Giải cứu thành công 12 công nhân sau 82 giờ

ANTĐ - 16h30 chiều 19-12, sau gần 82 tiếng đồng hồ bị mắc kẹt trong đường hầm tối, lạnh và ngập nước, 12 công nhân thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã được giải cứu trong tình trạng sức khỏe tốt. Lực lượng cứu hộ hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các nạn nhân và cho cả những người tham gia cứu hộ. 

Giải cứu thành công 12 công nhân sau 82 giờ ảnh 1

Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc đưa được toàn bộ 12 nạn nhân ra khỏi hầm sớm hơn kế hoạch rất nhiều nằm ngoài dự kiến của Ban chỉ đạo cứu nạn. Càng vui mừng hơn khi sức khỏe của cả 12 người đều đảm bảo, một số nạn nhân tự đi bộ ra ngoài được, một vài người được đưa đến bệnh viện chăm sóc. 

Theo đại diện lực lượng cứu hộ, 16h30 ngày 19-12, khi công binh đang đào ngách bên trái được 14m (dự kiến 30m) thì bất ngờ thấy một lỗ thủng thông vào đoạn hầm chưa sập. Đường ngách này được đào song song với đoạn hầm sập, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Đây là hướng triển khai muộn nhất so với các hướng đào trước đó. Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn 293 - Binh chủng Công binh, người đầu tiên tiếp xúc với các nạn nhân qua đường hầm cứu hộ kể lại: Sau khi tổ cứu hộ đào được hơn 12m đường hầm phụ bên vách trái hầm chính, theo hướng đào cao lên trên, đi vòng qua đoạn hầm bị sập thì gặp vùng đất mềm. Tổ cứu hộ đào thêm hơn 2m thì tiếp cận được đoạn hầm thông. Trong bóng tối, anh em cứu hộ đã lội vào tiếp hơn 20m trong đường hầm nước vẫn còn ngập ngang bụng và gọi liên tục. Khi phát hiện có tiếng người vọng lại “Cứu em với các anh ơi”, anh em cứu hộ đã nhìn thấy nạn nhân đầu tiên vượt nước ngập tiến về phía mình. 

Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Quốc Phòng: Phương án cứu hộ được đẩy nhanh

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chiều 18-12, sau khi Phó Thủ tướng kết luận giao nhiệm vụ cho lực lương Công binh  thực hiện thì 16h ngày 18-12, chúng tôi triển khai đào đường hầm. Trong quá trình thi công mở đường hầm, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do địa hình địa chất không ổn định, gặp rất nhiều đá tảng, phải sử dụng trang thiết bị chuyên dụng để phá vỡ đá. 15h ngày 19-12, Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng họp và thống nhất quyết tâm đẩy nhanh phương án cứu hộ. Sau vài tiếng đồng hồ thì lực lượng Công binh đã đưa 12 người gặp nạn ra khỏi hầm an toàn”.

Niềm vui vỡ òa, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - Bộ Quốc phòng, người được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao trách nhiệm Chỉ huy các lực lượng cứu hộ trong hầm, cho biết: “Tất cả các nạn nhân đều khỏe, anh em công nhân vốn có sức khỏe tốt nên khi được giải cứu nhiều người vẫn đủ sức khỏe để tự đi bộ ra ngoài. Đa số nạn nhân phải sơ cứu do choáng ngợp, quá vui sướng, xúc động nên ngất đi”. 

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, cùng với nỗ lực không ngừng của lực lượng công binh - chủ lực của công tác khoan, đào hầm cứu hộ và sự hỗ trợ của nhiều lực lượng khác, công tác cứu hộ cũng gặp thuận lợi khi đường hầm phụ bên vách trái hầm chính chỉ mới khoan, đào trong tối 18-12, qua hơn 14m đã tìm đến được với vị trí thuận lợi để tiếp cận, giải cứu các nạn nhân. Trước đó, Ban chỉ huy cứu nạn dự trù phải đào 2 hầm phụ cả bên vách phải và vách trái hầm chính để vượt qua đoạn hầm sập dài 35m mới có thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân. Sớm hơn dự kiến đến đêm 19-12 mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài, cuộc giải cứu đã thành công ngoài mong đợi vào chiều 19-12. 

Bài học kinh nghiệm 

Thứ nhất là công tác chỉ huy, chỉ đạo yêu cầu phải khẩn trhương và tổ chức nhanh chóng, phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng. Thứ hai là vấn đề tổ chức và sử dụng lực lượng bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, tình hình và địa bàn xảy ra sự cố, đặc biệt là sử dụng lực lượng và phương tiện để triển khai. Thứ ba là công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng phải hết sức chặt chẽ chu đáo và ăn khớp, đây là một trong những yếu tố quyết định. Nếu không có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ thì dễ xảy ra mất an toàn trong quá trình triển khai thi công. Điểm thứ tư là công tác bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Chiến công của lực lượng Công binh

“Chúng tôi đã theo dõi thông tin về việc giải cứu các công nhân bị kẹt trong vụ sập hầm suốt mấy ngày qua và thực sự vui mừng với kết quả này. Nhiều lực lượng đã góp sức vào thành công đó, song công đầu phải kể đến lực lượng Công binh. Một chiến công được lập đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam nên càng có ý nghĩa hơn”.

Nguyễn Hữu Nghĩa (Đại tá quân đội đã nghỉ hưu)

Tin cùng chuyên mục