Giải mã những biến động của thị trường vàng

ANTĐ - Trong nhiều cơn điên loạn tại thời điểm này trên thế giới, giá vàng đang điên loạn nhất. Mọi lý do đều không thể giải thích được sự lên xuống của giá vàng, thậm chí nó còn tuột khỏi tay các đại gia vốn có năng lực khống chế bởi khả năng tài chính và cả nhu cầu khổng lồ về vàng như Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc. 
Giải mã những biến động của thị trường vàng ảnh 1

Vào năm 2009, khi Trung Quốc công bố khối lượng vàng dự trữ của họ chỉ có 1.050 tấn, trong khi họ đang là chủ nợ lớn trên thế giới và có tới hàng ngàn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Cũng năm đó và trong một vài năm sau, những tuyên bố úp mở của họ cho thấy họ đang tăng khối lượng vàng dự trữ. Thậm chí vào tháng 7-2011, những cố vấn quan trọng nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn tiết lộ với trang mạng IPSNews rằng Trung Quốc đang có kế hoạch tăng dự trữ vàng quốc gia lên con số 8.000 tấn.

Dĩ nhiên, không mấy ai tin vào kế hoạch khổng lồ đó, nhưng cũng không ai tin Trung Quốc không tăng dự trữ vàng quốc gia. Thậm chí chỉ mới cách đây vài tháng, Bloomberg, hãng tin tài chính uy tín bậc nhất thế giới đã ước tính dự trữ vàng của Trung Quốc vào khoảng 3.500  đến 4.000 tấn, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2009. Phía Trung Quốc lặng im và từ đó đến vài ngày trước, Trung Quốc không hề công bố số lượng vàng dự trữ của mình.

Đánh đùng một cái, ngày 17-7 vừa qua, Trung Quốc đã chấm dứt 6 năm “im lặng” về mức dự trữ vàng của nước này, chính thức công bố mức dự trữ vàng của họ chỉ có 1.658 tấn, thấp hơn quá nhiều so với dự đoán của các chuyên gia về vàng trên thế giới. Như vậy, sẽ có một khối lượng vàng lớn ra ngoài mọi dự tính và chưa xác định được lưu lạc ở đâu trên thị trường thế giới. Thêm một đòn đánh mạnh vào giá vàng. 

Giá vàng trên thị trường thế giới dao động theo hướng giảm 

Ngày 22-7, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đang có biên độ giảm 2 USD, giao dịch ở mức 1.099,4 USD/ounce. Sang phiên giao dịch ngày 23-7, giá vàng giao ngay đã giảm 0,7% xuống còn 1.093,60 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 giảm 1% giao dịch tại 1.092,60 USD/ounce, đánh dấu phiên thứ 10 liên tiếp rớt giá. Trước đó, ngày 21-7, đóng cửa phiên giao dịch giá vàng giao tháng 8 hạ 4,1 USD, còn 1.102,7 USD/ounce; giá vàng giao ngay còn 1.105,6 USD/ounce so với mức 1.108 USD/ounce.

Như vậy, sau khi xuống đáy 5 năm do nhu cầu vàng giảm và đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất, giá vàng hồi phục nhẹ, nhưng ngay sau đó, giá vàng lại tiếp tục con đường xuống vực. Phiên 21-7, giá đã giảm đến trên 3%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2013 bởi lực bán tháo của nhà đầu tư. Theo quan sát từ thị trường, giới đầu tư cho biết họ không có nhiều lý do để mua vàng với tư cách tài sản trú ẩn an toàn trong thời điểm hiện nay.

Sự sụt giảm tính hấp dẫn của vàng còn được phản ánh rõ hơn khi lượng vàng dự trữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2008. Giới thương nhân vẫn cảm thấy bất an do thị trường Trung Quốc tiếp tục xuất hiện tình trạng bán tháo. Vào phiên giao dịch hôm thứ hai, 20-7, chỉ trong vòng 2 phút, khoảng 33 tấn vàng tại Thượng Hải và New York, trị giá 1,3 tỷ USD đã được trao tay với giá rất rẻ.

Và theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục xả hàng mặc dù các chuyên gia ngân hàng Trung Quốc đang úp mở về khả năng mua vào để tăng dự trữ vàng. Nhưng nhiều thương gia lại tin điều ngược lại, họ đang tung hỏa mù để tiếp tục bán tháo dự trữ và đó sẽ là đòn quyết định đánh sụp giá vàng.

Ở một khía cạnh khác, ngoài nguyên nhân từ hoạt động bán vàng dừng lỗ của các nhà đầu tư, giá vàng còn đang đương đầu áp lực giảm từ đồng USD mạnh. Đồng bạc xanh đang tăng giá nhanh do giới đầu tư bán ra các loại hàng hóa cơ bản, trong đó có vàng để mua vào đồng tiền này, đón đầu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong năm nay.

Đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của FED trong gần 1 thập kỷ qua. Trong tuần qua, đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất trong gần 3 tháng so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Trên thị trường vàng vật chất, nhu cầu tiêu thụ tại hai thị trường lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc hiện đều ở mức thấp.

Lâu nay, vàng được xem như sự bảo hiểm trước những nguy cơ như lạm phát, đồng USD yếu và biến động chính trị. Nhưng không như những tài sản khác, vàng không mang lại thu nhập trong khi lưu trữ nó lại tốn phí. Thêm vào đó, một số diễn biến tích cực trên chính trường thế giới mới đây, từ thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp cho đến đột phá về vấn đề hạt nhân Iran, lại là tin “xấu” với vàng.

Một yếu tố khác là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và không có nhiều dấu hiệu quay lại thời hoàng kim và như vậy, nhu cầu vàng của Trung Quốc cũng như nhiều nước phương Đông vốn là thị trường vàng vật chất truyền thống sẽ giảm mạnh. Giá vàng khó phục hồi. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng sẽ giảm xuống dưới 1.000USD/ounce.

Giải mã những biến động của thị trường vàng ảnh 2

Giá vàng trong nước diễn biến phức tạp hơn, sàn vàng ảo sụp đổ

Cho đến chiều ngày 23-7, giá vàng trên thị trường trong nước đã giảm thêm 100.000đ/lượng, xuống mức 32.900.000đ/lượng, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn cao hơn trên 4 triệu đồng/lượng. Như vậy những người mua đón đáy ngày 21, 22-7 lại tiếp tục lỗ. Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đã có một sóng mua vào của các nhà đầu tư nhỏ vào những ngày vừa qua với hy vọng vàng đã xuống đáy và sẽ lên. Nhiều doanh nghiệp vàng đã có doanh thu bán ra tăng tơi 30% đến 40%. Có nghĩa hàng nghìn người sẽ tiếp tục thua lỗ khi đánh đu với vàng. 

Tuy nhiên, thảm họa của đợt giá vàng lao dốc này lại là các sàn vàng ảo. Theo dõi trên thị trường TP Hồ Chí Minh, các sàn vàng ảo đang rơi vào tình trạng ảm đạm, thê thảm. Trên sàn giao dịch tại các sàn vàng “ảo” không còn cảnh kẹt cứng như trước. Những sàn vàng đình đám tại TP.HCM như IMMS, Forex, FX3a, Phương Nam, vàng Việt... nay cũng chỉ có lác đác vài khách đầu tư.

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vàng ảo ảm đạm và có thể phá sản như hiện nay như việc giá vàng thời gian qua biến động theo chiều hướng giảm mạnh và sẽ tiếp tục giảm nên không nhà đầu tư nào dại dột để đầu tư vào lúc này. Bên cạnh đó, Nhà nước đã siết chặt hơn việc quản lý các sàng vàng chui nên khách hàng cũng rút vốn đầu tư để tránh tình trạng mất cả chì lẫn chài. Khảo sát thực tế nhiều sàn vàng “ảo” ở TP.HCM tại khu vực chợ Bến Thành, Chợ Lớn, quận 7, đường 3/2 (quận 10) hầu hết các sàn đều đã đóng cửa.

Một số sàn đang hoạt động cũng không còn đăng tuyển, chiêu mộ khách hàng rầm rộ như trước mà đi vào hoạt động “chui”. Tại sàn vàng P.N ngày xưa với hàng trăm nhân viên sale và nhân viên điều giá nay cũng chỉ còn vài người điều hành trong một căn phòng rộng chưa tới 20m2 tại quận 7. Quan trọng hơn cả, đang có một cơn sóng các nhà đầu tư tất toán tài khoản rút tiền về và như vậy, các sàn ảo sẽ sớm phá sản hàng loạt. Và lúc đó hậu quả với các nhà đầu tư vàng ảo, đầu tư vốn cho các sàn vàng sẽ cực kỳ đau đớn. Một cơn sóng như vậy rất có thể diễn ra trong nay mai, khi các sàn ảo mất khả năng thanh toán. 

Vàng xuống giá và hệ lụy của nó sẽ tăng cao, chủ yếu với những kẻ tham lam.