Giải “bài toán” thất nghiệp

ANTĐ - Một trong những chỉ số đánh giá thể trọng, “sức khỏe” của nền kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động là 2,95%, tỷ lệ thất nghiệp là 2,28%. Dự báo, 6 tháng cuối năm tình hình lao động tiếp tục ổn định nhưng việc làm của người lao động vẫn chưa thực sự được cải thiện.

Nếu đối chiếu tỷ lệ thất nghiệp với 24.930 doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, cũng như thực tế số lượng lao động ngày càng tăng và khó tìm được việc làm, một số chuyên gia cho rằng những số liệu trên chưa phản ánh hết thực trạng thị trường nhân lực. Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội nhận xét, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm đang thấp ở mức đáy. Số lượng lao động phổ thông chỉ cần vài trăm người, trong khi các năm trước tới hàng nghìn, chủ yếu để thay thế lao động nghỉ việc. Phần lớn lao động được tuyển dụng tập trung vào người đã có tay nghề khá và kinh nghiệm. Thị trường lao động diễn ra tình trạng phổ biến là người lao động trẻ ở nông thôn làm việc theo thời vụ, khi nông nhàn họ ra thành phố làm nghề xây dựng, lao động dịch vụ, giúp việc gia đình… để tăng thu nhập. Lực lượng này được gọi là nguồn nhân lực chưa toàn dụng lao động, sự lãng phí rất lớn nhưng lại chưa được xếp vào đội quân “thất nghiệp”.

Trong khi nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng  khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được cải thiện là điều khó lý giải. 

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho rằng, giữa thất nghiệp, thiếu việc làm và an sinh xã hội có mối quan hệ qua lại. Ở các nước phát triển, phụ nữ trẻ, thanh niên chiếm đại bộ phận lao động nghèo khó tìm kiếm việc làm ổn định. Việc tái cơ cấu nguồn nhân lực cần phải phù hợp với chiến lược trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Tái cơ cấu không đơn giản là cắt giảm, sa thải người lao động vì sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến doanh nghiệp. Trong khi, Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cũng như một số công ty tuyển dụng lao động nhận định, thị trường lao động tiếp tục mất cân đối cung - cầu theo ngành nghề và trình độ. Nhu cầu nhân lực có xu hướng giảm về số lượng, tăng nhu cầu tuyển dụng chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ. Vì vậy, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành sẽ căng thẳng hơn vào nửa cuối năm nay. 

Thất nghiệp luôn là “bài toán” đau đầu ngay cả với các nước phát triển, nước ta không phải là ngoại lệ, chỉ có điều nghịch lý giữa giáo dục – đào tạo, dạy nghề với nhu cầu của doanh nghiệp; giữa người lao động và người sử dụng chưa có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Lãng phí nguồn nhân lực đã và đang để lại hậu quả cho kinh tế - xã hội. Sự “khập khiễng” nguồn nhân lực thật đáng lo ngại. 

Tin cùng chuyên mục