“Giải mã” dịch Covid-19 giảm “một cách khó hiểu” ở Nhật Bản và châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc dịch bệnh Covid-19 suy giảm tới mức “khó hiểu” ở Nhật Bản, châu Phi và cả tâm dịch của thế giới một thời là Ấn Độ, đang khiến giới chuyên môn hết sức quan tâm tìm hiểu để qua đó đưa ra giải pháp ứng phó.
Đâu là những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 giảm mạnh ở Nhật Bản hay châu Phi và Ấn Độ đang tiếp tục được nghiên cứu để có thể đề ra giải pháp ứng phó với đại dịch này.

Đâu là những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 giảm mạnh ở Nhật Bản hay châu Phi và Ấn Độ đang tiếp tục được nghiên cứu để có thể đề ra giải pháp ứng phó với đại dịch này.

Bất ngờ đến từ Nhật Bản, châu Phi, Ấn Độ

Số liệu thống kê những ngày gần đây ở Nhật Bản cho thấy, số trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày đều ở mức trên dưới 200 ca, trong đó ngày 17-11 ghi nhận 199 ca. Trước đó, khi Thế vận hội Olympic mùa hè kết thúc, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Nhật Bản liên tục gia tăng và đạt đỉnh với hơn 26.000 ca/ngày vào giữa tháng 8, song sau đó liên tục giảm nhanh theo chiều thẳng đứng. Thậm chí số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản giảm nhanh tới mức gây ngạc nhiên khi xuống dưới 5.000 ca/ngày vào giữa tháng 9-2021 và giữ ổn định ở mức trên dưới 200 ca mỗi ngày từ cuối tháng 10 tới nay. Đặc biệt, ngày 7-11, lần đầu tiên trong 15 tháng, nước này không ghi nhận ca tử vong nào và điều này duy trì tới bây giờ. Đáng chú ý là số mắc Covid-19 ở Nhật Bản giảm nhanh và giữ ổn định dù nước này chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế lúc đỉnh dịch rồi nới lỏng sau đó. Các nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng cũng đã mở cửa đông đúc trở lại.

Tương tự Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 cũng giảm “một cách khó hiểu” ở châu Phi, nơi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng lo ngại hàng triệu sinh mạng có thể bị đại dịch cướp đi. Ngay sau khi những cảnh báo về đợt lây nhiễm mới càn quét qua lục điạ đen được phát đi vào cuối tháng 7 với tổng số ca mắc Covid-19 là 6,4 triệu người thì dịch đã suy giảm trông thấy ở châu Phi. Tính tới thời điểm đỉnh dịch, ước tính đã có hơn 89.000 người dân châu Phi tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, giới chức châu Phi hiện không báo cáo lượng lớn ca tử vong vì Covid-19 nữa, dù họ thừa nhận hệ thống dữ liệu có thể có lỗ hổng. Theo WHO, số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số tử vong toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Tại Ấn Độ, quốc gia là tâm dịch một thời này cũng chỉ ghi nhận thêm 7.579 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 23-11, mức thấp nhất trong 1,5 năm qua (chính xác là 543 ngày). Ấn Độ đến nay đã ghi nhận tổng cộng 34,5 triệu ca mắc Covid-19, mức cao thứ 2 thế giới sau Mỹ; tổng số ca tử vong do Covid-19 cũng đã lên tới 466.147 trường hợp. Thế nhưng, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày tại Ấn Độ liên tục giảm, mặc dù vài tuần gần đây đã diễn ra nhiều sự kiện lớn tập trung đông người tại nước này. Trong các dịp lễ Durga Puja vào tháng 10 và Lễ hội Ánh sáng trong tháng 11, hàng triệu người đổ xô đi mua sắm, tụ họp gia đình và phần lớn không đeo khẩu trang. Hiện tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ người dân hầu như không đeo khẩu trang.

Biến thể Delta “tự diệt trừ chính nó”?

Việc dịch Covid-19 giảm rất nhanh ở Nhật Bản, châu Phi và Ấn Độ trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang phải oằn mình chống chọi làn sóng dịch mới đã gây chú ý, quan tâm trên toàn thế giới, đặc biệt là giới chuyên môn. Câu trả lời cho nguyên nhân dịch suy giảm bất thường này được cho là rất hữu ích trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu.

Điều mà giới chuyên môn đưa ra đầu tiên là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao tại Nhật Bản, đã đạt tới mức 75% số dân tiêm đủ 2 liều vaccine. Đó cũng là nguyên nhân được xét tới tại Ấn Độ khi tính tới nay đã có tới 81% trong tổng số 944 triệu dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 43% đã tiêm 2 mũi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vaccine lại không phải là nhân tố giúp kéo giảm dịch Covid-19 tại châu Phi. Tới nay, châu Phi là lục địa có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp nhất thế giới, chỉ có khoảng 6% trong tổng số hơn 1,3 tỷ dân được tiêm chủng. Nếu cho rằng số người mắc Covid-19 giảm là do tỷ lệ tiêm vaccine cao thì xem ra không đúng với trường hợp một số quốc gia châu Âu hiện nay. Các quốc gia như Đức, Pháp, Áo, Anh… dù có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 rất cao nhưng đều đã lên tiếng lo ngại về đợt lây nhiễm mới. Có nước đã phải áp dụng trở lại (hoặc tính tới việc áp dụng trở lại) các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch Covid-19.

Một nhân tố tại Nhật Bản cũng được giới chuyên môn đề cập tới là thói quen đeo khẩu trang của người dân nước này. Ngay cả trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, người Nhật đã có tiếng trên thế giới về thói quen bảo vệ sức khỏe bản thân này và việc đeo khẩu trang lại càng phổ biến hơn kể từ khi có dịch. Trong khi các nguyên nhân nêu trên chưa đủ sức thuyết phục để lý giải cho sự suy giảm đáng ngạc nhiên của dịch tại Nhật Bản, châu Phi và Ấn Độ, giới chuyên môn đã xem xét tới yếu tố liên quan đến người dân, điều kiện sinh sống. Một số nhà nghiên cứu cho biết, dân số trẻ của châu Phi (độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu) cùng với tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn, có thể đã giúp người dân châu Phi tránh được những tác động chết chóc của virus SARS-CoV-2.

Một nguyên nhân đang được giới chuyên môn rất quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu là biến thể Delta có khả năng đã “tự diệt” ở Nhật Bản. Ông Ituro Inoue, chuyên gia di truyền học tại Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản, cho rằng biến thể Delta “leo lên vị trí thống trị rồi tự diệt trừ chính nó”. Tiến hành nghiên cứu các đột biến của SARS-CoV-2, ông Ituro Inoue và các đồng nghiệp nhận thấy, các virus RNA, bao gồm virus SARS-CoV-2, có tỷ lệ đột biến rất cao, giúp chúng nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của môi trường. Nhưng cũng có trường hợp các đột biến xấu chồng chất sẽ gây ra sự tuyệt chủng của một dòng biến thể. Ông cho biết, biến thể Delta ở Nhật Bản dễ lây truyền đến mức có thể nhanh chóng leo lên ngôi thống trị, nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau, virus có thể đã bị lỗi và không thể tự tạo ra các bản sao của chính nó.

Đâu là những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 giảm mạnh ở Nhật Bản hay châu Phi và Ấn Độ đang tiếp tục được nghiên cứu để có thể đề ra giải pháp ứng phó với đại dịch này. Cho dù nguyên nhân chính xác là gì thì vẫn còn rất nhiều điều bí hiểm về virus SARS-CoV-2 và quá trình tiến hóa đầy bất ngờ của chúng mà con người hiện chưa biết hết. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn cần sử dụng mọi công cụ để phòng chống dịch, từ các biện pháp như “5K” cho đến vaccine, thuốc điều trị, giải pháp công nghệ…