tại Thụy Điển tuyên bố John Gurdon đồng đoạt giải Nobel Y học nhờ phát hiện ra sự chuyên môn hóa của tế bào có thể bị đảo ngược.

Phát biểu tại London sau khi toàn thế giới biết tin ông đoạt giải Nobel Y học, giáo sư Gurdon năm nay 75 tuổi, nói rằng học bạ thời niên thiếu vẫn nằm trên bàn làm việc của ông tại Viện Gurdon ở Cambridge. 

Hồi cắp sách đến trường, cậu bé John Gurdon từng luôn đứng cuối cùng về điểm các môn khoa học. Với môn sinh học, cậu xếp ở vị trí đội sổ trong tổng số 250 học sinh nam và nhiều môn khoa học khác cũng vậy. Gurdon kể rằng khi ông 15 tuổi, trường ông thuê một chuyên gia phục chế của bảo tàng dạy môn sinh học cho những học sinh có học lực kém. Ông luôn nhớ lại việc, khi ông nói rằng yêu thích khoa học và muốn làm các thí nghiệm, thầy giáo môn sinh học đã chế nhạo ông. Nhưng ông nói rằng nhờ đó mình học được tính kiên nhẫn và khiêm tốn. “Các thí nghiệm không thu được kết quả là hiện tượng bình thường. Nhưng hồi ấy, cứ mỗi khi không thu được kết quả sau thí nghiệm, tôi lại nghĩ có lẽ thầy giáo đã nói đúng về năng lực của tôi”, Gurdon kể lại.

Ông đăng ký học về văn minh cổ đại ở trường Christ Church thuộc Đại học Oxford. Nhưng sau đó ông chuyển sang ngành Sinh học. Khi làm luận án tiến sĩ tại Đại học Oxford vào năm 1960, ông phát hiện ra rằng mọi tế bào trong cơ thể đều chứa các gene giống nhau. Đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng minh được giả thuyết này.