Giải mã bí ẩn trong kế hoạch đóng tàu sân bay Trung Quốc

ANTĐ - Gần đây, ông Vương Dân, bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh đã đề cập đến việc đóng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc tại Đại Liên và khả năng hoàn thành sau 6 năm. Điều này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận quốc tế. 

Trung Quốc đang khởi đóng đồng loạt 2 tàu sân bay?

Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga nhận định, chưa rõ điều gì đã thúc đẩy ông Vương Dân thực hiện tuyên bố, cũng như liệu ông có thống nhất trước với lãnh đạo và các cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước. Có thể vị quan chức này đã tiết lộ trước thời gian, khi ông muốn nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp của tỉnh trong một dự án trọng điểm tầm quốc gia.

Hiện nay, nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã đồng thời bắt đầu đóng hai tàu sân bay trong năm 2013. Một chiếc được ông Vương Dân nhắc đến ở Đại Liên, chiếc thứ hai đang thi công tại Thượng Hải, nhưng ban lãnh đạo Thượng Hải im lặng về điều này. Theo các dự đoán, cả hai con tàu đang đóng theo dự án mà Trung Quốc phát triển trên cơ sở đề án 1143.5 của Liên Xô.

Hàng không mẫu hạm đô đốc Kuznetsov của Nga là chiếc duy nhất được chế tạo trong đề án 1143.5, chiếc thứ hai là tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành được Trung Quốc mua lại từ tay Ukraina từ năm 1998 với giá vẻn vẹn 20 triệu USD, khi đó nó không có động cơ, bánh lái, hầu hết các hệ thống hoạt động và được đưa ra bán đấu giá.

Phía Nga đã chuyển cho Trung Quốc khối lượng lớn tài liệu liên quan từ những năm 1990. Dưới sự trợ giúp không chính thức của Ukraina, 14 năm sau Trung Quốc đã “mông má” con tàu này thành tàu sân bay Liêu Ninh và được biên chế cho hải quân nước này vào tháng 9-2012.

Giải mã bí ẩn trong kế hoạch đóng tàu sân bay Trung Quốc ảnh 1

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Theo nguồn tin của trang mạng Tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, tàu sân bay mới của Trung Quốc được định danh thuộc kiểu 001A, sử dụng hệ thống cầu bật tương tự Liêu Ninh và không có máy phóng. Chiếc đầu tiên chế tạo với mục đích khai phá công nghệ nên có khả năng chỉ có lượng giãn nước 55.000 tấn, các chiếc sau sẽ là phương án cải tiến và tăng kích thước so với tàu Liêu Ninh.

Qua phân tích một vài số liệu, họ nhận thấy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc chỉ sử dụng động cơ thông thường, có thể mang theo tối đa 40-45 chiếc tiêm kích hạm J-15. Tuy nhiên, chỉ cần như thế cũng đã đủ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trước Nhật Bản với các tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH của Nhật. Dự kiến ngân sách để chế tạo mỗi chiếc tàu sân bay này lên tới khoảng 3 tỷ USD.

Vào cuối năm ngoái, một quan chức quốc phòng cao cấp Trung Quốc từng tuyên bố, quân đội Trung Quốc sẽ không hài lòng với chỉ 1 tàu sân bay duy nhất là “Liêu Ninh”. Quan chức này còn tiết lộ, lần lượt vào các năm 2013 và 2015, Trung Quốc sẽ triển khai chế tạo 2 hàng không mẫu hạm nội địa, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân.

Chính sách thông tin khôn ngoan

Không thể xác định được là trong tương lai Trung Quốc sẽ triển khai đóng bao nhiêu tàu sân bay. Có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực phát hành “Cổ phiếu hàng không mẫu hạm” lấy ngân sách để đóng tới 6 chiếc, mỗi hạm đội trong số 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải sẽ được biên chế 2 tàu sân bay quốc nội, hàng không mẫu hạm mang số 16 "Liêu Ninh" sẽ chuyên dành để huấn luyện.

Giải mã bí ẩn trong kế hoạch đóng tàu sân bay Trung Quốc ảnh 2

Tàu sân bay đề án 1143.5 của Liên Xô

Những tấm ảnh xuất hiện vào năm ngoái cho thấy các khoang của hàng không mẫu hạm Trung Quốc đang được đóng theo kiểu modul. Trên thực tế, khó thể giấu việc xây dựng một tàu sân bay trước hoạt động giám sát của vệ tinh trinh thám, thông tin cực kỳ nhanh chóng của các nước khác. Vì vậy, việc Trung Quốc phủ tấm màn bí mật lên hoạt động đóng tàu mang ý nghĩa gì?

Giữ bí mật “một cách hình thức” xung quanh các dự án chế tạo công nghệ cao không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa bảo mật công nghệ vũ khí mà nó còn có một ý nghĩa chính trị nhất định. Chính sách thông tin của Trung Quốc xung quanh các hệ thống vũ khí mới dường như được họ cân nhắc rất kỹ lưỡng, theo lộ trình thống nhất và đáng để các nước tham khảo.

Các dự án thiết kế và chế tạo công nghệ hiện đại phức tạp thường chứa đựng khá nhiều rủi ro. Ngay ở các nước phát triển, dự án cũng thường bị kéo dài thời hạn thực hiện, vượt chi phí hoạch định ban đầu, xảy ra những thất bại trong thử nghiệm. Tuy từ chối công khai số liệu chính thức, nhưng rõ ràng Trung Quốc không tìm mọi cách phong tỏa thông tin về dự án, chúng hoàn toàn có thể tham khảo ở các kênh thông tin không chính thống.

Giải mã bí ẩn trong kế hoạch đóng tàu sân bay Trung Quốc ảnh 3

Hình ảnh Trung Quốc đang chế tạo một modul tàu sân bay tràn lan trên mạng

Mục đích của họ nhằm tránh buộc phải nêu ra thời hạn thực hiện và số liệu tiến độ cụ thể, khi mà rủi ro về công nghệ vẫn còn tồn tại. Các chương trình mới thường được Trung Quốc chính thức công bố ở giai đoạn gần hoàn thành. Kết quả vang dội sẽ góp phần củng cố lòng tự tin và yêu nước trong nhân dân, còn các yếu tố trục trặc thì không ai biết được, sau này nó nghiễm nhiên trở thành những sai sót tất yếu trong khai phá công nghệ.

Ngược lại, Nga và Mỹ thường công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về các kế hoạch phát triển vũ khí, thậm chí thông tin còn xuất hiện trước khi dự án được phê duyệt. Nhiều lãnh đạo còn công bố ngân sách đầu tư và thời hạn hoàn tất với tư tưởng cực kỳ lạc quan. Sau đó, cứ khi nào phát sinh sự cố là phải điều chỉnh lại thông tin dự án làm nảy sinh những nghi ngờ, thử nghiệm không thành công được công chúng cho là một thất bại hoàn toàn.

Như vậy, những chương trình kỹ thuật tinh vi có tầm quan trọng và hiệu quả cao, xứng đáng là niềm tự hào của bất cứ quốc gia, lại thường bị dư luận hạ thấp uy tín, trong khi đó nước ngoài đạt được nhiều thành tựu nho nhỏ, rõ ràng là kém xa nước mình mà lại được khen ngợi, đem ra so sánh và chế giễu. Về mặt này, chính sách thông tin của Trung Quốc là khôn ngoan.