Giấc mơ ô tô "made in Vietnam"?

ANTD.VN - Do chậm đổi mới về tính năng, mẫu mã nên ở dòng xe con (dưới 9 chỗ ngồi), người dùng Việt Nam vẫn chuộng hàng ngoại hơn. 

Quyết tâm có ô tô “made in Vietnam”

Báo cáo của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chỉ đạt trung bình 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. “Bao giờ người dân Việt Nam đi xe ô tô made in Vietnam?” vẫn là một câu hỏi lớn. 

Chậm đổi mới, khó cạnh tranh

Theo báo cáo của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe tải và xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên gần đạt mục tiêu đề ra (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%), thì đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi, mục tiêu này gần như không thực hiện được.

Cụ thể, kế hoạch đề ra là năm 2005, tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe này là 40% song đến nay, con số đạt được chỉ 7-10%. Trong đó, Thaco Trường Hải đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% (riêng dòng xe Innova thấp hơn). 

Lý giải về thực trạng này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết: “Đây là 2 mặt của 1 vấn đề, dung lượng thấp dẫn đến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước kém phát triển dẫn đến dung lượng thấp”, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nói.

Trên thực tế, số lượng xe con nhập khẩu lớn một phần do tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Tỷ lệ nội địa hóa thấp của dòng xe con còn có nguyên nhân quan trọng từ việc chậm đổi mới, cải tiến mẫu mã, tính năng sản phẩm.

Thêm vào đó, công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất. Trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có quy mô lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… Vì vậy, các tập đoàn này hạn chế mở rộng quy mô tại Việt Nam.

“Nhường” thị trường cho nhà nhập khẩu?

Bộ Công Thương cho biết, phần lớn doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất ở mức độ lắp ráp đơn giản với dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là: hàn - sơn - lắp ráp - kiểm tra. Thực trạng này cộng với việc từ ngày 1-1-2018, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN sẽ về 0%, thì liệu thị trường ô tô Việt Nam có rơi vào tay các nhà nhập khẩu?

Hiện tại, tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô của doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 500.000 xe/năm. Trong đó có 12 hãng hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210.000 xe/năm trong năm 2016.

Mặc dù vậy, nhập khẩu ô tô, đặc biệt xe dưới 9 chỗ ngồi vẫn được đánh giá là “gia tăng đột biến” trong 2 tháng đầu năm 2017. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là ASEAN và Ấn Độ. Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi xe dưới 9 chỗ ngồi từ ASEAN vào Việt Nam nhiều do thuế nhập khẩu đã được điều chỉnh giảm từ 40% xuống còn 30% theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Và đương nhiên, khi dòng thuế này về 0% thì doanh nghiệp ô tô trong nước còn lo lắng hơn nữa. 

Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ việc giảm thuế mà xe nhập từ Ấn Độ  tăng mạnh. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít từ đầu năm 2016, thuế xuống còn 40%. Dòng xe có dung tích từ 1,5 đến 2 lít (tập trung chủ yếu ở phân khúc xe hơi) giảm về 40%, vì vậy việc giảm thuế này được cho là đã tạo lợi thế đáng kể cho xe từ Ấn Độ. Một lý do nữa là “chiêu” giảm giá “tới đáy” của các hãng xe Ấn Độ được cho là chiến lược cạnh tranh với các dòng xe của Thái Lan, Indonesia để vào thị trường ASEAN. 

Dự báo năm 2017, ngành ô tô tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ sự ổn định của nền kinh tế, trong đó, chủ yếu tăng trưởng tập trung vào dòng xe du lịch khi nhu cầu sở hữu xe ngày càng gia tăng, còn xe thương mại sẽ tiếp tục chững lại do chêch lệch cung cầu vận tải dưới áp lực từ chính sách quá tải đã đi vào mức cân bằng. Thực tế này cho thấy xe nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế và giấc mơ ô tô “made in Vietnam” rất xa vời.  

Giành lại thị trường

Trước tình trạng nhập khẩu ô tô tăng mạnh, đe dọa ngành sản xuất ô tô vô cùng non trẻ của Việt Nam, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ để nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Bộ Công Thương có trách nhiệm dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực; đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong trường hợp cần thiết có thể xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. 

Theo Bộ Công Thương, việc các tập đoàn có kế hoạch tăng sản lượng tại Indonesia và Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam có thể chỉ là chiến lược trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất sau này khi quy mô thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn. Nhu cầu lớn, cơ hội vẫn còn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiến hành nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tô, trong đó sẽ hình thành doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường. Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi, định hướng cho giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: Eco car, Hybrid…) gồm: xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Tương tự, xe tải và xe khách cũng cần nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Đối với chủng loại xe chở người dưới 9 chỗ ngồi (xe con), dung lượng thấp dẫn đến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh kém…”.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương

“Để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô, một trong những giải pháp cần thiết là cần xem xét lại ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất”.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải