“Giải cứu” dưa hấu, hành tím: Không chỉ bằng “giải pháp tấm lòng”

ANTĐ - Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 38 khai mạc sáng 11-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, những tháng đầu năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, như xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao... 

Không thể chỉ chờ giải pháp “tấm lòng”

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước còn chậm. Trong quý I-2015 cả nước có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có đến 2.565 doanh nghiệp giải thể và 16.175 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động…

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu không có giải pháp mạnh tháo gỡ các khó khăn hiện tại thì nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ có rất nhiều thách thức, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% cũng không phải đơn giản.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được của nền kinh tế xã hội đất nước những tháng đầu năm nay dù bối cảnh chung hết sức khó khăn. 

“Giải cứu” dưa hấu, hành tím: Không chỉ bằng “giải pháp tấm lòng” ảnh 1

Nông dân miền Trung không thể chỉ trông chờ vào tấm lòng của đồng bào giúp tiêu thụ nông sản, mà còn cần giải pháp căn cơ, gắn sản xuất với thị trường

Đề cập đến vấn đề của nông nghiệp khi diễn biến một số mặt hàng nông sản không đi vào thị trường, giá cả thấp, đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2015 nên bổ sung đánh giá đời sống của một bộ phận nông dân rất khó khăn.

Bà Trương Thị  Mai phân tích: “Vừa qua chúng ta đều thấy cả xã hội, cộng đồng phải chung tay tiêu thụ dưa hấu, hành tím để giúp đỡ bà con nông dân, nhưng đó chỉ là “giải pháp tấm lòng”, là giải pháp tạm thời”.

Dẫn chứng bản thân cũng mua dưa hấu ủng hộ bà con, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý: “Không chỉ dưa hấu, hành tím mà nhiều thế mạnh nông nghiệp khác như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê cũng đang gặp khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được hoặc bị ép giá. Nếu không đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, không gắn sản xuất với thị trường thì không chỉ năm nay mà các năm sau cũng tiếp tục khó khăn như vậy”.

 

Chuyển nguồn 10.000 tỷ đồng thực hiện chính sách tiền lương

Chiều 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2014. Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về phương án phân bổ này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thống nhất với Tờ trình sẽ dành và chuyển nguồn sang năm 2015 theo Nghị quyết số 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, để thực hiện chính sách tiền lương 10.000 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhất trí với việc thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho 3 địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 1.612,8 tỷ đồng… Sau khi rà soát lại, giảm dự toán, số kinh phí phân bổ giảm được gần 1.700 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.

Xem xét về việc sửa đổi 

Điều 60 - Luật Bảo hiểm xã hội


Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, nội dung xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần, dự kiến sẽ diễn ra vào chiều nay 12-5.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo trình tự pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi cho ý kiến vào nội dung sửa đổi nói trên, sẽ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội cho ý kiến để có thể đưa ra quyết định sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ngay tại kỳ họp thứ 9 tới.
Minh Trí

Cũng trong chiều 11-5, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014. Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua đã được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào việc ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực cơ bản như đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính… mặc dù đã được khắc phục nhưng còn chậm. Nguyên nhân do chính sách pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt nhiều cơ quan đơn vị thực hiện còn hình thức, chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt. 

Thẩm tra về báo cáo này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã có sự tiến bộ hơn những năm trước, thể hiện rõ nhất qua việc các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, báo cáo còn thiếu các số liệu, đánh giá cụ thể về kết quả tiết kiệm cũng như những lãng phí đã phát hiện và xử lý; chưa làm nổi bật được các lĩnh vực và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân còn để xảy ra lãng phí, chưa phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, báo cáo này của Chính phủ khá rõ ràng nhưng cần bổ sung thêm những mặt tích cực, những gương điển hình để động viên khích lệ những cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt.