Giải mã những chiếc bánh Trung thu tiền triệu

ANTĐ - Đã có rất nhiều người băn khoăn thắc mắc đặt câu hỏi: “Tại sao lại có hộp bánh Trung thu lên đến  chục triệu đồng, trong cái bánh trung thu ấy có gì, có vàng, hay bạc mà đắt đến vậy?”. Ai sẽ mua loại bánh này? Tất nhiên là có người mua thì thị trường mới xuất hiện nhiều đến vậy.  Những loại bánh này đa phần phục vụ khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu biếu tặng. Vậy những loại bánh “chỉ mua biếu, không dám ăn” có khác gì các loại bánh bình dân?
Giải mã những chiếc bánh Trung thu tiền triệu ảnh 1

Trong bánh trung thu tiền triệu có những gì?

Không khó để tìm được nơi bán các loại bánh Trung thu tiền triệu. Bạn chỉ cần tìm đến sảnh những khách sạn, nhà hàng lớn như Daewoo, Sofitel, Metropole, Hilton, Long Đình… Theo khảo sát của chúng tôi, dòng bánh Trung thu cao cấp năm nay mẫu mã bao bì rất bắt mắt, thời trang, giá cả không nhỉnh hơn năm ngoái, thậm chí nhiều nhà hàng khách sạn còn tập trung nhiều hơn vào phân khúc bánh có giá trung bình, tức là khoảng dưới 1 triệu đồng. Những hộp bánh này thông thường chỉ có bánh các loại mà không có các sản phẩm đi kèm như rượu, chè... Bên cạnh đó, các sản phẩm bánh cao cấp có giá từ vài đến hơn chục triệu đồng vẫn được duy trì. 

Tại khách sạn Daewoo, hộp bánh Trung thu có giá rẻ nhất là 660.000 đồng, trong khi hộp đắt nhất có giá lên đến 13.600.000 ​đồng. Với hộp bánh giá khủng này, bên cạnh 6 chiếc bánh còn có trà và 1 chai rượu Macallan 18 (chai rượu có giá thông thường khoảng trên dưới 5 triệu đồng). Theo như quảng cáo của khách sạn thì tất cả các loại bánh Trung thu của Daewoo đều được làm thủ công với công thức truyền thống. Vỏ bánh được làm bởi nha đường, bột mỳ thượng hạng và tinh dầu lạc, rất mỏng và dẻo với độ dày khoảng 1,2 mm. Nhân bánh thơm ngon, dậy mùi với các hương vị như khoai môn, cốm, sen và hạt dẻ cùng lòng đỏ trứng muối…

Tại khách sạn Hà Nội cũng đang bày bán hộp bánh Trung thu giá 12,4 triệu đồng với tên gọi Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 30. Hộp bánh bao gồm 4 bánh Trung thu nhân sen trắng lòng đỏ trứng mặn và chai rượu Ballantine’s 30 (giá thị trường khoảng trên 5 triệu) được đựng trong hộp đỏ mở nắp dọc lót lụa của khách sạn. Với Sofitel Plaza, thay vì sử dụng rượu ngoại trong mỗi set bánh, hộp bánh trung thu với giá 5,9 triệu đồng/hộp của khách sạn này kèm theo biểu tượng mạ vàng 24k có ý nghĩa phong thủy và được giới thiệu là phù hợp trưng bày tại bàn làm việc.

Không chỉ các khách sạn, một số doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu như Kinh Đô, Long Đình cũng giới thiệu những hộp bánh trung thu dòng cao cấp có giá từ 3-4 triệu đồng. Ví như bánh trung thu Long Đình An Quý Ballatines 17 bao gồm 1 chai rượu Ballatines và 5 chiếc bánh nhỏ đựng trong hộp lót lụa vàng theo phong cách hoàng gia và được các đầu bếp của Trung Quốc, Hong Kong làm thủ công từng chiếc. Kinh Đô cũng bày bán set bánh Kim cương Trường Khang với giá 3 triệu đồng/hộp bao gồm 6 bánh nhân tự chọn và 1 hộp trà Ô Long. 

Dù giá trị nguyên liệu làm nên những chiếc bánh trung thu tiền triệu chưa hẳn là cao, nhưng nguyên nhân khiến giá thành bị đẩy lên đắt đỏ là do tất cả những hộp bánh này đều được làm thủ công từng chiếc bởi những đầu bếp hàng đầu của các khách sạn, cùng với đó hộp đựng bánh cũng được làm thủ công tinh xảo, sang trọng. Những sản phẩm này chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc những người có nhu cầu biếu, tặng “hạng sang”. Nhưng dù sao thì giá một hộp bánh lên tới cả chục triệu đồng cũng cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của nó.

Giải mã những chiếc bánh Trung thu tiền triệu ảnh 2

Tự làm bánh trung thu, giá chỉ 30.000 đồng/ chiếc

Không đủ tiền mua những chiếc bánh cao cấp, không mấy tin tưởng vào những chiếc bánh rẻ tiền, và hơn hết là mong muốn tự tay mình làm được những chiếc bánh trung thu bằng phương pháp thủ công, vừa đẹp về mẫu mã, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều bà nội trợ đã rủ nhau tự đi học làm bánh. Chị Nguyễn Thị Thu Nga (Ngã Tư Sở, Hà Nội) vốn là một nhân viên văn phòng nhưng chị đã yêu thích và thành thạo công việc làm bánh trung thu từ lâu. Gần chục năm nay, hầu như năm nào chị cũng tự làm bánh để biếu tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu học làm bánh, mới đầu chị chỉ truyền đạt kinh nghiệm cho bạn bè cùng sở thích. Hai năm nay, chị đã mở các lớp dạy làm bánh tại nhà, không chỉ bánh trung thu mà còn một số loại bánh khác như bánh gato… Từ khoảng tháng 6, những lớp học của chị rất đông người đăng ký học, khiến chị phải tranh thủ dạy cả buổi tối. 

Không chỉ những lớp học nhỏ lẻ có giá khoảng 500.000-700.000 đồng mỗi khóa học mà nhiều trung tâm dạy nấu ăn, nhiều đầu bếp cũng mở những lớp dạy làm bánh trung thu cách đây cả vài ba tháng, học phí dao động 1-2 triệu đồng/ khóa học. Chị Phạm Thu Hà (Định Công, Hoàng Mai) mấy hôm nay trưa nào cũng tranh thủ qua một trung tâm ở Trung Hòa, Nhân Chính học làm bánh trung thu. Chị Hà chia sẻ: “Năm ngoái mình đã học sơ qua từ một chị bạn, mình cũng làm được một số loại bánh đơn giản để ăn và đi biếu tặng người thân, bạn bè, mọi người rất thích. Vì vậy năm nay mình quyết định đăng ký học ở trung tâm để có thể làm được nhiều loại bánh hơn, quen tay hơn. Hơn nữa bánh mình tự làm có thể gia giảm cho hợp khẩu vị, không quá ngọt và không chất bảo quản nên chỉ ăn trong vòng 3-4 ngày, để lâu là bị hỏng”.

Tự làm bánh trung thu  vừa yên tâm về chất lượng, giá thành lại rẻ. Chị Hà cho biết để có được những mẻ bánh trung thu chị chỉ cần một chiếc lò nướng giá vài triệu đồng và một bộ khuôn là có thể làm ra những chiếc bánh chất lượng. Nguyên liệu đa phần chị cố gắng tự làm hoặc chọn những loại đảm bảo như bột mì, hạt sen, đỗ xanh, thịt mỡ, lạp xường, thậm chí chị còn tự làm trứng muối trước đó nhiều tháng. Như thế, chi phí cho mỗi chiếc bánh cũng chỉ 20.000-30.000 đồng.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều chị em cũng tận dụng thời điểm này để bán các loại bánh trung thu “handmade”, giá cũng chỉ dao động 35.000-45.000 đồng/ chiếc, được khá nhiều người lựa chọn. 

Có thể nói nếu so sánh bánh trung thu tiền triệu với bánh trung thu giá vài chục nghìn thì cũng khập khiễng, bởi những chiếc bánh đắt tiền nguyên liệu có khi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chi phí. Bên cạnh đó còn là các chi phí như markerting, bán hàng, chi phí cho hình thức, thương hiệu... Và quan trọng, bánh trung thu bây giờ đâu phải chỉ để đám trẻ con “phá cỗ trông trăng”. Cứ nhìn vào những chiếc bánh đắt tiền thì thấy, nó dường như được chế biến dành cho người lớn là chính, mà cũng chẳng để phục vụ nhu cầu “thưởng thức”, mà chú trọng vào việc mua để “biếu xén”. Thế nên người mua thì không dám ăn, mà người ăn thì không có mua. Những chiếc bánh, vì thế có thể giá bán sau khi chiết khấu thấp hơn nhiều, nhưng vẫn phải niêm yết giá cao để những người được biếu, tặng còn... biết giá trị món quà.

Cẩn thận nguyên liệu Trung Quốc

Mới đây nhất ngày 8-9, khi kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồ làm bánh số 164 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phát hiện gần 100kg nhân bánh cùng hương liệu dùng để sản xuất bánh Trung thu đựng trong túi nilon hút chân không, không có nhãn mác. Theo khai nhận của chủ cửa hàng, toàn bộ số nhân bánh và hương liệu gồm các vị trà xanh, đậu đỏ, đậu xanh, socola chip đen, socola chip vàng... đều được thu gom trôi nổi trên thị trường, sau đó bán cho những ​hộ làm bánh Trung thu nhỏ lẻ.

Trước đó cuối tháng 8, Đội Quản lý thị trường số 11 Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát Môi trường và Công an quận Tây Hồ đã thu giữ 2 tấn nhân bánh không rõ xuất xứ. Số nhân bánh này được đóng trong các bịch nilon đã hút chân không gồm nhiều loại như cốm, đậu đỏ, đậu xanh… Lực lượng chức năng cũng thu giữ 50.000 quả trứng muối, nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Nhân bánh đựng trong các thùng c​arton bên ngoài có in chữ Trung Quốc và sẽ được bán cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hoặc gia công. Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng 6 Cục CS Môi trường đã kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu tại 83 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, thu giữ 1.000 kg nhân bánh trung thu Trung Quốc không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Đến thời điểm này, gần 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu bánh trung thu đã bị kiểm tra và hầu hết vi phạm những quy đinh ATVSTP. Câu hỏi là những nguyên liệu này sẽ đi về đâu nếu không bị bắt giữ, và còn bao nhiêu tấn nguyên liệu như vậy nữa vẫn đang trôi nổi trên thị trường. Các cơ quan chức năng khuyến cáo rất nhiều cơ sở làm bánh trung thu thủ công không đăng ký kinh doanh chính là nơi tiêu thụ các sản phẩm nguyên liệu không rõ nguồn gốc này, vì vậy người dân khi mua bánh cần kiểm tra tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thời hạn sử dụng. Đặc biệt nếu tự làm bánh ở nhà thì phải tìm mua những nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận đảm bảo VSATTP. Và không biết những tấn nhân bánh nhập lậu từ Trung Quốc đang được bán tràn lan trên thị trường kia có “chui”  được vào những chiếc bánh tiền triệu?