Giấc mơ còn lâu mới có thật

ANTĐ - Anh Nguyễn Trung Dũng (33 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) ngồi trầm ngâm khi nhận được nhiều lời mời vay, gửi tiền trên mạng…

- Định gửi tiền hay vay mà tính toán ghê thế anh?

- Có tiền đâu mà gửi. Thấy bảo, lãi suất tiền gửi vừa giảm, nhiều người rút tiền về cho người thân, bạn bè vay, thấp nhất cũng bằng lãi ngân hàng, lại không phải lo về kỳ hạn.

- Như thế nhiều rủi ro lắm, gủi ngân hàng vẫn tốt hơn chứ?

- Thời buổi khó khăn thế này, đến hàng nước mía còn có khuyến mãi mua 3 tặng 1, học thạc sỹ nước ngoài còn giảm giá 30%. Gửi ngân hàng mất đi một đồng lãi cũng tiếc đứt ruột. Phải để đồng tiền quay vòng chứ không lại giảm lãi suất nữa thì chết.

- Ai cũng thế thì ngân hàng lấy đâu ra tiền cho vay?

- Thì họ lại có cách khác. Lãi là 11% nhưng nếu gửi nhiều, thì lãi “thỏa thuận”, có thể tới 

16-17%, nhưng trên giấy tờ thì chỉ ghi 11% thôi. 

- Thế lấy tiền đâu mà trả lãi chênh lệch?

- Lại có cách khác. Huy động tiền lãi suất cao, thì lãi suất vay cũng phải cao. Anh muốn vay gấp thì lại phải chịu lãi cao hơn mức quy định. Giấy tờ vẫn ghi đúng luật, sau đó người ta hướng dẫn anh gửi tiết kiệm lại một phần, lấy phần lãi của tiền tiết kiệm để bù phần lãi chênh lệch. Ngân hàng thu được tiền ngon ơ. Chẳng ai cấm vừa vay vừa gửi tiết kiệm cả, thế mới hay.

- Ngân hàng vẫn lãi to, người dân và doanh nghiệp thì khốn khổ… Như thế ai tin vào các ngân hàng nữa.

- Thì người ta mời chào đầy trên mạng, thậm chí cả nhắn tin, gọi điện tư vấn nữa… Chưa thấy ai chết vì lạm phát cao, nhưng khổ sở thì không ít, doanh nghiệp thì khỏi nói, với lãi suất cao như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp phá sản là chuyện “cơm bữa”. Làm sao phải rõ ràng, lấy lợi ích người dân, xã hội lên làm đầu thì mới là phát triển bền vững. Câu chuyện về ngân hàng Trung ương Đức vừa rồi chỉ dựa trên niềm tin và uy tín đã huy động được trái phiếu 5 tỷ euro với lãi suất 0% trong 2 năm là “giấc mơ còn lâu mới có thật” của các ngân hàng Việt Nam.