Giấc mơ hay chỉ là sự hão huyền?

ANTĐ - Bóng đá Việt Nam vừa có 2 tin vui: Thứ nhất, trên BXH FIFA, ĐTVN bất ngờ nhảy vọt 5 bậc so với tháng trước để đứng ở vị trí 129 thế giới. Tuy đây không phải là vị trí cao nhất của ĐTVN (từng lọt vào tốp 100), nhưng cũng là vui với nhiều người. Thứ hai, “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Tổng cục TDTT và Liên đoàn BĐVN soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt. 

Việc này cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến vai trò, vị trí của bóng đá trong xã hội. Đó là điều vui. Nhưng rồi người hâm mộ BĐVN vẫn không vui. Bởi lẽ, còn nhớ mới đây thôi, sau khi ĐTVN thất bại nặng nề tại AFF Cup, nhưng vẫn được FIFA xếp nhất Đông Nám Á, trên cả những đối thủ mà ĐTVN thua “tâm phục khẩu phục” tại AFF Cup.

Còn theo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, bóng đá nước nhà sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và châu lục; đến 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á. Từ năm 2012-2020, chỉ tiêu đặt ra với Bóng đá nữ phải lọt vào tốp 6 châu Á năm 2020, còn ĐTQG nam và U23 VN là đoạt chức vô địch ĐNA hoặc SEA Games từ một đến hai lần; bóng đá nam đứng trong nhóm sáu quốc gia mạnh khu vực châu Á. 

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu hoàn thiện các giải VĐQG, gồm: Giải VĐQG (V.League), giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia, Siêu cúp Quốc gia, cúp Liên đoàn bóng đá VN, giải hạng Nhì quốc gia, giải hạng Ba quốc gia, các giải trẻ, giải bóng đá nữ, futsal, bóng đá bãi biển... Từ 2021-2030, LĐBĐVN (VFF) tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động bóng đá.

Lọt vào top 10 châu Á? Cách đây 10 năm, BĐVN đã  từng mơ như vậy và kết quả là bí bét như bây giờ. Khi đó, BĐVN bắt đầu bước những bước đầu tiên theo hướng bóng đá chuyên nghiệp. Các nhà làm BĐVN đã mộng về một ngày không xa, bóng đá Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Theo chuyện kể lại, những năm 50 thế kỷ trước, có một đoàn đại biểu bóng đá Nhật Bản  từng sang Việt Nam để học hỏi. Người Nhật khi đó chỉ mơ một ngày nào đó, sẽ được như Việt Nam. Thế mà bây giờ chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe được BĐVN mời sang làm “quân sư” lại đã cho rằng “Bóng đá Việt Nam hiện nay giống như bóng đá Nhật cách đây 20 năm!” Hơn 10 năm tập làm chuyên nghiệp, nhưng BĐVN vẫn ở vạch xuất phát dù đã có một thời, Liên đoàn BĐVN tự vỗ ngực V.League là giải đấu số 1 ĐNA. 

Và cho đến bây giờ, BĐVN vẫn cứ lại mộng mơ về giấc mơ ở nơi xa lắm. Còn lộ trình thực hiện chiến lược phát triển chẳng thấy đâu. Từ nhiệm kỳ II vào đầu những năm 1990 đã từng đưa ra những hứa hẹn, trong đó còn tính đến cả việc dự World Cup (!?). Nhưng nói vậy thôi chứ từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác những bước chiến lược luôn bị bỏ ngỏ. Chỉ thấy được ở các con số thống kê qua các nhiệm kỳ là đoạn nào cũng chỉ chú trọng đến chuyện kiếm tiền (đề án cá cược) và giữ tiền, rồi tiêu tiền và cả... chia tiền.

Bây giờ do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái ngày càng khó tin giấc mơ trên sẽ trở thành hiện thực. Có lẽ, BĐVN chỉ chờ vào một cú nhảy vọt trên BXH từ cách xếp hạng của FIFA thì mới có được điều mình mơ 

Người ta vẫn nói vui: Chẳng ai đánh thuế ước mơ.