Giác quan thứ 6 kỳ bí hay chuyện thường?

ANTĐ - Con người có 5 giác quan cơ bản làm cầu nối với thế giới bên ngoài: Thính giác, khứu giác, thị giác, xúc giác và vị giác. Thế nhưng, chúng ta vẫn thường nhắc đến một loại giác quan khác – “giác quan thứ 6”. Khái niệm này được nhiều nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu như một bộ môn khoa học “ngoài” khoa học về khả năng biết trước một điều gì đó khi con người đón nhận thông tin từ thế giới xung quanh thông qua một giác quan đặc biệt, vượt trội hơn hẳn sức mạnh của 5 giác quan cơ bản.

Linh cảm từ đâu đến?

Cho đến nay các nhà khoa học chưa thể trả lời được câu hỏi: Những tín hiệu mà ta cảm nhận được, cái được gọi là “giác quan thứ 6″ là lời mách bảo của một sức mạnh siêu nhiên nào đó hay là thuộc tính tự nhiên của loài người? Vì rõ ràng, linh tính không phải là kết quả quá trình tư duy, nó nằm ngoài phạm trù logic và biện chứng. Nhưng thật ngược đời, sự logic mà linh tính mách bảo, trong nhiều trường hợp dường như lại đúng và lại là điều cần phải làm.

Ngày 29/2/2012, TAND Tối cao đã xét xử phúc thẩm và tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Văn Thành (23 tuổi, trú xóm 9, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) về tội giết người, hiếp dâm và trộm cắp tài sản. Anh Nguyễn Văn Hưng, ở xóm 9, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu là chồng của nạn nhân kể lại: “Cứ như có linh tính mách bảo, hôm tôi chuẩn bị lên đường đi làm ở Sơn La thì Hà cứ bảo tôi là “Anh đi làm xa nhà, em ở nhà sợ lắm!” Hôm ở nhà Hà xảy ra chuyện thì tôi đang làm tại công trường ở một bản miền núi xa xôi của tỉnh Sơn La. Tự nhiên tối hôm đó tôi bị một cơn đau bụng dữ dội và bất thường. Sau cơn đau bụng thì thấy ruột gan nóng ran và cứ muốn về nhà. Và trong lúc đứng ngồi không yên thì tờ mờ sáng nghe người nhà báo tin vợ tôi đã mất”.

Câu chuyện trên chỉ là một trong vô vàn những chuyện kỳ bí về linh cảm đã xảy ra. Nhà thơ Nga Lermontov (1814-1841) đã kể lại câu chuyện khi ông còn là sĩ quan biên phòng ở Kabkaz. Một hôm ông đang ngồi đánh bài với lính của mình và nhìn thấy một người có vẻ mặt khác lạ so với ngày thường, ông bèn nói với người ấy: "Anh phải đề phòng, có lẽ anh sắp bị chết bất đắc kỳ tử. Đêm nay, anh nên ngủ lại ở đồn biên phòng và sáng mai hãy về". Người lính ấy không tin, ra về và dọc đường đã bị một người say rượu đâm chết. George Sors, nhà tỷ phú người Mỹ xếp hạng 38 trong số những người giàu nhất thế giới là một ví dụ về khả năng tận dụng giác quan thứ 6. Phần lớn các cuộc đầu tư bạc tỷ của Sors đều dựa vào linh cảm. Ông cũng nói rằng mỗi khi lưng mình bắt đầu nhói đau là tín hiệu báo trước một điều gì đó không thuận lợi trong quyết định đầu tư chuẩn bị được đưa ra. Những trường hợp đó, ông đã nghiên cứu kỹ các điều kiện hoặc rút lui đúng lúc và nhờ vậy đã nhiều lần tránh được thất bại. Nhiều trường hợp “giác quan thứ 6” hoàn toàn trái ngược với logic, tư duy nhưng lại vẫn thích hợp. Napoleon (1769-1821) khi quyết định đem quân đi đánh vào nước Nga năm 1812 đã linh cảm là cuộc xâm chiếm này sẽ thất bại nhưng ông vẫn cứ tiến hành vì theo ông, cái vĩ đại chỉ cách cái lố bịch có một bước. Kết cục là sự việc không may lại diễn ra đúng như linh tính của ông. 

Theo những giả thuyết gần đây về trí tuệ con người thì tâm lý con người chỉ ý thức được một số ít những ấn tượng cảm nhận bằng giác quan. Những ấn tượng còn sót lại được bộ não cất giữ trong tiềm thức, luôn sẵn sàng đưa ra sử dụng. Tiềm thức là cái kho vô tận để nảy sinh các linh cảm. Cho nên linh cảm không phải là chuyện may mắn, linh cảm chỉ xuất hiện trên một bộ não đã được chuẩn bị. Có bác sĩ chỉ cần nghe các triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhân là có thể nói chính xác căn bệnh trong khi bác sĩ khác phải đọc hàng tập giấy xét nghiệm mới kết luận được. Có thể nói bác sĩ này có trực giác hay linh cảm cao. Một nghiên cứu cho thấy, linh cảm giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của 80% trong số 253 họa sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ. Các nghệ sĩ thiên tài thường xuyên đắm chìm trong thế giới nghệ thuật nên linh cảm đến thăm họ nhiều hơn. Những tác phẩm bất hủ của Picasso, Mozart… đều là kết quả đột phá của một quá trình chiêm nghiệm lâu dài, có khi “hiện ra” trong lúc họ đang ngủ. Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo là Mozart (1756-1791) khẳng định rằng, mỗi tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết tinh của nguồn cảm hứng, tư duy sáng tạo và do linh tính mách bảo.

Phải chăng khả năng nắm bắt được linh cảm là năng khiếu bẩm sinh của các thiên tài và nghệ sĩ. Lịch sử đã có nhiều minh chứng cho điều ấy. Nhà bác học Nga Mendeleev (1834-1907), người đã phát minh ra định luật tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đã nằm mơ thấy hiện rõ ra trước mắt toàn bộ bảng tuần hoàn. Điều này có thể giải thích được vì có lẽ ông đã nghiên cứu hàng chục năm vấn đề này và đến khi chín mùi thì kết quả đã hiện ra trong giấc mơ, ông chỉ việc ngồi bật dậy và chép lại. Ngay cả nhà vật lý, toán học và thiên văn học người Anh là Newton (1642-1727) đã phải công nhận linh tính đã đưa ông đến những phát minh vĩ đại.

Trong lịch sử, không những các nhà khoa học, các nhà quân sự mà cả những nhà chính trị cũng có khả năng linh cảm trước một số vấn đề. Một số người nổi tiếng cũng nhờ "giác quan thứ 6" mà thoát chết. Nhà chính trị người Anh Churchchill (1874-1965), được giải thưởng Nobel văn học năm 1953, hai lần làm Thủ tướng nước Anh (1940-1945) và (1951-1955), đã thoát chết trong trận oanh tạc của không quân phát xít Đức là do linh tính mách bảo. Năm 1944, ông Churchchill vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, làm thành một hố bom lớn, ngay chỗ Churchchill vừa đứng. Trong tập hồi ký của ông, Churchchill viết: "Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng".

TS. Gary Klein, tác giả cuốn sách Trực giác hoạt động cho rằng, cái mà người ta thường gọi là khả năng nhìn thấy cái vô hình chính là những năng lực tiềm tàng của trực giác con người. Đặc biệt, đối với những người mà nghề nghiệp buộc họ phải đưa ra những quyết định sinh tử và tức thì như: lính cứu hỏa, y tá cấp cứu hay lính trận… là những người thường thấy xuất hiện giác quan thứ 6. Họ thực hiện các hành động theo một linh tính nào đó trong những tình huống khẩn cấp khi họ không thể chọn lựa hay đưa ra một quyết định có ý thức.

Linh cảm là một cảm giác hay một quy luật?

Trải qua nhiều nghiên cứu, một số nhà khoa học tin rằng tất cả mọi người đều đã từng trải qua “cảm giác giác quan thứ 6” ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, tuy nhiên mức độ mạnh mẽ của giác quan này cũng khác nhau, phụ thuộc vào thế giới tinh thần ở mỗi người. Điển hình nhất là các giấc mơ “điềm báo” cho những gì sắp xảy ra. Người ta cho rằng cái gọi là “giác quan thứ sáu” vào thời xa xưa nào đó, con người cũng như các loài vật đều có, nhưng sau đó con người dần dần mất đi khả năng cảm nhận siêu nhiên này, song nhiều loài động vật vẫn còn giữ lại được. Chó cảm nhận được sự hiện diện của chủ nhân - thậm chí khi họ ở xa hàng cây số. Còn chim dường như khóc thương cái chết của những người xung quanh… Thú nuôi của chúng ta và những động vật khác lúc nào cũng có trực giác – nhưng liệu có thực là chúng có “giác quan thứ sáu” bí ẩn?

Đã có rất nhiều câu chuyện về hiệu ứng vật lý có liên quan đến “giác quan thứ sáu” ở động vật dự báo thiên tai sắp xảy ra như tình trạng cả “binh đoàn” cóc lũ lượt cõng nhau tháo chạy khỏi ao nhà của chúng tại L'Aquila (Ý) vào năm 2009. Một thời gian sau, vùng đó bị động đất. Cóc ở L'Aquila không phải là ví dụ đầu tiên cho thấy hành vi kỳ lạ của động vật trước khi một sự kiện địa chấn xảy ra. Trong lịch sử, có nhiều lần những đàn bò sát, động vật lưỡng cư và cá các loại đã có thái độ bất thường ngay trước khi một trận động đất xảy ra ở vùng đó. Vào năm 1975, cư dân tại thị xã Hải Thành ở phía nam tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đột nhiên thấy vô số rắn ra khỏi hang và bò kín đường trong thời điểm mùa đông rét mướt. Thông thường, đây là giai đoạn ở ẩn của rắn, và với nhiệt độ dưới 0 độ C, chuyện bò lổn ngổn giữa đường chẳng khác nào hành động tự sát đối với loài bò sát máu lạnh này. Tuy nhiên, một tháng sau đó, đã xảy ra cơn địa chấn mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển toàn bộ khu vực, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

Cho dù ngành khoa học dự cảm liên quan đến “giác quan thứ 6” đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong suốt gần 1 thế kỷ qua, nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải đáp. Phải chăng con người chưa thể chạm đến cái thế giới đang nằm ẩn sâu trong chúng ta? Có những sức mạnh năng lượng nào tồn tại xung quanh thế giới đó? Chừng nào các câu hỏi như vậy được trả lời, chừng đó khái niệm “giác quan thứ 6” mới thực sự có tính thuyết phục... Còn hiện tại, cái thế giới cảm tính vẫn lẩn quất quanh ta, ngay trong ý nghĩ của ta nhưng lại cực kỳ bí ẩn. Cứ theo bài nghiên cứu  "Linh cảm là một cảm giác hay một quy luật?” của tờ Times thì  "Vấn đề linh cảm rõ ràng là một bí mật lớn. Bởi vì, vũ trụ là vô tận, đầy bí mật và mỗi ngày chúng ta chỉ biết thêm một chút trong cái ta chưa biết vô cùng lớn ấy. Nhưng như con kiến tha lâu đầy tổ, chúng ta cứ chịu khó tìm tòi và biết đâu sẽ tìm ra một quy luật chi phối toàn vũ trụ".