"Giải cứu" cải lương khỏi cơn bĩ cực

ANTD.VN - Trong những nỗ lực hút khán giả đến với rạp hát, một số đoàn nghệ thuật cải lương của miền Bắc và miền Nam đã bắt tay vào dàn dựng các tác phẩm có yếu tố ma mị, hù dọa khán giả. Dù ít nhiều gây được hứng thú với người xem, nhưng cách làm này đã được giới làm nghề tiên lượng, chẳng thể cứu môn nghệ thuật truyền thống này khỏi cơn bĩ cực…

"Giải cứu" cải lương khỏi cơn bĩ cực ảnh 1Vở diễn “Ngạ quỷ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã sử dụng yếu tố kinh dị như chất xúc tác đưa người xem đến với thuyết luân hồi trong đạo Phật

Cải lương dọa… “ma” 

Cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cải lương đang thu hẹp lĩnh vực hoạt động để nhường khán giả cho các loại hình giải trí hấp dẫn hơn. Để lôi kéo người xem trở lại với sân khấu truyền thống, các đạo diễn cũng phải nghĩ ra đủ cách, thử đủ kiểu. Và một trong những cách dàn dựng gần đây được đánh giá là mới là dựng vở có yếu tố “ma”.

Sân khấu Sài Gòn tiên phong đưa yếu tố ma mị vào loại hình nghệ thuật này. Hiệu ứng khán giả tốt, thu hút được khán giả hiếu kỳ tới thưởng thức, và thế là cải lương kinh dị nhanh chóng được du nhập ra Bắc. Gần đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã ra mắt vở diễn “Ngạ quỷ”, dù mới chỉ chạm tay tới yếu tố ma mị nhưng tác phẩm đã đánh dấu sự thử nghiệm của một đơn vị nghệ thuật công lập. 

Khi đưa yếu tố kinh dị vào cải lương, khán giả miền Bắc và miền Nam đều không cảm thấy gượng ép hoặc gặp khó khăn trong tiếp thu nội dung vở diễn. Bởi bản chất của nghệ thuật cải lương là đổi mới nên biên độ cho sự cách tân, sáng tạo luôn rộng mở. Tuy nhiên, ở hai miền lại có sự khác nhau trong sử dụng yếu tố này. Nếu như vở cải lương “Hồn ma báo oán” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) đậm tính liêu trai chí dị thì “Ngạ quỷ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam lại chỉ thoảng qua yếu tố kinh dị như một chất xúc tác để đưa khán giả đến với thuyết luân hồi trong đạo Phật. Nhưng ở cả hai cách làm này, khán giả đều thấy hứng thú với sân khấu cải lương hiện đại, khi đã tìm ra một hình thức thể hiện mới và tạo cảm giác lạ lẫm cho người xem. 

Không thể chạy theo thị hiếu

Tuy nhiên, khi đặt ra câu hỏi, đây có phải là hướng đi cần thiết để “giải cứu” nghệ thuật cải lương khỏi cơn bĩ cực? Nhiều nhà nghiên cứu, lý luận sân khấu đều lắc đầu và cho rằng, việc sử dụng yếu tố kinh dị chỉ nên xem như một thủ pháp nghệ thuật, một cách thử đối với khán giả để từ đó đi tìm các cách làm hay hơn, hấp dẫn hơn với cải lương. 

NSND Mạnh Tưởng cho rằng: “Cải lương không thiếu đề tài để khai thác, bên cạnh các vở diễn làm giật mình đối với khán giả. Về lâu dài, những vở cải lương kinh dị sẽ không còn hấp dẫn người xem bởi đó là một cách làm mang tính nhất thời, giải trí đơn thuần”. Quả thật, sân khấu Sài Gòn đã từng chứng kiến sự nở rộ của các vở kịch nói, vở cải lương kinh dị nhưng sau đó cũng dần mất khách do kịch bản yếu, lối dàn dựng ít thay đổi và quan trọng hơn, khán giả xem mãi một thủ pháp cũng nhàm. Trong khi ấy, sức hấp dẫn của nghệ thuật nằm ở tầm nhìn vượt thời đại và hình thức thể hiện song hành cùng thời gian. 

Sự thận trọng của các đoàn nghệ thuật công lập cùng thói quen thưởng thức của khán giả miền Bắc đã hạn chế sự xuất hiện của các tác phẩm cải lương mang nặng yếu tố giải trí. Do vậy, cải lương “ma” chưa trở thành một trào lưu tại sân khấu Thủ đô nhưng sự xuất hiện của “Ngạ quỷ” lại báo trước xu thế tất yếu của cải lương là buộc phải đổi mới để hút khách. Trong đó, những cách làm mới như đưa ban nhạc Rock biểu diễn trực tiếp trên sân khấu cải lương, sử dụng đèn Led… đã chứng tỏ được sức hấp dẫn với người xem. Do vậy, để cải lương tiếp tục gắn bó với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, các đạo diễn và đội ngũ sáng tạo cần thử nghiệm nhiều hơn, làm cho sân khấu luôn mới mẻ trong mắt người xem và phá tan định kiến về sự hoài cổ của bộ môn nghệ thuật này.