Công an Hà Nội:

Giải mã những lời mời ‘vay tiền nhanh trong 10 phút’, 'việc nhẹ lương cực cao’ trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, đặc biệt là các thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội quảng cáo cho vay tiền, lừa đảo qua ứng dụng di động (App) và giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng, Công ty tài chính...

Những “miếng phô mai” miễn phí

Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội phát hiện trên địa bàn thành phố, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh và xử lý.

Tôi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tinh vi trên không gian mạng

Tôi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tinh vi trên không gian mạng

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện và tiếp nhận nhiều tin báo, tố giác tội phạm của các cá nhân, tổ chức bị đối tượng sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cài đặt ứng dụng trên thiết bị di động (App), tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay ngân hàng (P2P lending) và giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi, cần được người dân nhận biết, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình. Trong đó, đáng lưu ý là một số thủ đoạn như: Gửi đường link cài ứng dụng cho vay tiền online; Mời tham gia trò chơi và các ứng dụng kiếm tiền online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Cụ thể, đối với hình thức gửi đường link cài ứng dụng cho vay tiền online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung như “Cho vay tiền nhanh, giải ngân trong 10 phút thủ tục đơn giản, lãi suất thấp” khi khách hàng có nhu cầu đối tượng gửi đường link để tải các ứng dụng như ứng dụng “Fiin Finance”, “Tín Việt”... để làm thủ tục vay. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại nộp trước một khoản phí làm thủ tục giải ngân mục đích để chiếm đoạt.

Lật mặt những kẻ lừa đảo

Một số vụ việc đã xảy ra như chị H (ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được điện thoại với nội dung hỗ trợ cho vay số tiền 400.000.000 đồng và yêu câu chị cài ứng dụng “Fiin Finance” từ website: jq888.cc. Sau khi chị H cài đặt ứng dụng và điền thông tin cá nhân, đối tượng cho biết đã giải ngân khoản vay, yêu cầu chị chuyển khoản trước một số tiền để làm thủ tục xử lý.

Nếu chị H không thực hiện, đối tượng sẽ gọi điện cho bố mẹ chị để đe dọa, khủng bố tinh thần. Do lo sợ chị H đã chuyển vào tài khoản ngân hàng cho đối tượng 530 triệu đồng.

Cũng sập bẫy lừa đảo như chị H, anh D (ở quận Long Biên, Hà Nội) nhận được điện thoại tự xưng tên là Tùng, làm việc tại Công ty Tín Việt hỏi anh D có nhu cầu vay vốn tín dụng không và gửi đường link để cài ứng dụng “Tín Việt” để được hướng dẫn vay tiền.

Sau đó, một đối tượng khác gọi điện tự xưng tên là Nguyễn Văn Nam làm tại ngân hàng Viettinbank để thẩm định khoản vay và đồng ý cho anh D vay 1,3 tỷ đồng với lãi xuất 0,5%/tháng.

Sau đó đối tượng hướng dẫn anh D vào ứng dụng “Tín Việt” để rút tiền, khi anh D thao tác để rút tiền về tài khoản ngân hàng thì nhận được thông báo lỗi không rút được, đối tượng yêu cầu anh D nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để tăng mức tín dụng thì mới rút được tiến về tài khoản nếu không sẽ khóa tài khoản. Tổng số tiền anh D đã chuyển cho đối tượng là 1,2 tỷ đồng.

Đối với thủ đoạn mời tham gia trò chơi và các ứng dụng kiếm tiền online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung như: “Việc làm tại nhà ổn định, ngày làm chỉ 2-3 tiếng là nhận được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng...", hay "chỉ cần ít vốn tải app về và ngồi đếm tiền...".

Các nhóm đối tượng này sẽ gửi đường link cho người tham gia tải và cài đặt các ứng dụng như: Huobi, VIETLOTTS, Shopping Mall, Tailoc888... nạp tiền một vài lần với số tiền nhỏ sau đó được chuyển lại tiền lời với lãi suất cao. Vì hám lợi, người tham gia sẽ tiếp tục nạp số tiền lớn hơn để thực hiện nhiệm vụ nhằm kiếm được khoản hoa hồng lớn hơn.

Lúc này, muốn chuyển được tiền về tài khoản ngân hàng của người tham gia thì phải nộp thêm tiền (tiền hoa hồng cho Công ty, tiền thuế thu nhập cá nhân...). Các đối tượng tìm mọi cách, mọi lý do để yêu cầu người tham gia chuyển thêm tiền, lúc này do tiếc khoản tiền trước đó đã nạp vào và hứa hẹn của các đối tượng người tham gia làm theo yêu cầu của các đối tượng, khi phát hiện ra mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì số tiền chuyển cho đối tượng đã là rất lớn.

Đối với hình thức giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng gửi tin nhắn SMS Brandname trùng với tên thương hiệu “VPBANK” và chèn tin nhắn vào trong luồng tin nhắn chính thức của VPBank, làm cho khách hàng nhầm tưởng đây là tin nhắn chính thức của ngân hàng VPBank.

Một số dạng lừa đảo giả danh ngân hàng

Một số dạng lừa đảo giả danh ngân hàng

Nội dung tin nhắn mang tính chất cảnh báo (trừ tiền, cảnh báo mất tiền, đóng tài khoản...), đề nghị khách hàng truy cập vào đường link như: Vpbank.tp-vip.xyz, Vpbank.vn-tp.top... để tránh hậu quả.

Một trong số các nội dung tin nhắn lừa đảo có dạng như sau: "Tài khoản của Quý khách vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ hằng tháng là 2.800.000 VND sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào vpbank.vn-tp.xyz để hủy". Sau khi khách hàng click vào đường link giả mạo, nhập thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập VPBank Online, mã OTP xác thực giao dịch đăng nhập, mã OTP kích hoạt tính năng Smart OTP; đối tượng đã chiếm quyền kiểm soát VPBank Online của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Công an Hà Nội hướng dẫn người dân xử lý khi gặp lừa đảo

Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, đặc biệt là các thủ đoạn: lợi dụng mạng xã hội quảng cáo cho vay tiền, lừa đảo qua ứng dụng di động (App) và giả mạo tin nhân thương hiệu (SMS Brandname) của các ngân hàng, Công ty tài chính...

Thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền rất lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.

CATP đã nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng số vụ việc có giảm nhưng vẫn có nhiều người do nhẹ dạ cả tin nên vẫn tham gia và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Người dân khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng thì không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn và có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn, phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuyệt đối không đăng nhập vào các website, đường link khi chưa xác thực, chú ý các cảnh báo độc hại do các trình duyệt thông báo. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai.

Không công khai các thông tin cá nhân như: số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng.

Người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.

Trường hợp bị chiếm đoạt tài sản cần liên hệ ngay với ngân hàng mở tài khoản của mình đề nghị phong tỏa tài khoản và trình báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo không tham gia các ứng dụng vay tiền online, kiếm tiền online để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia. Khi phát hiện các hình thức mời chào cho vay bất thường hoặc bị các đối tượng đe dọa, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý.