Giá vàng "nhúc nhích" tăng sau hơn 1 tuần giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng có diễn biến tích cực hơn trước thềm hội nghị kinh tế quan trọng của Mỹ ở Jackson Hole.

Giá vàng trong nước đã có 2 phiên nhích nhẹ liên tiếp với mức tăng dao động 50 – 100 nghìn đồng/lượng mỗi phiên. Hiện thương hiệu vàng SJC đang niêm yết tại Công ty SJC tại mức 66,30 – 67,10 triệu đồng/lượng (TP.HCM); 66,30 – 67,12 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Trên thị trường, các doanh nghiệp khác niêm yết vàng SJC quanh mức 66,15 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, sau hơn 1 tuần giao dịch tồi tệ, kim loại quý màu vàng đã bật tăng trở lại với mức tăng hơn 11 USD mỗi ounce trong phiên ngày 13/8 (đêm qua giờ Việt Nam), chốt phiên tại 1.748,3 USD/ounce (vàng giao ngay).

Chất xúc tác lớn cho thị trường kim loại quý là bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị thường niên mang tên “Triển vọng kinh tế” tại Jackson Hole vào thứ Sáu tới. Chủ đề bao trùm của hội nghị sẽ là “Đánh giá lại các hạn chế về kinh tế và chính sách”.

Dù vậy, tác động của thông tin xung quanh Hội nghị này đến thị trường tài chính là chưa rõ nét. Có lúc, chỉ số đồng USD - US Dollar Index – đã đạt kỷ lục 108,965 – tuy nhiên sau đó quay đầu giảm giúp cho giá vàng hồi phục. Trong sáng nay, chỉ số này lại quay đầu đi lên và đang đứng quanh 108,75 điểm.

Giá vàng quay đầu tăng sau hơn 1 tuần giảm

Giá vàng quay đầu tăng sau hơn 1 tuần giảm

Đồng đô la Mỹ và lợi tức kho bạc Mỹ tiếp tục là động lực chi phối cho vàng. Mỗi khi chúng tăng giá, vàng sẽ rút lui; trong khi bất kỳ sự sụt giảm nào của USD cũng sẽ kích hoạt một đợt tăng giá của kim loại quý.

Dù vàng tăng giá nhưng khả năng nó sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi hiện thị trường đánh cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Tín hiệu có thể được chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tại Jackson Hole.

Theo nhà kinh tế cấp cao của Mỹ Andrew Hunter của Capital Economics, chủ đề hội nghị có thể tập trung vào khía cạnh cung của nền kinh tế. Khi áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt, điều đó ngụ ý rằng việc giảm lạm phát hiện có thể đạt được với mức cầu giảm tương đối khiêm tốn.

“Đó là cơ sở chính cho quan điểm của chúng tôi rằng một cuộc suy thoái vẫn có thể tránh được trong những quý tới. Rõ ràng Fed đang hy vọng vào một kết quả tương tự và các quan chức có thể cố gắng củng cố khả năng đó vào tuần tới” – ông nói.

Hiện thị trường vẫn còn chia rẽ về việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất lên 50 hay 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9. Công cụ FedWatch của CME cho thấy xác suất đang nghiêng về khả năng tăng 50 điểm cơ bản với tỷ lệ 51,5%.

Fed được biết đến với việc sử dụng hội nghị chuyên đề Jackson Hole để báo hiệu những thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các nhà phân tích không mong đợi bất kỳ thay đổi đáng kể nào vì Powell sẽ muốn Fed linh hoạt tối đa trước cuộc họp tháng 9 khi họ chờ đợi một bộ số việc làm và lạm phát khác.

Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao Lukman Otunuga của FXTM cho biết đồng đô la Mỹ tiếp tục tạo ra sức mạnh dồi dào từ tâm lý e ngại rủi ro và lo ngại về việc Fed tái khẳng định thông điệp “diều hâu” của mình trong tuần này.

"Nếu ông Powell củng cố những kỳ vọng xung quanh việc Fed tiến tới với một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 9 và tiếp tục thắt chặt sau đó, điều này có thể thúc đẩy đồng USD. Ngược lại, nếu ông ấy có vẻ thận trọng bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ thì điều đó có thể làm suy yếu đồng tiền này".

Cho đến nay, Fed khá nhất quán trong việc giữ thái độ diều hâu bất chấp một số tín hiệu trái chiều từ biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố vào tuần trước. Biên bản cuộc họp tháng 7 của FOMC cho thấy các quan chức Fed đã đồng ý về sự cần thiết phải làm chậm lại chu kỳ thắt chặt nhưng tin rằng Fed trước tiên cần phải xem việc tăng lãi suất đang tác động đến lạm phát như thế nào.

Tin cùng chuyên mục