Giá vàng lao dốc trước áp lực mạnh mẽ từ đồng USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.800 điểm do hậu quả trực tiếp của việc tăng giá đồng USD. Vàng trong nước theo đó cũng giảm mạnh.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng SJC đồng loạt giảm sâu. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá thương hiệu vàng này ở mức 67,90 – 68,50 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 67,90 – 68,52 triệu đồng/lượng.

So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tại doanh nghiệp này đã giảm mạnh 300 nghìn đồng mỗi lượng.

Trên thị trường, các doanh nghiệp giảm giá vàng SJC với mức giảm dao độngt ừ 200 đến 250 nghìn đồng mỗi lượng và dao động quanh 67,90 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Dù vậy, mức giảm của vàng trong nước thấp hơn rất nhiều so với đà giảm trên thị trường thế giới. Đêm qua theo giờ Việt Nam, kim loại quý đã có lúc gần như rơi thẳng đứng, mức giảm trong phiên lên tới 47,50 USD/ounce, chốt phiên tại 1.765 USD/ounce. Nếu tương ứng với mức giảm này thì vàng trong nước phải giảm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.

Như vậy, kim loại quý đã lao dốc sau nhiều phiên giằng co trong biên độ hẹp. Sức mạnh của đồng USD chính là đòn “chí mạng”, khiến vàng tuột xa khỏi ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.800 điểm.

Sức mạnh đồng USD đã đẩy giá vàng lao dốc

Sức mạnh đồng USD đã đẩy giá vàng lao dốc

Trong phiên giao dịch, chỉ số USD-Index, so sánh đô la Mỹ với rổ 6 loại tiền tệ chính đã tăng 1,34% và chốt phiên với mức cao kỷ lục 106,315. Mặc dù sức mạnh đồng đô la đã tăng lên trong hai năm gần đây, song nó vẫn tiếp tục gia tăng tốc độ vào tháng 3 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Kể từ thời điểm này tính đến nay, lãi suất huy động vốn đã tăng từ 0% lên 1,5% - 1,75%. Người ta cũng dự đoán rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp FOMC vào cuối tháng này.

Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang là để đối phó với mức lạm phát quá cao và đang tiếp tục ở mức cao nhất trong 40 năm. Dữ liệu mới nhất từ ​​chính phủ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 8,3% trong tháng 5. Đáng báo động hơn cả là dữ liệu kinh tế gần đây nhất từ ​​châu Âu với chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2022 cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu ở mức 8,8% so với cùng kỳ.

Việc tăng lãi suất đã hỗ trợ rất nhiều cho việc đồng đô la đưa nó lên mức cao nhất trong 20 năm vào ngày 5/7 với mức tăng hơn 2% trong 6 phiên giao dịch gần nhất. Dựa trên sự đột phá gần đây của đồng đô la, các nghiên cứu kỹ thuật chỉ ra rằng mức kháng cự tiếp theo của nó không phải 107,5 nữa mà có thể xảy ra tại 112,95.

Những lo ngại về một cuộc suy thoái không thể tránh khỏi do lãi suất tăng đã thúc đẩy không chỉ sức mạnh của đồng đô la mà còn thúc đẩy áp lực bán vàng tăng lên. Nhìn chung, hai lực lượng này đã đưa vàng xuống thấp hơn 300 đô la so với mức cao kỷ lục của nó hồi tháng 3 là 2078 USD, tức là mức giảm gần 15,2%.

Sự sụt giảm mạnh hôm nay đã đưa giá vàng đi qua đường xu hướng hỗ trợ thấp hơn. Xem xét biểu đồ kỹ thuật, các chuyên gia tìm thấy mức hỗ trợ gần nhất của kim loại quý tại 1.720 USD.