“Giải cứu” lệch chuẩn ngôn ngữ

ANTĐ - Nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cây bút chính luận nổi tiếng trong nền báo chí Việt Nam đương đại - luôn trăn trở về việc giữ gìn và nâng cao văn hóa ngôn ngữ. Ông đã chia sẻ với phóng viên về trào lưu ngôn ngữ tuổi teen lệch chuẩn và cách khắc phục.

“Giải cứu” lệch chuẩn ngôn ngữ  ảnh 1Gia đình nhà báo Hồ Quang Lợi tại buổi ra mắt cuốn sách của ông mang tên
“Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” 

Văn hóa nâng cánh cho Thủ đô phát triển 

- Trong cuốn sách xuất bản gần đây nhất của nhà báo Hồ Quang Lợi mang tên “Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại”, ông đã nhận định: Hà Nội đang khởi sắc từng ngày và đang vươn mình lên tầm cao mới. Tác giả có thể nói rõ hơn, bản lĩnh vượt khó của người Hà Nội được ông trân trọng viết trong cuốn sách này là những ưu điểm nào?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi:  Bản lĩnh vượt khó của người Hà Nội được xây đắp từ truyền thống vẻ vang trong suốt thời kỳ lịch sử dân tộc. Phẩm chất tốt đẹp của Người Hà Nội là tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến. Ở thời đại nào, người Hà Nội cũng luôn biết vươn lên bằng bản lĩnh vững vàng, bằng trí tuệ, sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa, và khả năng tiếp nhận những tri thức tiên tiến, nắm bắt cái mới, sự năng động và sáng tạo. Những nhân tố này xây đắp nên bản lĩnh của người Hà Nội, tạo nên một sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất to lớn để vượt qua mọi khó khăn. Khi mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh những thuận lợi lớn, Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Trong một thời gian tương đối ngắn, Hà Nội đã giải quyết được nhiều công việc đồ sộ, nhiều việc không có tiền lệ. Nhưng Hà Nội vẫn phát triển và vẫn là một trong hai đầu tàu kinh tế phát triển quan trọng nhất cả nước. Hà Nội đang khởi sắc từng ngày và đang ở trên tầm cao phát triển mới. 

- Vậy theo ông, muốn đưa Hà Nội lên một tầm cao mới, người Hà Nội cần loại bỏ những điểm yếu gì?

- Điểm yếu của người Hà Nội có lẽ cần phải có những cuộc hội thảo khoa học để nhìn nhận một cách toàn diện, sâu sắc hơn. Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy ở trong đời sống có lẽ là đòi hỏi một tinh thần hợp tác cao hơn nữa, một tính liên kết bền vững hơn. Và đây đó chúng ta vẫn nhìn thấy sự trì trệ, sự nhiêu khê trong bộ máy công quyền của Hà Nội, bởi vậy trong những năm vừa qua Hà Nội thực hiện cải cách hành chính khá mạnh mẽ và đã có những tiến bộ rõ rệt. Nhưng xét về tốc độ, về chất lượng để tạo ra hiệu quả cao hơn nữa về hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền quản lý các cấp thì đòi hỏi Hà Nội phải quyết liệt hơn nữa để tiến tới một nền hành chính thực sự khoa học, thực sự là phục vụ người dân.

Bên cạnh sự phát huy tính dân chủ, Hà Nội phải đặc biệt chú trọng tăng cường tính kỷ cương, chấp hành luật pháp tự giác, nghiêm túc trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Mà điều này chúng ta có thể nhìn thấy sự bất cập, những thiếu sót, khuyết điểm khá phổ biến ở trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dễ nhận thấy nhất là trong văn hóa giao thông, trong sinh hoạt văn hóa ở các nơi công cộng và văn hóa ứng xử của người Hà Nội cũng đang gặp sự xô lệch, mai một và có những hiện tượng rất đáng lo ngại, nhất là trong một bộ phận của lớp trẻ.

- Có một thực tế, giới trẻ sử dụng ngôn ngữ tuổi teen lệch chuẩn đang làm mất dần sự trong sáng của tiếng Việt. Theo ông, vì sao có sự “nhiễu loạn” của ngôn ngữ lệch chuẩn đến mức như vậy?

-  Tôi nhất trí với nhận xét của nhiều chuyên gia cho rằng, sự “nhiễu loạn” không đáng có của đời sống ngôn ngữ đương đại do một số nguyên nhân: Sự giảm sút tình yêu tiếng Việt, ý thức, trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của một bộ phận nhân dân. Xu hướng lai căng, vọng ngoại, thích hiện đại, thích “thể hiện cá tính, đẳng cấp” của một số người, đặc biệt là giới trẻ. Một số doanh nghiệp nắm bắt tâm lý sính ngoại của người dân nên triệt để khai thác: tên thương hiệu, vỏ bao bì, cách quảng cáo… Một số người thường thể hiện sự “uyên bác” bằng cách diễn đạt pha trộn nhiều tiếng nước ngoài, hay diễn đạt khó hiểu, dùng các từ nước ngoài một cách không cần thiết…

Sự thiếu hụt tri thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng trong đời sống hiện đại khiến cho những người không biết nghĩa của các từ Hán Việt ngày càng nhiều, dẫn đến việc dùng sai tiếng Việt. Ở đây còn cần phải nói đến sự dễ dãi, vô nguyên tắc trong sử dụng ngôn ngữ của giới truyền thông; sự lạm dụng các yếu tố ngoại ngữ, khẩu ngữ, cách diễn đạt để gây “ấn tượng”, “giật gân” và cả sự thiếu tích cực, “chậm chân” của công tác nghiên cứu, phản biện về ngôn ngữ…

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người rằng, chúng ta cần có một cái nhìn biện chứng trong vấn đề này. Xu hướng gia tăng vốn từ vựng là một xu thế, yêu cầu tất yếu. Cuộc sống phát triển càng năng động thì tốc độ của sự gia tăng này càng cao. Cuộc sống không thể chờ các nhà chuyên môn, các nhà ngôn ngữ học phân tích xem từ nào, cách diễn đạt nào là đúng, là hay, chờ “cấp phép” rồi mới dùng, mà cứ “hồn nhiên, tự nhiên” vay mượn, vận dụng, sáng tạo… để sử dụng. Rồi sau đó, theo thời gian, cái gì đúng đắn, được cộng đồng chấp nhận thì sẽ tồn tại, gia nhập vào vốn ngôn ngữ, được đưa vào từ điển, cái gì không phù hợp thì sẽ bị đào thải, sẽ bị lãng quên, một số từ ngữ cổ không phù hợp cũng không được sử dụng nữa. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bình tâm, phó mặc cho sự “thanh lọc” tự nhiên của đời sống ngôn ngữ. Bởi vì quá trình này thường diễn ra chậm, không triệt để và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. 

- Hà Nội với truyền thống nghìn năm văn hiến, nên ứng xử sao đây để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? 

- Tiếng Hà Nội rất sang và đẹp. Tiếng Hà Nội là tiếng Việt chuẩn. Tôi nghĩ, tiếng Hà Nội là tinh hoa của tiếng Việt. Chúng ta cần đề cao trách nhiệm của giới nghiên cứu ngôn ngữ, giới truyền thông, hệ thống giáo dục, các tổ chức xã hội… đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, các nhà ngôn ngữ học không thể bình tâm, thản nhiên đứng ngoài cuộc mà cần có những sự khảo sát, thống kê, tiến hành những nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về thực tiễn đời sống ngôn ngữ, kịp thời có những phản biện nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong đời sống ngôn ngữ, giúp người dân điều chỉnh hành vi ngôn ngữ. Có nhiều cách diễn đạt mà người dân cảm thấy bình thường, thậm chí “thú vị” nhưng khi các nhà ngôn ngữ học phân tích mới thấy được những bất cập, sai sót.

“Giải cứu” lệch chuẩn ngôn ngữ  ảnh 2“Mọi công dân Thủ đô cần có “căn cước văn hóa”. Căn cước ấy là hình ảnh thanh lịch, hào hoa, tinh tế, nhân ái thể hiện qua từng hành vi, cử chỉ, góp phần làm đẹp Thủ đô”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi

Người lớn phải làm gương trước tiên

- Gần như nhiều bậc cha mẹ không “giải mã” nổi ngôn ngữ teen của con mình. Ông thử hình dung điều gì sẽ xảy ra sau nhiều năm nữa, tiếng Việt sẽ “lai căng”, hỗn tạp đến mức nào? Có cách gì để làm chậm lại quá trình lai căng này hay không, thưa ông?

- Nhìn lại chặng đường phát triển của tiếng Việt từ thuở dựng nước, giữ nước đến nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với không ít mưu đồ đồng hóa, tiếng Việt không những không bị đồng hóa mà còn phát triển ngày càng hoàn thiện. Tiếng Việt đã đảm đương tốt vai trò là ngôn ngữ văn hóa dân tộc và chúng ta thấy được sức sống mạnh mẽ của một ngôn ngữ đã là niềm tự hào của biết bao thế hệ. Bởi thế, ngôn ngữ ấy không dễ dàng để mất đi bản sắc của mình. Thực tế, ngôn ngữ có quy luật phát triển của riêng nó.

Việc tiếp thu những cái mới và xóa bỏ, loại trừ những yếu tố không phù hợp luôn là hai phép cộng và trừ gắn liền với quy luật phát triển của mỗi ngôn ngữ. Một cá nhân không thể thay đổi được ngôn ngữ, nhưng cộng đồng, xã hội đó có thể định hướng cho ngôn ngữ đó phát triển như thế nào. Điều này, không nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Một quốc gia có chính sách ngôn ngữ tốt sẽ giúp cho ngôn ngữ của quốc gia đó lớn mạnh. Vì vậy, khi nói đến ngôn ngữ của một “tầng”, “lớp” nào đó trong xã hội, nó sẽ không nằm ngoài xu hướng chung của ngôn ngữ xã hội đó. Vì thế, cần có một nỗ lực chung của cả cộng đồng ngôn ngữ không riêng gì nhà trường, gia đình, hay bản thân thế hệ trẻ.

Chúng ta cần hiểu được tâm lý lớp trẻ và hướng dẫn các cháu hiểu được cách thể hiện nào là không nên. Những người lớn tuổi, trước hết là trong gia đình, các thầy cô giáo phải rất quan tâm và chú ý phát triển văn hóa đọc trong lớp trẻ ngay từ mẫu giáo. Sự trong sáng của tiếng Việt cần được thể hiện từ trong câu chuyện đến những nét vẽ đầu tiên phải được chú trọng. Chúng ta phải quan tâm hơn tới viết sách cho thiếu nhi để từ đó giáo dục nhân cách, thói quen tốt và rèn luyện thói quen nói và viết chuẩn. Muốn vậy, người lớn trong gia đình, ngoài xã hội phải làm gương trước tiên.

- Ở góc độ một phụ huynh, ông có hay bị vướng vào tình huống khó giải mã ngôn ngữ teen mà con em mình sử dụng? Nếu có thì ông xử lý tình huống này thế nào?

- Ngôn ngữ teen chỉ tồn tại trong một bộ phận của lớp trẻ và ở một lứa tuổi nhất định nào đó thôi, chứ không phải toàn bộ lớp trẻ. Trường hợp như con gái tôi, hồi học THCS cháu cũng bị nói theo ngôn ngữ teen, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn. Sau khi lên THPT, học chuyên văn, cháu thấy ngôn ngữ teen rất vớ vẩn và khuyên các bạn không sử dụng. Cháu chủ động giao tiếp tin nhắn với các bạn bằng tiếng Việt chuẩn xác, và nếu ai nhắn theo ngôn ngữ teen thì cháu không giao tiếp, buộc những bạn ấy phải quay lại ngôn ngữ tiếng Việt. Và nếu cháu nào cũng được giáo dục như thế thì sẽ đẩy lùi được ngôn ngữ teen lệch chuẩn. Con gái tôi sau đó thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đỗ thủ khoa. Tôi rất mừng là cháu viết ngôn ngữ chuẩn, văn phạm chuẩn và tham gia CLB báo chí phòng chống tham nhũng.