“Giải cứu” người nghèo nhất

ANTĐ - Dù kinh tế thế giới còn khó khăn song ngân quỹ xóa đói giảm nghèo toàn cầu vẫn được tăng mạnh nhằm trợ giúp những người dân nghèo nhất thế giới.

Ngân quỹ của IDA sẽ tập trung trợ giúp cho châu Phi nơi
có 40 trong số 46 quốc gia nghèo nhất thế giới

Trong thông báo đưa ra ngày 17-12, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết ngân quỹ hỗ trợ những người dân nghèo nhất thế giới đã được nâng lên mức kỷ lục là 52 tỷ USD. Đây được xem là thành công của WB, định chế tài chính hỗ trợ phát triển lớn nhất thế giới, khi thuyết phục các nước phát triển và đang phát triển gia tăng viện trợ cho dù chính những quốc gia này cũng đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế.

Theo WB, một Liên minh gồm 46 quốc gia phát triển và đang phát triển đã đưa ra các cam kết gây quỹ trị giá 52 tỷ USD cho các chương trình thuộc Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) của WB kéo dài trong ba năm, bắt đầu từ 1-7-2014 đến 30-6-2017. WB cho biết, mục tiêu của quỹ có tên gọi IDA 17 này nhằm giải quyết các vấn đề gai góc tại các quốc gia nghèo nhất thế giới dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời giúp các quốc gia này có được sự cân bằng theo hướng ổn định.

Với việc tăng vốn cho IDA, các chương trình của cơ quan này sẽ tập trung vào những khu vực đối mặt với nhiều thách thức nhất ở các nước nghèo nhất. Đặc biệt, theo WB, quỹ sẽ tập trung vào việc huy động khu vực tư, biến đổi khí hậu và các dự án bình đẳng giới. 

Quỹ IDA 17 sẽ giúp cung cấp điện phục vụ cho khoảng 15 triệu đến 20 triệu dân, cung cấp vaccine cho 200 triệu trẻ em, cấp các khoản tín dụng nhỏ cho hơn 1 triệu phụ nữ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 65 triệu người. Ngoài ra, khoảng 32 triệu người sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận với nước sạch và 5,6 triệu người được chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhờ các công trình vệ sinh sạch sẽ.

Phát biểu khi công bố ngân quỹ tài trợ cho các nước nghèo nhất thế giới trong 3 năm tới, Chủ tịch WB Jim Yong-kim đã đánh giá cao những nỗ lực đặc biệt của các quốc gia đóng góp vào quỹ IDA, dù nhiều nước vẫn đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế, trong việc tăng cường giúp đỡ những người dân nghèo nhất. Người đứng đầu WB cam kết sẽ chi tiêu hiệu quả từng đồng vốn phát triển để tạo ra các cơ hội mới, cũng như mang lại sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của những người dân nghèo.

Để giải quyết vấn đề đói nghèo, LHQ vào tháng 5-2011 đã thông qua Chương trình hành động Istanbul nhằm thực hiện định hướng chung là xây dựng một thế giới thịnh vượng, công bằng, bình đẳng và một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, vui tươi cho tất cả mọi người. Điểm then chốt của chương trình hành động này là huy động nguồn lực tài trợ cùng với nỗ lực của các quốc gia nghèo nhất thế giới để thực hiện mục tiêu đưa ít nhất 50% số nước ra khỏi danh sách này vào năm 2030. 

Ngân quỹ 52 tỷ USD của WB vì thế nằm trong nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến cam go chống lại đói nghèo trên toàn cầu. Theo đánh giá của WB, hiện còn 46 quốc gia (40 quốc gia ở châu Phi) nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới với tổng cộng 2,5 tỷ người, trong đó có tới hơn 1 tỷ người sống người mức nghèo khổ cùng cực có thu nhập dưới 1,25 USD/người/ngày.