Giải mã nguồn cơn của làn sóng biểu tình, bạo loạn lan tràn khắp nước Mỹ

ANTD.VN - Nước Mỹ đã từng trải qua không ít cuộc biểu tình chống bạo lực và sự phân biệt chủng tộc, nhưng lần này các cuộc biểu tình lại biến thành bạo động ở quy mô lớn và không biết bao giờ mới hạ nhiệt. Vậy nguyên nhân của nó có gì đặc biệt?

Đã gần 2 tuần, người Mỹ ở các thành phố lớn liên tục xuống đường tuần hành, bất chấp bị cảnh sát tấn công, phun hơi cay, bị bắt giữ trong khi đại dịch chết người vẫn rình rập. Yêu cầu của họ đơn giản là chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát.

Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình có động cơ tương tự, nổi tiếng nhất là phong trào dân quyền trong thập niên 1960. Đôi khi, người ta có một cảm giác rằng những làn sóng đó đem lại sự cải thiện trong một thời gian ngắn, trong khi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc là một quá trình dài hạn. Nhưng lần này, phong trào phản kháng dường như muốn có sự thay đổi ngay lập tức. 

Giải mã nguồn cơn của làn sóng biểu tình, bạo loạn lan tràn khắp nước Mỹ ảnh 1Cái chết của người đàn ông da màu như “giọt nước tràn ly” khiến biểu tình lan tràn tại Mỹ đúng thời điểm “nhạy cảm”

Nguồn gốc của cơn thịnh nộ

Biểu tình bùng phát từ sự việc xảy ra hôm 25-5 khi viên cảnh sát da trắng đè lên cổ người đàn ông da màu 45 tuổi George Floyd ở Minnesota trong hơn 8 phút làm nạn nhân tử vong. Những câu cuối cùng của Floyd thốt lên “Tôi không thể thở” là điều mà người biểu tình luôn muốn người Mỹ phải suy nghĩ.

Dĩ nhiên, sự việc xảy ra ở một thời điểm khá đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 100.000 người đồng thời gây thiệt hại kinh tế cho hàng chục triệu người. Đại dịch cũng khiến sự bất bình đẳng chủng tộc rộng lớn hơn. Khoảng 13% dân số Mỹ là người Mỹ gốc Phi, nhưng theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 22% số người mắc Covid-19 và 23% những người đã chết vì nó là người da đen. Chưa kể, khoảng 44% người Mỹ gốc Phi nói rằng họ đã mất việc hoặc thu nhập gia đình giảm. 73% nói rằng họ thiếu một quỹ khẩn cấp để trang trải chi phí. 

Vô vàn nỗi lo ập đến, từ bệnh tật, thất nghiệp, ô nhiễm không khí và nước, tiếp cận giáo dục không đồng đều đến nỗi sợ hãi vì bệnh dịch bí ẩn vẫn chưa được kiểm soát khiến những người Mỹ ở tầng lớp đáy xã hội cảm thấy cuộc sống mong manh. Dường như họ đã chịu đựng quá mức nên chỉ cần một đốm lửa nhen lên là cơn thịnh nộ bùng phát. Trong 2,5 tháng nước Mỹ đã bị tê liệt bởi bệnh dịch, đường phố vắng tanh. Bây giờ năng lượng dồn nén, lo lắng và giận dữ đã tràn ra. Những người biểu tình nhận thấy cần đấu tranh chống lại những bất công và những điều không chịu thay đổi. Cốt lõi của cơn thịnh nộ là nỗi sợ hãi chính đáng của những người Mỹ da màu. Họ cảm giác rằng có thể bị giết bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, bởi bất cứ ai, thậm chí ngay cả bởi cơ quan thực thi pháp luật. “Dù sao thì hoặc Covid-19, hoặc kinh tế, hoặc cảnh sát đang giết mòn chúng tôi” - Priscilla Borkor, một nhân viên xã hội 31 tuổi tham gia biểu tình ở Brooklyn hôm 29-5 nhận định.

Phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm Floyd ở Minneapolis ngày 4-6, nhà vận động dân quyền kỳ cựu Al Sharpton nói cái chết của Flyod là ẩn dụ cho hàng thế kỷ phân biệt đối xử có hệ thống tại Mỹ. Ồng nhấn mạnh: “Điều diễn ra với Floyd cũng đang diễn ra hàng ngày ở đất nước này, trong giáo dục, trong y tế, và trong mọi khía cạnh cuộc sống. Lý do chúng tôi không thể trở thành người mà chúng tôi mong muốn là vì các bạn ghì gối lên cổ chúng tôi”.

Tổng thống đổ thêm dầu vào lửa?

Đã từ lâu, người Mỹ đều mong muốn các chính sách lâu dài được thực thi nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng, tất cả mọi người có thể sống một cách an toàn mà không gặp phải sự sợ hãi đang hiện hữu. Nhưng các chính sách của Tổng thống Donald Trump đã khiến Mỹ rời xa hơn những mục tiêu này. Thậm chí, nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ đang bị chỉ trích về những động thái làm chia rẽ thêm.

Thay vì nỗ lực gặp trực tiếp hoặc hiểu yêu cầu của người biểu tình, Tổng thống Trump đã cáo buộc họ là những phường trộm cướp, tăng cường triển khai Vệ binh quốc gia và kêu gọi mọi người tuân thủ luật pháp. Ông còn ca ngợi lực lượng thực thi pháp luật đang sử dụng các chiến thuật cứng rắn nhất và cảnh báo người nào tới gần Nhà Trắng sẽ đối mặt với chó nghiệp vụ và vũ khí. Nhưng có lẽ ví dụ rõ nhất về cách xử trí không được lòng dân của ông chủ Nhà Trắng là cuộc trò chuyện trên điện thoại giữa ông với anh trai nạn nhân Philonise Floyd.

Philonise Floyd kể với MSNBC: “Ông ấy thậm chí không cho tôi cơ hội để nói. Thật khó. Tôi đã cố nói chuyện với ông ấy nhưng ông cứ nói, như thể  đẩy tôi ra, kiểu như “Tôi không muốn nghe điều anh muốn nói”. Đó là điều mà người biểu tình nhận ra rằng các chính trị gia, những người nắm quyền lực không nhìn thấy vấn đề và không muốn nghe họ. 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lên tiếng chỉ trích: “Donald Trump là Tổng thống đầu tiên mà tôi thấy trong cuộc đời mình không cố gắng đoàn kết người dân Mỹ. Ông ấy thậm chí còn không giả vờ cố gắng. Thay vào đó, ông ấy cố chia rẽ chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của 3 năm nỗ lực có chủ ý này”.

Giải mã nguồn cơn của làn sóng biểu tình, bạo loạn lan tràn khắp nước Mỹ ảnh 2Cảnh sát Minneapolis bắt giữ người biểu tình quá khích đòi công lý cho George Floyd

Bao giờ biểu tình mới chấm dứt?

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao quy mô và mức độ của các cuộc biểu tình này không chậm lại như thường thấy? Trong làn sóng biểu tình năm 2014 ở Ferguson, tình trạng bất ổn đã lắng xuống khi gia đình nạn nhân Michael Brown đề nghị mọi người không phản kháng vào ngày làm đám tang cho ông. Tại Baltimore, các cuộc biểu tình đã tan biến vào năm 2015 khi các sĩ quan cảnh sát liên quan đến cái chết của Freddie Gray bị truy tố.

Trong khi đó, sau khi cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin bị buộc tội giết Goerge Floyd thì phong trào biểu tình vẫn lan tràn tới hơn 100 thành phố. Thực tế, chỉ vài giờ sau khi tội danh của Derek Chauvin được công bố, người dân ở các thành phố từ Atlanta đến Chicago hay San Diego vẫn xuống đường. Cuối tuần qua, mặc dù gần 20% công dân Mỹ phải tuân thủ lệnh giới nghiêm, nhưng mọi người vẫn không chấp hành đúng quy định.

Những cuộc biểu tình xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các thị trấn và làng mạc trên cả nước Mỹ, kể cả những thành phố không đông người da màu như Normal (bang Illinois), Laramie (bang Wyoming), Naples (bang Florida) hay Bend (bang Oregon). Những cuộc biểu tình này nhắc nhở rằng, phân biệt chủng tộc là khiếm khuyết của xã hội Mỹ và mọi người bất kể sắc tộc nào cũng muốn có sự thay đổi.

Dù đã phát biểu tại nhiều đám tang của người da màu thiệt mạng dưới tay cảnh sát da trắng, ông Al Sharpton cho biết cảm thấy “tràn đầy hy vọng hơn bao giờ hết”, rằng thay đổi thực sự đang đến. “Khi nhìn thấy những người biểu tình, có lúc những người trẻ tuổi da trắng còn đông hơn cả người da màu, tôi biết rằng lần này sẽ khác. Nước Mỹ, đã đến lúc đối mặt với trách nhiệm trong hệ thống tư pháp hình sự” - ông nói.

Nếu không có thay đổi nào xảy ra, liệu làn sóng biểu tình có được duy trì, hay chúng sẽ tan biến trong vài tuần tới, hoặc thậm chí vài ngày tới? Một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc biểu tình lần này là lên án sự tàn bạo của cảnh sát. Tuy nhiên ở nhiều nơi, Cảnh sát và Vệ binh quốc gia với sự trợ giúp của các thiết bị quân sự đã khiến những người biểu tình phải đổ máu.

Đối đầu trực tiếp với những gì người biểu tình đang phản đối dường như sẽ là lý do để hoạt động xuống đường còn tiếp tục. Mặc dù vậy, cũng có nơi biểu tình đã kết thúc trong hòa bình khi chính quyền và lực lượng chấp pháp đứng về phía họ chống lại bất công, bạo lực và phân biệt sắc tộc. Vì thế, làn sóng biểu tình hiện nay có thể chấm dứt hay không phụ thuộc vào cách thức ứng phó của nhà chức trách với người biểu tình và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ được tháo gỡ đến đâu.

“Trong năm tồi tệ và mệt mỏi này, các cuộc bạo loạn trên toàn quốc nổ ra đúng lúc dịch bệnh đã giết chết hơn 100.000 người, cứ 4 người Mỹ thì 1 người đã nghỉ việc, một Tổng thống đe dọa sẽ điều quân trấn áp công dân, liệu có thể chịu đựng thêm bao nhiêu nữa?” - bài viết của TIME đặt vấn đề.