“Giải cứu trẻ em” bằng thể thao

ANTĐ - Kibomango từng là một “lính trẻ em” ở Congo cho đến khi anh bị một mảnh bom văng trúng làm hỏng một mắt. Không muốn có thêm nhiều trẻ em ở đất nước mình rơi vào bẫy của những nhóm phiến quân, Kibomango đã nghĩ ra một cách giúp thanh thiếu niên tránh xa những lời dụ dỗ - đó là tập luyện thể thao, rèn luyện tinh thần trong những cú đấm quyền Anh.

Lớp tập của Kibomango đều đặn diễn ra vào các buổi sáng, trước giờ làm việc

“Câu lạc bộ tình bạn”

Khi Kibomango hướng dẫn các cậu bé tập luyện, những nắm đấm dồn tới tấp vào túi cát màu xám, cát rơi lạo xạo dưới chân anh. Ở thành phố Goma, miền đông bắc nước Cộng hòa dân chủ Congo này, không có sàn tập hay một câu lạc bộ quyền Anh thực sự, Kibomango và những học trò của anh tập luyện trong một căn phòng nhỏ ở gầm khán đài sân vận động. Những cậu bé chăm chú nhìn theo nắm đấm của Kibomango. Trong số này, có nhiều đứa trẻ đã từng cầm súng giết người khi chúng là những “chiến binh” Kibomango muốn ngăn chúng quay lại con đường đó. 

Người thanh niên 35 tuổi này có đôi vai rộng và cơ bắp cuồn cuộn rắn chắc - thứ “vũ khí” mà những đối thủ thực sự của anh - những kẻ tuyển mộ lính trẻ em thường xuyên lảng vảng bên ngoài câu lạc bộ của anh cũng phải “chờn”. Chúng thường lân la tới thì thầm với các cậu bé: “Đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ cho tiền, và cả những cô gái xinh đẹp”. Mặc dù biết rõ những gì đang đợi mình ở trong rừng, nhưng một số thanh niên đã đi theo chúng, tham gia các nhóm phiến quân. 

Goma là thủ phủ không chính thức của phiến quân. Chúng thường đi cướp bóc ở khu vực lân cận, dụ dỗ những người dân nghèo trong các khu ổ chuột làm tân binh hay gạ gẫm những cựu chiến binh quay trở lại. 

Kibomango đặt tên cho nhóm của anh là “Câu lạc bộ tình bạn”. Họ gặp nhau vào 6h sáng hàng ngày để tập luyện. “Tôi cảm thấy rất vui khi nhìn bọn trẻ tập luyện. Tôi hy vọng rằng, chúng không phải trải qua những gì mà tôi đã phải chịu đựng vì những lời dụ dỗ” - Kibomango nói. 

Vượt qua cám dỗ 

Kibomango biết rõ những gì khủng khiếp nhất mà nhiều chiến binh của anh đã phải chịu đựng hay gây ra với người khác. Kibomango từng là một thành viên nhóm phiến quân lùng sục khắp Congo từ lúc trước khi anh đủ tuổi đến trường. Anh đã đánh nhau và giết người cho đến khi bị một mảnh bom văng vào mắt khiến anh không thể sử dụng vũ khí. 

Với những gì mà mình đã phải trải qua, Kibomango nghĩ phải làm cách nào đó để trẻ em ở Congo không phải đi theo con đường như của anh. Và Kibomango đã nghĩ tới các môn thể thao - quyền Anh. “Anh ấy là thủ lĩnh của những thanh thiếu niên và chúng tìm đến anh. Khi họ tập luyện đấm bốc, họ sẽ dồn được sự thất vọng, tức giận ra ngoài” - Nhiếp ảnh gia Italia Francesca Tosarelli, người đã tới thăm và thậm chí còn tập luyện với Kibomango nói. 

Kibomango không kiếm được bất kỳ đồng nào từ việc dạy quyền Anh cho trẻ em. Anh kiếm tiền nuôi gia đình bằng công việc sửa chữa xe. Hàng ngày, anh làm việc trên đường phố Goma. Kibomango cũng giúp tạo việc làm cho nhiều thanh thiếu niên trong nhóm của mình bằng công việc này. Anh biết rằng một công việc có thu nhập sẽ làm cho lời rủ rê của những kẻ nổi loạn ít hấp dẫn hơn. 

Việc tập luyện được tổ chức trong sân vận động bóng đá vào khoảng thời gian trước khi ngày làm việc bắt đầu. Tập luyện thể thao giúp cho các cậu bé trút bỏ được hết sự tức giận và quên đi những chấn thương mà họ đã phải trải qua, cả về thể chất và tinh thần. Kibomango đã để lại trong họ ấn tượng rằng, quyền Anh không phải chỉ là hoàn toàn “đấm đá”,  muốn gửi tới các cậu bé  một thông điệp: Trình độ, sự kiên nhẫn và tự làm chủ bản thân sẽ giúp chúng ta vượt qua được mọi cám dỗ.

Đều đặn vào mỗi buổi sáng lúc 6h hàng ngày, anh đứng trước mặt các học sinh của mình để truyền cho chúng thông điệp: Hãy chiến đấu cho tương lai của Congo - vì một đất nước mà điều duy nhất vung mạnh ra từ những cánh tay - đó là  những nắm đấm - nắm đấm thể thao - chứ không phải lựu đạn.