Giải cứu thị trường chứng khoán: Có phản ứng nhưng…

ANTĐ - Khác hẳn với những lo lắng của dư luận, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã xoa tay công bố, năm 2012 là năm phát triển của thị trường chứng khoán nước ta, thậm chí hơn hẳn so với Nhật Bản. Như thế có nghĩa là từ nay đừng kêu ca về 70% các cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá, có những cổ phiếu niêm yết giao dịch với giá vài cọng hành, hàng chục cổ phiếu giao dịch với giá chén nước chè nguội, hàng trăm cổ phiếu giao dịch với giá bó rau muống, hàng chục công ty chứng khoán (CTCK) trắng tay, hàng nghìn “nhà đầu tư” tán gia bại sản chắp tay xin thề còn không thèm tơ tưởng đến cổ phiếu. 

Theo ông Vũ Bằng Chủ tịch UBCKNN: “Tôi cho rằng năm 2012 mặc dù có nhiều khó khăn, nhiều biến động nhưng thực tế là một năm không quá tồi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vn-Index tính cả năm đã tăng hơn 17% (Vn-Index từ mức 351 điểm ngày 30-12-2011 lên sát 413 điểm vào cuối năm 2012).Trong khi đó, năm 2012, chỉ số chứng khoán của Nhật Bản chỉ tăng 11%, DowJone Mỹ chỉ tăng 8%, còn Trung Quốc thì sụt giảm 8% so với năm trước…”

Tuy vậy, UBCKNN cũng đã buộc phải công bố 8 giải pháp khẩn cấp để giải cứu thị trường chứng khoán. Chỉ là vấn đề những giải pháp này có thực sự giải cứu được thị trường chứng khoán không.

Những lý do đích thực của giải pháp

Dẫu bệnh thành tích có nặng nề, nhưng không ai phủ nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đang khủng hoảng nghiêm trọng cùng những khó khăn của nền kinh tế. Sự đóng băng của thị trường bất động sản, tình trạng hàng tồn kho lớn, gánh nặng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, sức mua giảm mạnh, hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết rơi vào tình trạng thua lỗ. Dẫu chỉ mới thống kê theo báo cáo của doanh nghiệp (DN), UBCKNN cũng phải thừa nhận hoạt động của các CTCK tiếp tục khó khăn. Có tới trên 50% số CTCK bị lỗ, trên 70% lỗ lũy kế, 11 CTCK đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Về hoạt động của các công ty niêm yết, số liệu sơ bộ 9 tháng đầu năm 2012 cho thấy, có 143 DN lỗ lũy kế, tăng 1,7 lần, 438 DN có lợi nhuận sụt giảm, tăng 12%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay và giảm mạnh so với mức 12,3% của năm 2011 chưa có số liệu đến cuối năm nhưng các chuyên gia nhận định con số doanh nghiệp lỗ còn tăng cao. Các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến không thuận lợi, các vi phạm trên TTCK ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý. Rất nhiều doanh nghiệp thật sự có tài sản âm, nghĩa là giá trị cổ phiếu chỉ còn là danh nghĩa. Giao dịch dưới mệnh giá, giá trị giao dịch giảm mạnh, dẫn đến việc huy động vốn qua kênh thị trường chứng khoán không thực hiện được, cả năm 2012, số DN bán cổ phiếu lần đầu trên thị trường (IPO) đếm trên đầu ngón tay, nhiều DN đã niêm yết do nhu cầu vốn đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, nhiều DN hoãn, hủy kế hoạch IPO…

 Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, bức tranh chung của TTCK năm 2012 là nợ xấu cao, nhiều vụ việc liên quan đến ngân hàng đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và các DN, một số CTCK gần như phá sản. Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu và BĐS chưa phải giải pháp tối ưu để vực dậy nền kinh tế, vì DN mới là gốc rễ của vấn đề. Bởi vậy, quan trọng nhất hiện nay là phải tạo nguồn vốn cho DN, đồng thời, Chính phủ cũng cần có thêm các động thái quan tâm hơn nữa tới TTCK, điều đang thiếu hụt trầm trọng. Còn theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch CLB các công ty niêm yết, từ năm 2008 lại đây, TTCK bước vào cảnh chợ chiều. Nhà đầu tư đã mất quá nhiều niềm tin vào thị trường do cơ chế huy động vốn hiện nay quá bất cập, đặc biệt là khâu giám sát quá trình sử dụng vốn, hiệu quả sử dụng vốn các dự án đầu tư quá thấp

Một vấn đề nữa, theo ông Trần Thanh Tân, TGĐ CTCP quản lý quỹ Việt Nam (VFM), chủ tịch CLB các công ty quản lý quỹ đầu tư, ngành quản lý quỹ thường đóng vai trò hết sức quan trọng với TTCK, chiếm 30-50% giá trị giao dịch toàn thị trường. Nhưng các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam lại chưa xác lập được vai trò của mình, đang đứng trước áp lực rút vốn, thanh lọc, quá trình triển khai các sản phẩm mới không khả quan. 

Sự quyết định của thị trường thứ cấp đối với việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã rõ. Nếu cổ phiếu không thể thanh khoản sẽ không có nhà đầu tư chân chính nào quan tâm tới thị trường chứng khoán. Nhưng yếu tố nào quyết định tính thanh khoản của cổ phiếu? Trong những thành phần tham gia thị trường, thành phần nào cần được quan tâm giải cứu? Các giải pháp vừa được UBCKNN công bố giải quyết được những ách tắc nào của thị trường chứng khoán?

Các giải pháp giải cứu được công bố

Ngoài công việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán, nghĩa là hoàn thiện cả về mặt pháp lý lẫn năng lực của các công cụ thị trường, sáng 9-1-2013, UBCKNN đã tổ chức "Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2013", công bố 8 giải pháp cho thị trường chứng khoán năm 2013. 

Thứ nhất, kiến nghị không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất. Thứ hai tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trên cơ sở ý kiến của Đại hội cổ đông về giá phát hành dưới mệnh giá, tháo gỡ việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Thứ ba  kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ 49%. Thứ tư, kiến nghị kéo dài việc miễn giảm về thuế quy định tại Nghị quyết số 08/2011/QH13, kiến nghị ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư. Thứ 5, xem xét nới tỷ lệ margin lên 50/50. Xem xét miễn giảm phí lưu ký (khoảng 20%) cho năm 2013. Thứ 6, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa. Thứ 7, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách. Thứ 8, tăng cường và nâng cao công tác kế toán - kiểm toán. Đặc biệt, để tạo thanh khoản, từ ngày 15-1, UBCKNN sẽ điều chỉnh biên độ dao động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán niêm yết tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh lên +/-7% và tại Sở GDCK Hà Nội lên +/-10%.

Như vậy chúng ta thấy các giải pháp đưa ra chủ yếu nhằm tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư, hướng tới động viên các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn khổng lồ. Xin lưu ý đến thời điểm này vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong thị trường chứng khoán cả niêm yết và không niêm yết đạt 2 tỷ USD (riêng năm 2012 đạt 300 triệu USD). Chúng ta cũng phải nhắc tới những việc quan trọng mà UBCKNN đã thực hiện được trong thời gian qua, nói như ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN: “Chúng tôi đã và đang bắt tay thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể là tập trung vào tái cấu trúc cơ sở hàng hóa; sở giao dịch, thị trường; tổ chức và cá nhân nhà đầu tư chứng khoán... Gần đây, Luật Chứng khoán, các nghị định, thông tư đã ban hành, nâng cao hơn các tiêu chuẩn cho DN  niêm yết; đặc biệt là yêu cầu về quản trị, công bố thông tin để các công ty phát triển theo hướng tiếp cận dần với tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Tài chính đã ban hành văn bản về quỹ mở, về công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, đầu tư giao dịch ETF (quỹ đầu tư chỉ số), nhằm thu hút phát triển thành phần nhà đầu tư có tổ chức. Bộ Tài chính cũng đang triển khai quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung”. UBCKNN cũng đã tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh chứng khoán.

UBCKNN cũng đã ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm báo cáo giao dịch cổ phiếu. Ngoài ra, xử phạt 58 công ty đại chúng, công ty niêm yết, có 5 quyết định xử phạt đã được ban hành đối với 5 kiểm toán viên do các sai phạm khi kiểm toán DN, chuyển một số vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ với 4 vụ việc giao dịch thao túng cổ phiếu, 6 vụ việc theo đơn tố cáo và thuộc thẩm quyền cơ quan công an.

Thị trường có phản ứng , nhưng…

Chỉ trong những ngày đầu tiên của năm 2013, đón nhận những chính sách mới của Chính phủ nhằm giải cứu thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất... cùng những thông báo về các đề nghị các biện pháp giải cứu TTCK của UBCKNN trình Bộ Tài chính, TTCK đã có những phản ứng tích cực, thậm chí mạnh mẽ. VN-Index đã có 10 phiên tăng điểm liên tiếp, vượt 447 điểm trong phiên giao dịch 8-1-2013, với thanh khoản cao gấp 5 lần so với cuối năm 2012. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có phản ứng tốt, trong 3 tuần từ ngày 21-12-2012 đến ngày 8-1-2013, khối ngoại đã mua ròng 61,4 triệu cổ phiếu trên hai sàn, tương đương mua ròng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là phản ứng tạo sóng bởi những kỳ vọng vào những chính sách của Chính phủ, khi những kỳ vọng bớt đi, TTCK sẽ trở lại sự uể oải.

Đánh giá về TTCK, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng: Năm 2012 các công ty niêm yết  đặc biệt khó khăn và nếu kết thúc năm tài chính 2012, tình hình không có chuyển biến, thậm chí là xấu hơn thì sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của thị trường trong năm 2013. Đặc biệt, khi tình hình kinh tế thế giới năm 2013 được dự báo còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tốc độ tăng trưởng toàn cầu khó phục hồi. Tình hình trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn khi chính sách kinh tế phải thực hiện đồng thời mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đề phòng lạm phát tăng cao trở lại và vẫn phải đảm bảo tăng trưởng cao hơn mức 5,03% của năm 2012. Không kể đến cầu của nền kinh tế còn yếu, nợ xấu và các vấn đề của DN nhà nước vẫn là gánh nặng chưa thể giải quyết ngay… Điều này cũng được ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Chứng khoán Việt Nam đồng tình khi đưa ra kiến nghị: Cần sớm ổn định kinh tế vĩ mô từ đầu năm để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Mặc dù thời gian qua, Bộ Tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho UB Chứng khoán Nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ TTCK song trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đang chồng chất, Chính phủ chưa thể quan tâm đến TTCK mà mới chỉ nhìn vào xử lý nợ xấu và cứu thị trường BĐS - đây chưa phải giải pháp tối ưu để thúc đẩy sản xuất. 

Vậy là chúng ta lại trở lại điểm xuất phát, mọi thị trường chỉ có thể giải cứu được nếu một nền kinh tế phát triển với một hệ thống doanh nghiệp làm ăn có lãi. Cổ phiếu chỉ có thể thanh khoản tốt nếu bản thân nó có giá trị.