“Giải cứu” nông sản Hải Dương: Chuyện tử tế từ một góc đường giữa Thủ đô Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Những ngày này, bên góc đường Giải Phóng (đoạn gần cổng Bệnh viện Bạch Mai) từ sáng sớm đến đêm khuya đều tấp nập người ghé vào rồi trở ra với những túi rau quả to như đi chợ cho cả tuần. Đó là điểm bán nông sản giúp đỡ những người nông dân Hải Dương được một nhóm thiện nguyện tổ chức đã 4 ngày nay.
Chị Ngô Thanh Thủy và hàng xóm cùng các tình nguyện viên dỡ nông sản Hải Dương được chuyển lên Hà Nội để bán giúp bà con nông dân

Chị Ngô Thanh Thủy và hàng xóm cùng các tình nguyện viên dỡ nông sản Hải Dương được chuyển lên Hà Nội để bán giúp bà con nông dân

“Giải cứu” đến lúc bà con nông dân Hải Dương có lối ra…

Nửa đêm, ở trước cửa số nhà 38 Giải Phóng, trong những người đang tất tả chuyển từng túi rau quả ra cho người dân có một người phụ nữ trung niên, vóc người nhanh nhẹn, tóc cắt ngắn, giọng đang như lạc đi khi vừa kiểm hàng vừa liên tục nhắc: “Mọi người giữ khoảng cách, kéo khẩu trang lên hộ em…”. Đó là chị Ngô Thanh Thủy (trú tại 38 Giải Phóng), một người kinh doanh mỹ phẩm nhỏ và trưởng một nhóm thiện nguyện đã phát động chương trình “giải cứu” nông sản cho bà con Hải Dương.

Vừa bê từng thùng cà chua 10kg, chị Thủy cho biết, khi Hải Dương có những ca Covid-19 đầu tiên bà đã về Kinh Môn, Hải Dương để mua rau, giúp người nông dân đỡ phần nào vất vả. Các khu công nghiệp ở Hải Dương đóng cửa, người nông dân như chực khóc bên đồng ruộng vì rau củ thu hoạch rồi cũng để nguyên đó. Chị Thủy đã bỏ tiền túi để thu mua 10 tấn rau củ từ vùng dịch để ủng hộ cho các bệnh viện dã chiến và các bếp ăn cho những nơi khó khăn. Đến lúc Hải Dương chính thức phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan, trong khó khăn bủa vây, những người nông dân ở Kinh Môn và cả Hải Dương đã liên hệ với bà. Chị Thủy quyết định ngay, sẽ mua 13 tấn rau củ để giúp bà con bán tại Hà Nội. Chị làm mà cũng lo: “Xe hàng về tôi bỗng thấy lo lắm, không biết liệu có tiêu thụ được trong vài ngày không. Ai dè chỉ mới trong 3 tiếng thôi mà toàn bộ 13 tấn rau củ đã được tiêu thụ hết”.

Chị Thủy cũng cho biết, khi mới bắt đầu thực hiện chiến dịch này, chị đã khiến cả nhà bất ngờ và không tin khi quyết định quá “bốc đồng” chỉ trong vài cuộc điện thoại. “Lúc ấy, tôi cũng chỉ thông báo cho gia đình và nhân viên là đóng cửa hàng trong vài ngày để giúp bà con Hải Dương bán rau tồn đọng. Xe rau đầu tiên chuẩn bị về đến nhà, băng rôn thông báo về đến cửa rồi nhưng người nhà tôi vẫn không tin. Các nhân viên hỏi đùa, xe rau 13 tấn với một lô hàng mỹ phẩm của chị từ Hàn Quốc đang về, cái nào quan trọng hơn? Tôi vẫn bảo cứ để tạm lô hàng ở đó, chỉ là lượng hàng nhỏ thôi, so với lượng nông sản tồn đọng không bán được của bà con thì không đáng là gì cả” - chị Thủy tâm sự.

Ngay sau khi bán hết chuyến hàng đầu tiên ấy, chị Thủy cùng với nhóm thiện nguyện của mình đã tiếp tục mua nông sản với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Hải Dương. Hàng hóa đều được kiểm dịch, đủ điều kiện xuất ra khỏi tỉnh đến điểm trung chuyển ở đầu tỉnh. Tại đây, các chuyến xe thiện nguyện của các nhà tài trợ sẽ có trách nhiệm vận chuyển về Hà Nội. Tính đến sáng 22-2, số lượng rau củ mà chiến dịch “giải cứu” nông sản đã tiêu thụ giúp bà con là hơn 80 tấn các loại, thu về hơn 55 triệu đồng. Số tiền này sẽ được bàn giao đầy đủ về cho bà con nông dân tại Hải Dương sau khi kết thúc chiến dịch.

“Nhìn từng túi cà chua bị dập của bà con mà muốn ứa nước mắt. Nhưng rồi hàng chục tấn rau củ về đến Thủ đô được mọi người đón nhận nhiệt tình. Nhiều người sẵn sàng đợi lâu, có người đi xa tới để mua ủng hộ, có người từ khách hàng trở thành tình nguyện viên không ngại đêm hôm. Những ngày này, mặc dù chỉ được ngủ chưa đầy 2 tiếng/ngày nhưng chúng tôi đều không thấy mệt mà chỉ thấy xúc động bởi tình cảm sẻ chia của mọi người dân. Chúng tôi sẽ làm đến lúc nào Hải Dương hết phong tỏa và bà con đỡ khổ’“ - chị Thủy nói.

Từ sáng đến đêm, đông đảo người dân Thủ đô đến mua rau quả ủng hộ bà con Hải Dương

Từ sáng đến đêm, đông đảo người dân Thủ đô đến mua rau quả ủng hộ bà con Hải Dương

Những con người tử tế và dung dị

Ngày nào cũng có những chuyến xe hàng mãi đêm muộn mới chở đến nhà chị Thủy. Từ khi biết việc làm của chị, không chỉ gia đình mà hàng xóm cũng chẳng ai bảo ai cứ thế rủ nhau cùng hỗ trợ. Họ phân công thời gian nghỉ ngơi, thay nhau xếp đồ, bán hàng từ sáng tới tận đêm. Nguyễn Ngọc Hải Yến (con gái chị Thủy) chia sẻ: “Khi mới bắt đầu thực hiện việc này, mẹ cũng chỉ thông báo cho gia đình và nhân viên là đóng cửa hàng trong vài ngày để giúp bà con Hải Dương bán rau. Xe rau đầu tiên về tới cửa thì gia đình mới tin. Làm từ sáng đến đêm cũng mệt, nhưng tất cả đều cảm thấy thật hạnh phúc”.

Chị Liên, hàng xóm của chị Thủy cho biết: “Hết Tết rồi, nhưng mấy hôm nay cả khu phố lại quây quần vui hơn cả Tết bởi những chuyến xe chở mồ hôi nước mắt của bà con nông dân Hải Dương cứ đầy rồi lại vơi. Chúng tôi cũng mong được chính quyền tạo điều kiện để có điểm tập kết, bán hàng rộng rãi hơn, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo phòng dịch. Như thế bà con cũng yên tâm hơn”.

Từ sáng đến tối, người dân tấp nập đến đây khi biết tin, đó là những bác cán bộ về hưu, là anh Grab đi chợ cuối ngày, là cậu lái xe taxi chạy ca đêm và cả những người có kinh tế dừng ô tô xuống mua vài cân rau quả ủng hộ. Có những người đến muộn, không mua được gì thì những người mua trước lại san sẻ cho một chút mà không hề lấy tiền. Họ mua nhiều để tặng cho hàng xóm, cho người thân và khi được hỏi ai cũng từ chối nói về mình. Với họ đây là việc đương nhiên mà ai cũng làm. Tấm lòng san sẻ, sẻ chia yêu thương, tương thân tương ái thật sự hiển hiện ở mọi nơi.

Chứng kiến những chuyện tử tế bên lề đường tấp nập của những con người bình dị ấy, chúng tôi mang đầy cảm xúc khó tả. Như sự thôi thúc từ trái tim, ai cũng vào mua một túi rau dù ít hay nhiều để đường về nhà thêm yêu thương, để như thấy an tâm phần nào khi đồng bào của mình đã bớt khó khăn. Và trên những trang mạng xã hội những ngày này, có hàng chục nhóm thiện nguyện như chị Thủy đã và đang kết nối, chờ đợi những chuyến xe đêm để bán nông sản giúp bà con Hải Dương. Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh: “Lòng thương chỉ nói bằng lời/ Lấy đâu ra gạo cho người được no...” và càng cảm thấy trân trọng những con người ấy - những con người tử tế đến bình thường của Thủ đô.

Hà Nội đã tiêu thụ ít nhất hơn 400 tấn nông sản Hải Dương

Sau lời kêu gọi của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về việc “giải cứu” nông sản cho vùng dịch Hải Dương, các doanh nghiệp đã tích cực kết nối cung cầu nông sản Hải Dương đang tồn đọng do dịch Covid-19, nhiều nhóm cá nhân cũng bán hàng online với mức giá rất ưu đãi để hỗ trợ người dân.

Hà Nội đã trao 50.000 khẩu trang y tế và 2 tỷ đồng trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, hỗ trợ tỉnh Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19. Sở Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở đã kết nối để 32 doanh nghiệp thương mại , 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương; phối hợp với Sở GTVT, CATP tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản vào thành phố. Các đơn vị đã thu mua tiêu thụ gần 400 tấn nông sản. Các đơn vị của thành phố cũng đang nhanh chóng để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tấn gà đồi Chí Linh trong những ngày tới.