Giải cứu Eurozone

ANTĐ - Việc Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trì hoãn khoản cứu trợ tiếp theo dành cho Hy Lạp khiến cho nguy cơ tan rã tiếp tục lơ lửng trên khu vực này.

Cuộc khủng hoảng nợ công làm đau đầu cả nền kinh tế thế giới

Hy Lạp được xem là một “mắt xích” yếu nhất, là “tâm bão” trong cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng nhất kể từ khi đồng tiền chung euro ra đời năm 1999 tới nay. Cho dù đã nhận được gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro vào năm ngoái từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) song Hy Lạp vẫn đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi gánh nợ khổng lồ.

Cho dù Chính phủ Hy Lạp đã áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ cả năm qua cũng như bán đi hàng loạt tài sản công song vẫn chưa đủ để trang trải khoản nợ công đáo hạn quá lớn. Để tránh khỏi kịch bản phá sản tồi tệ, Hy Lạp cần một khoản cứu trợ khẩn cấp khoảng 8 tỷ USD.

Người có thể ra tay giải cứu Hy Lạp vào những lúc nguy cấp tài chính như hiện nay hầu như chẳng có ai ngoài mấy “ông lớn” trong Eurozone. Thế nhưng, các quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh trong liên minh lại bất đồng quan điểm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nói chung cũng như trong chuyện giải cứu Hy Lạp nói riêng.

Một số thành viên Eurozone ủng hộ việc tìm kiếm nguồn tài chính như phát hành trái phiếu châu Âu… để lấy tiền “bơm” cho các thành viên đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ công. Song có những thành viên khác, trong đó đi đầu là Đức - quốc gia có tiềm lực tài chính hùng mạnh nhất trong Eurozone, lại cho rằng cần phải trừng phạt các thành viên đã không tôn trọng các cam kết về ngân sách.

Giữa lúc các thành viên Eurozone chưa tìm được tiếng nói chung thì cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trở nên trầm trọng, trong đó Hy Lạp bị đẩy đến bên bờ vực phá sản. Việc Hy Lạp có khả năng phá sản hoặc bị loại khỏi Eurozone đã đặt ra thử thách mang tính sống còn với liên minh tiền tệ này trong suốt hơn một thập kỷ tồn tại vừa qua.

Vấn đề nghiêm trọng tới mức người ta thấy lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Timothy Geithner, đã phải đến tham gia Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone ngày 16-9 vừa qua. Tại đây, ông Geithner đã cảnh báo về "những nguy cơ mang tính thảm họa" nếu đẩy Hy Lạp vào “bước đường cùng” vì Hy Lạp vỡ nợ thì không một quốc gia nào thoát nạn.

Thử thách ngặt nghèo đã buộc các thành viên Eurozone phải đi đến thỏa hiệp nhằm giải cứu Hy Lạp song nếu nhìn rộng ra là giải cứu chính liên minh tiền tệ mới hơn mười tuổi này. Theo đó, Hy Lạp sẽ nhận được khoản cứu trợ cần thiết khoảng 8 tỷ euro (11 tỷ USD).

Tuy nhiên, khoản cứu trợ này sẽ chưa được giải ngân ngay mà sẽ được trì hoãn cho tới tháng 10 tới. Sở dĩ có khoảng thời gian trì hoãn này là còn để xem các thành viên khác trong Eurozone thực hiện nghiêm túc tới đâu những cam kết cải cách.

Dù Hy Lạp còn phải “cắn răng” thực hiện những biện pháp “thắt lưng buộc bụng hà khắc” song dù sao thì cũng đã  thắp lên hy vọng được giải cứu không chỉ cho riêng quốc gia này.